Công nghệ

Startup AI lo sợ sắc lệnh mới có thể bóp nghẹt sự sáng tạo

1 năm trước
Tác giả Kenrick Cai

Startup hoan nghênh sắc lệnh hành pháp mới về quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) do tổng thống Joe Biden ban hành nhưng cũng tỏ lo ngại liệu sắc lệnh này có thể tạo ra nhiều rào cản cho các công ty nhỏ hơn cũng như bóp nghẹt sự sáng tạo.

Share
this:

Trong thông báo của Nhà Trắng, sắc lệnh nói trên thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư trong quá trình phát triển cũng như sử dụng AI.

Đáng chú ý nhất là sắc lệnh mới đưa ra các quy định giám sát chặt mô hình ngôn ngữ lớn sắp được phát hành trong thời gian tới – bao gồm GPT-5 của OpenAI và Gemini của Google.

Tổng thống Biden ban hành sắc lệnh này sau nhiều tháng thảo luận giữa chính quyền của ông với lãnh đạo cấp cao tại các công ty công nghệ đầu tư vốn và nguồn lực lớn vào AI kể từ khi ChatGPT phát hành rộng rãi vào tháng 11.2022.

Ngày 30.10, tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về quản lý AI. Ảnh: AP/ Forbes

Trong tháng 5, Biden và phó tổng thống Kamala Harris đã gặp các CEO của Google, Anthropic, Microsoft, OpenAI – bốn công ty hàng đầu trong lĩnh vực này. Mỗi công ty chi hàng tỉ đô la Mỹ để phát triển AI. Chẳng hạn như Microsoft đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI, trong khi Anthropic được Amazon và Google rót hàng tỉ đô la Mỹ.

Nhưng sắc lệnh này khiến một nhóm công ty mới thành lập phải tạm dừng tìm cách thay đổi bối cảnh công nghệ. “Điều quan trọng đối với chính phủ là thúc đẩy hệ sinh thái AI mở, đặc biệt cho startup,” Florian Douetteau, đồng sáng lập của Dataiku, startup giúp công ty xây dựng công cụ AI, cho biết trong email gửi tới Forbes.

“Giống như những nhà đầu tư lưới truyền tải điện, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ độc quyền AI sau khi rót vào những khoản lớn. Hình thức độc quyền như vậy sẽ kìm hãm sự đổi mới đồng thời cản trở công ty nhỏ hơn đóng góp vào quá trình phát triển AI,” Douetteau nói thêm.

Với sắc lệnh hành pháp mới nói trên, chính phủ liên bang sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái “công bằng, mở và cạnh tranh” bằng cách giúp nhà phát triển cũng như công ty nhỏ tiếp cận nguồn lực kỹ thuật lẫn cơ hội thương mại hóa.

Douetteau cho biết ông tin rằng quy định bổ sung này có thể hữu ích vì có thể cho phép ủy ban Thương mại Liên bang “sớm phát huy quyền lực trong việc tạo ra hệ sinh thái như kỳ vọng.”

“Chúng ta vẫn phải lưu ý rằng chính phủ không xây dựng cơ chế quản lý nhằm củng cố quyền lực của những ông lớn công nghệ,” Aidan Gomez, đồng sáng lập Cohere, startup xây dựng các mô hình AI riêng biệt, nói với Forbes.

Theo Gomez, “tùy thuộc vào mức độ thực thi” mà sắc lệnh này sẽ mang lại lợi ích cho các ông lớn hay startup nhỏ hơn. Ông là 1 trong 15 giám đốc điều hành của công ty công nghệ đưa ra cam kết tự nguyện với Nhà Trắng tuân theo quy định để hạn chế rủi ro của AI.

Trước kia, chính quyền Biden đã gặp khó khăn trong việc thực thi luật chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ. “Tôi biết chính phủ nhận thức rõ tình trạng độc quyền kìm hãm kinh tế phát triển năng động, vì vậy tôi rất lạc quan tin rằng sắc lệnh mới có lợi cho nhiều bên,” Gomez chia sẻ.

Các giám đốc điều hành khác nghĩ rằng gánh nặng pháp lý gia tăng có thể mang lại lợi ích cho những ông lớn công nghệ vì họ có thể dễ dàng trả chi phí liên quan hơn.

“Quy định quá mức, chẳng hạn như giới hạn về quy mô mô hình và yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt, sẽ tạo ra những rào cản mà chỉ các công ty lớn mới có thể vượt qua,” George Sivulka, nhà sáng lập startup tìm kiếm doanh nghiệp Hebbia, viết trong email.

Những startup mới có thể không đủ vốn để “đáp ứng các yêu cầu về thử nghiệm rộng rãi như những gã khổng lồ AI,” Evan Reiser, đồng sáng lập của công ty phần mềm an ninh mạng Abnormal Security, cho biết.

Nhiều công ty trong số đó đang xây dựng các mô hình và công cụ AI dựa vào mô hình nguồn mở có chi phí sử dụng rẻ và dễ tinh chỉnh hơn. Không rõ sắc lệnh mới quản lý AI nguồn mở như thế nào, nhưng Richard Robinson, đồng sáng lập của startup công nghệ pháp lý Robin AI, cho biết rằng quy định đó nhắm vào nhà cung cấp mô hình nguồn mở lớn như Meta nên không tác động mạnh đến công ty khởi nghiệp.

“Nếu những mô hình được tinh chỉnh riêng này cần phải tuân thủ quy định về an toàn và bảo mật thì điều đó gần như chắc chắn sẽ hạn chế khả năng xây dựng và triển khai các mô hình mới của các tổ chức.”

Ben Buchanan, cố vấn đặc biệt về AI của Nhà Trắng, bác bỏ quan điểm cho rằng sắc lệnh hành pháp mới sẽ có lợi cho các ông lớn công nghệ hơn. “Tôi không chắc liệu sắc lệnh này có tác động mạnh với các công ty công nghệ lớn hay không. Nhưng tôi chắc chắn rằng họ cũng sẽ bị tác động giống như những công ty khác và tổ chức học thuật trong lĩnh vực này,” ông nói với Forbes. “Hệ sinh thái công nghệ khá năng động và chúng tôi muốn phát triển như vậy.”

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

OpenAI thành lập bộ phận giám sát và quản lý AI
Google ban hành chính sách kiểm duyệt nội dung do AI tạo ra

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-ai-lo-so-sac-lenh-moi-co-the-bop-nghet-su-sang-tao)