Ngày 5.6, cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Hoa Kỳ công bố tháng trước nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục sau khi tăng với tốc độ nhanh nhất.
Đây là một tín hiệu đáng lo ngại khi các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu tiếp tục gây ra mức thiệt hại ngày càng lớn hơn cho hành tinh. Đài quan sát đường cơ sở khí quyển Mauna Loa của NOAA ở Hawaii ghi nhận nồng độ CO2 cao gần ngưỡng 424 ppm vào tháng 5, tăng so với 421 ppm trong cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 thường ghi được nồng độ CO2 trong khí quyển cao nhất trong năm.
Theo các nhà khoa học của NOAA và viện Hải dương học Scripps thuộc đại học California San Diego, đây là năm thứ tư ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển vượt ngưỡng cao. Các nhà khoa học không mong muốn mức tăng này mà thay vào đó chỉ mong nồng độ CO2 ổn định.
Nồng độ CO2 đạt đến ngưỡng 420 đến 425 ppm, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục tăng ngay cả khi các quốc gia nỗ lực giảm phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch với hi vọng đạt được mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với ngưỡng trong thời kỳ tiền công nghiệp.
“Mỗi năm, chúng ta thấy nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên do hoạt động con người trực tiếp gây ra,” Rick Spinrad, quản trị viên NOAA nói trong thông cáo, đồng thời cho biết thêm: “Mỗi năm, biến đổi khí hậu khiến những đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và bão dữ dội hơn” nên “chúng ta phải nỗ lực hết sức để giảm ô nhiễm carbon, bảo vệ hành tinh này cũng như cuộc sống.”
Trong nhiều thập niên qua, các nhà khoa học cảnh báo rằng chúng ta cần phải hạn chế lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn những tác động gây chết người của biến đổi khí hậu.
Sử dụng chủ yếu nhiên liệu hóa thạch cho giao thông vận tải và sản xuất điện, làm tăng nồng độ CO2 và giữ nhiệt trong khí quyển. Một khi nhiệt không thoát được ra ngoài, thì sẽ làm Trái đất nóng lên, kéo dài hạn hán cũng như các đợt nắng nóng, đồng thời gây ra nhiều trận cháy rừng và bão dữ dội hơn.
Hồi tháng 3, các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng thế giới đang ở “trên lớp băng mỏng” khi nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, mức này có thể ngăn những đợt hạn hán, nắng nóng, bão và nước biển dâng cao gây chết người cũng như dẫn đến những hậu quả tàn khốc khác.
Vào tháng 10, các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng lượng khí thải nhà kính trong năm 2030 sẽ tăng 10% so với mức của năm 2010 nếu không thực hiện các biện pháp giảm lượng khí thải CO2.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Boeing sẽ hợp tác với Equatic để giảm khí thải CO2
Startup Heirloom giúp khoáng sản hấp thụ CO2 trong ba ngày thay vì nhiều năm
Giảm phát thải carbon: Thách thức từ lộ trình đến cam kết đầu tư
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nong-do-co2-trong-khi-quyen-cao-ky-luc)