Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo giải quyết hoàn thuế gần 600 tỷ đồng cho Samsung

1 tuần trước
Tác giả Gia Lộc

“Đừng làm việc theo tháng, năm,” ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, chỉ đạo các sở, ban ngành đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động và đầu tư tại thành phố.

Share
this:

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với lãnh đạo thành phố diễn ra vào ngày hôm qua, 25.3, ông Kwon Choon Ki, tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex, cho biết công ty đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do ba năm qua công ty vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khoảng 22,9 triệu USD (tương đương gần 582 tỷ đồng) sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp chế xuất từ tháng 6.2021 đến tháng 9.2024.

Với tỷ trọng xuất khẩu cao trên 90%, nhà máy Samsung SEHC đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt cho phép chuyển đổi thành doanh nghiệp chế xuất (EPE) chính thức từ ngày 1.5.2021.

Nhà máy Samsung SEHC tọa lạc tại Khu công nghệ cao TP.HCM, từ năm 2016 đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên toàn thế giới, hiện nay có khoảng 5.200 nhân viên.

Năm 2024, doanh thu nhà máy đạt 4,9 tỷ USD. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng lên 5,6 tỷ USD.

Theo ông Kim Nyoun Ho, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, chính sách xử lý hoàn thuế nhanh chóng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể xoay vòng vốn một cách linh hoạt và mở rộng sự đầu tư.

Do đó, ông và các doanh nghiệp Hàn Quốc bao gồm Samsung đề nghị nên sớm cải thiện quy trình này.

Ông Kwon Choon Ki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex, kiến nghị giải quyết nhanh việc hoàn thuế VAT. Ảnh: ITPC

Samsung Việt Nam hiện vận hành tổng cộng 6 nhà máy sản xuất, 1 pháp nhân bán hàng và 1 trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội và khu công nghệ cao TP.HCM.

Tổng doanh thu năm 2024 của Samsung Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước Việt Nam. Đến nay tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 23,2 tỷ USD.

Ngoài ra, vấn đề tạm hoãn hoàn thuế VAT liên quan đến hoạt động “xuất khẩu tại chỗ” đối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu đang gây ra nguy cơ lớn cho sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đang hoạt động theo phương thức là nộp thuế VAT 8 – 10% khi nhập khẩu nguyên liệu. Sau khi gia công, họ sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu với mức thuế suất VAT là 0%.

Tuy nhiên, việc tạm hoãn chưa hoàn thuế VAT đang khiến các doanh nghiệp phụ trợ trong nước gặp bất lợi trong việc cạnh tranh giá với các nhà nhập khẩu nước ngoài.

“Điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam,” ông Kim Nyoun Ho cho biết.

“Do đó, chúng tôi kính đề nghị nên sớm cải thiện thủ tục hoàn thuế VAT để các doanh nghiệp phụ trợ có thể hoạt động một cách ổn định.”

Tại buổi đối thoại, ông Kim Se Won, tổng giám đốc Công ty CJ Foods Việt Nam, cũng kiến nghị ủy ban hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian sớm nhất có thể.

Qua đó, CJ có thể được hoàn thuế GTGT, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và cải thiện dòng vốn cho hoạt động, kinh doanh, mở rộng đầu tư, ông Kim Se Won nói thêm.

Công ty đã ký hợp đồng thuê đất với khu công nghiệp Hiệp Phước vào tháng 7.2017. Theo đó, KCN Hiệp Phước có trách nhiệm tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2019 đối với lô đất mà CJ đã thuê. Tuy nhiên, cho đến nay CJ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận này.

CJ đã đầu tư 2.650 tỷ đồng để xây dựng nhà máy và hoàn thành vào tháng 12.2018. Tuy nhiên, do thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất nên công ty vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng cho khoản đầu tư xây dựng nhà máy.

Tháng 11.2020, nhà máy bị cháy rụi hoàn toàn và CJ đang gặp khó khăn trong quyết định tái đầu tư do chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất.

Đại diện cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết rằng các vấn đề liên quan đến đất ở khu công nghiệp mới được giải quyết trong tuần qua nên những vấn đề doanh nghiệp tại khu công nghiệp như CJ gặp phải sẽ sớm được tháo gỡ.

Khu công nghiệp Hiệp Phước đã ký được hợp đồng thuê đất với nhà nước, ông nói thêm. Trong 1-2 tháng tới đây thủ tục cấp sổ đỏ cho khu công nghiệp sẽ hoàn thành và chuyển giao cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp.

Ngoài ra, khu công nghiệp còn có một quỹ đất 210 hecta, sẵn sàng tiếp nhận nhà đầu tư. Do đó, theo ông, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đến xem xét, đầu tư tại khu công nghiệp trong thời gian tới nếu muốn.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, đề nghị sở, ban ngành thành phố khẩn trương tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: ITPC

Sau khi lắng nghe những vấn đề doanh nghiệp Hàn Quốc đang đối mặt, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố là luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn, lâu dài tại thành phố. Vì vậy, ông đề nghị các sở, ban ngành phải khẩn trương tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hiện Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại, đầu tư, du lịch hàng đầu của TP.HCM với cộng đồng hơn 80 ngàn người và hơn 2.000 doanh nghiệp của Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại thành phố.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, tính lũy kế từ ngày 1.1.1988 đến ngày 31.1.2025, giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 88,68 tỷ đô la Mỹ.  

Trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đứng thứ 3 trong 127 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn thành phố với 2.286 dự án đạt 5,5 tỷ đô la Mỹ (chiếm 9,38%).

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/pho-chu-tich-ubnd-tp-hcm-chi-dao-giai-quyet-hoan-thue-gan-600-ty-dong-cho-samsung)