Công nghệ xanh

Thiếu năng lượng truyền thống, Bangladesh đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh

3 ngày trước
Nguồn: Nikkei Asia

Bangladesh đang đẩy mạnh năng lượng tái tạo, trong lúc tình trạng thiếu điện vào mùa hè ngày càng nghiêm trọng. Nước này cũng vướng vào tranh cãi với tập đoàn Adani của Ấn Độ, về thỏa thuận cung cấp điện.

Share
this:

Nhiều năm qua, Bangladesh có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo thấp bậc nhất thế giới. Nhưng chính phủ lâm thời hiện giờ, đang trải thảm đỏ cho doanh nghiệp sản xuất năng lượng xanh. Sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ mùa hè năm 2024, Bangladesh đến nay vẫn chưa bầu cử và do 1 chính phủ tạm quyền điều hành.

Pin năng lượng mặt trời trên mái nhà tại thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: Getty Images.

Theo một số thống kê, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của Bangladesh hiện khoảng 6,1%. Chính phủ muốn nâng con số lên 40% vào năm 2041. Hiện quốc gia Nam Á sử dụng năng lượng hóa thạch, chủ yếu từ khí đốt tự nhiên và than đá.

Tháng 11.2024, Bangladesh miễn thuế 100% trong 10 năm với nhà máy năng lượng tái tạo hoạt động từ tháng 7.2025. Ưu đãi này nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện sản xuất bằng xăng dầu sang điện sản xuất bằng các nguồn thân thiện với môi trường, như gió và ánh sáng mặt trời.

Ông Muhammad Yunus, Thủ tướng tạm quyền của Bangladesh khi tiếp 1 phái đoàn Na Uy đầu tháng 3.2025 chia sẻ: “Chúng tôi muốn đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực chủ chốt định hình tương lai đất nước.”

Chính phủ đang xem xét lại những dự án năng lượng trong 15 năm qua dưới thời cựu Thủ tướng Hasina, bao gồm cả thỏa thuận 2017 với tập đoàn Adani của Ấn Độ. Bangladesh cáo buộc giá điện trong thỏa thuận quá cao và đấu thầu thiếu tính cạnh tranh. Khi căng thẳng dâng lên, Adani giảm 1/3 lượng điện cung cấp cho Bangladesh vào tháng 11.2024.

Thủ tướng Yunus đã mời nhà đầu tư Trung Quốc, đất nước sản xuất điện mặt trời nhiều nhất thế giới, đến mở nhà máy sản xuất pin năng lượng. Bangladesh cũng ký với ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhằm hỗ trợ vốn cho một số dự án. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Indonesia và Na Uy, đã đề xuất đầu tư vào lĩnh vực này ở Bangladesh.

Nhiều hoạt động được tiến hành thời gian qua. Dự án điện mặt trời Paramount kết nối lưới điện 100 megawatt, bắt đầu hoạt động từ tháng 12.2024.

Một nhà máy điện mặt trời 20 megawatt, được ADB và công ty Joules Power của Bangladesh đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10 tới. Cơ sở này đủ điện cung cấp cho 11.500 hộ gia đình, giúp giảm 18.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Một công viên năng lượng mặt trời 64 megawatt khác, đang được xây dựng trên diện tích 80 hectare dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 6.

Nhiều hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ đã được triển khai trên cả nước. Ví dụ hệ thống của Solar Home Systems, chuyên cung cấp cho hộ gia đình. Một số địa phương rất hào hứng với ứng dụng trên, nhất là khu vực không có lưới điện đi qua.

Theo nhiều thống kê, khoảng 6 triệu hệ thống đã được lắp đặt tại quốc gia 171 triệu dân, đủ điện dùng cho 20 triệu người. Con số vẫn tiếp tục tăng.

Từ khi cựu Thủ tướng Hasina bị lật đổ, Bangladesh liên tục gặp khó do bất ổn kinh tế và bất ổn xã hội. Dự kiến cuộc bầu cử mới có thể diễn ra cuối năm 2025 hoặc đầu 2026.

Mùa hè đang đến, thiếu điện đã xảy ra ở nhiều nơi. Bangladesh còn đang khủng hoảng vì thiếu ngoại tệ, để thanh toán cho mua điện và mua khí đốt từ nước ngoài.

Chuyên gia năng lượng Badrul Imam, giáo sư danh dự tại đại học Dhaka chia sẻ: “Bangladesh có thể thay dần năng lượng hóa thạch bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoặc năng lượng xanh khác trong tương lai nếu có bước đi thích hợp. Nhiều quốc gia ít ánh sáng mặt trời hơn nhưng đã thành công rực rỡ. Đây là chiến lược đúng đắn và hợp lý nhất ở thời điểm khó khăn này.”

Ông Mostafa Al Mahmud, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng tái tạo bền vững Bangladesh (BSREA) nói: “Bangladesh có tài nguyên ánh nắng mặt trời dồi dào. Cái khó bây giờ là đất đai. Phần lớn diện tích đều dành cho nông nghiệp, xây dựng hoặc công nghiệp. Đất nước chúng tôi diện tích nhỏ nhưng quá đông dân. Thật khó để xây những trang trại mặt trời lớn, mà không phải di dời người dân hoặc tài sản trên mặt đất.”

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thieu-nang-luong-truyen-thong-bangladesh-day-manh-su-dung-nang-luong-xanh)