Nhu cầu thương mại điện tử tăng vọt kéo theo áp lực giải quyết câu chuyện tối ưu hóa và xanh hóa hoạt động logistics tại khu vực đô thị.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh kéo theo nỗi lo về môi trường và bài toán hiệu quả kinh tế của lĩnh vực logistics trong tương lai.
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại báo cáo hồi tháng 11.2020, số phương tiện giao hàng tại 100 thành phố hàng đầu trên toàn cầu sẽ tăng 36% cho đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến, nếu không có biện pháp can thiệp nào. Điều này dẫn tới hậu quả tiêu cực về mặt môi trường, khi lượng khí thải từ các phương tiện này ước tăng 6 triệu tấn CO2.
“Logistics đô thị chưa bao giờ đối mặt với những thay đổi lớn như thời điểm hiện tại. Một số thành phố dự đoán, nếu không có biện pháp can thiệp, giao thông nội thành sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng trong ba năm tới,” bà Fion Ng, Giám đốc vận hành công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, nhấn mạnh tại sự kiện chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” do BW và Bộ Công thương đồng tổ chức”.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều giải pháp nhằm xanh hóa chuỗi logistics đang được thực hiện. Dễ thấy nhất là việc tìm ra các phương thức vận chuyển mới và thân thiện với môi trường hơn, như sử dụng động cơ điện hay động cơ hybrid. Theo bà Fion Ng, các công bố về sáng kiến xe điện của các công ty logistics ở châu Á – Thái Bình Dương đã từng bước đem về nhiều kết quả đáng khích lệ trong nỗ lực tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
“Chúng ta cần nhìn nhận và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển khác trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, từ đó làm cơ sở áp dụng cho phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tiễn Việt Nam. Những thành quả trong việc ứng dụng mô hình này trên thế giới sẽ tạo nền tảng và là động lực để các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam triển khai trong tương lai gần”, bà Fion nhận định.
Giải pháp cho vấn đề hạ tầng logistics hiện nay chính là phải tối ưu hóa các trung tâm logistics đô thị. “Một khi việc xây dựng các trung tâm logistics đô thị được tối ưu hóa, lượng carbon thải ra có thể thấp hơn nhiều so với tình hình hiện nay”, bà Fion nói.
Theo quan sát của đại diện BW, lĩnh vực logistics đô thị đã và đang chuyển đổi trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng. Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và giao hàng, vốn có liên quan mật thiết đến sự phát triển của các doanh nghiệp trực tuyến, đang có tốc độ tăng trưởng lên đến 70% trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, các khoản đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được tăng cường.
Chẳng hạn như khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM) gần đây trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, như Shopee, đơn vị vận chuyển J&T Express hay Best Logistics. Ngoài ra, còn nhiều khách thuê khác là đơn vị giao nhận chặng cuối và các các nhà bán lẻ chọn dự án này làm kho hàng vì lợi thế chi phí khi tiếp cận đến đại đô thị TP.HCM.
Còn ở lĩnh vực hạ tầng cho logistics, BW chọn các điểm kho có vị trí chiến lược, đồng thời còn mang đến mô hình tối ưu hóa chi phí như nhà kho xây sẵn, nhà kho xây sẵn cao tầng. Điển hình có các dự án mới sắp ra mắt như BW Xuyên Á (kho xây sẵn 2 tầng) và BW Phú Nghĩa (kho xây sẵn 1 tầng) tại Hà Nội, đều được đánh giá là điểm phát triển trung tâm logistics phục vụ đô thị tiềm năng.
“Những nỗ lực của các bên liên quan trong ngành logistics đô thị đang được thực thi ở các thành phố trọng điểm hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều triển vọng mới, giúp hình thành một chuỗi cung ứng toàn diện từ kho hàng đến tay khách hàng cuối cùng”, bà Fion nhận định.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thach-thuc-xanh-hoa-chuoi-logistics-do-thi)
1 năm trước
Bán lẻ hiện đại: Bán sự hài lòng1 tháng trước
Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức2 năm trước
5 dự báo quan trọng về an ninh mạng 20225 tháng trước
Thương hiệu mì ăn liền Nongshim mở rộng mảng logistics