Nitori, thương hiệu nội thất và đồ gia dụng Nhật Bản, đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới 70 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2032, tức khoảng 10 cửa hàng mỗi năm.
Việt Nam từ lâu đã là một thị trường trọng điểm trong khu vực ASEAN nhờ dân số đông và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, theo chia sẻ của ông Nitori Akio, Giám đốc đại diện kiêm Chủ tịch Tập đoàn Nitori, tại sự kiện khai trương cửa hàng flagship đầu tiên với diện tích hơn 3.000 m2 vào ngày 11.4.
Vì vậy, “chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam,” ông Nitori Akio cho biết.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những cửa hàng khiến khách hàng sau khi ghé thăm một lần sẽ muốn quay lại nhiều lần. Chúng tôi đang xem xét mở rộng tại các địa điểm và khu vực thuận tiện để khách hàng Việt Nam dễ dàng đến mua sắm,” vị lãnh đạo Nitori nói thêm.
Ngoài lĩnh vực bán lẻ, Nitori cũng đang sản xuất đồ nội thất và chăn ga tại Việt Nam. Từ năm 1995, nhà máy đầu tiên tại Hà Nội đã sản xuất tủ, giường, nệm và gần đây mở rộng sang màn rèm, chăn ga. Đến năm 2017, nhà máy thứ hai tại Bà Rịa – Vũng Tàu đi vào hoạt động.
Tính đến nay, hai nhà máy của Nitori đang tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động và chiếm hơn 40% tổng sản lượng đồ nội thất của Tập đoàn. Trong năm 2024, sản lượng sản xuất đạt khoảng 6,3 triệu bộ sản phẩm gồm nệm, chăn ga, bàn ăn và rèm cửa.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Nitori Akio cho biết “tập đoàn chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam khi thị trường như Indonesia ngày càng tăng giá gia công.”
Ngoài ra, ông nhận định người Việt có tính cách giống như người Nhật: siêng làm, cần mẫn, đặc biệt người phụ nữ tích cực trong công việc. Mặc dù vẫn còn nhược điểm là nhập nguyên vật liệu vào Việt Nam để sản xuất.
Ông Nitori Akio còn cho biết sản phẩm sản xuất tại các quốc gia khác được nhập về Nhật Bản để bán. Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan như hiện nay, hoạt động kinh doanh của tập đoàn chưa bị ảnh hưởng nhiều vì không có cửa hàng tại Mỹ.
“Nhưng sắp tới chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu từ Malaysia và Việt Nam nên cũng cần nghiên cứu. Giả như trong thời gian tới, chúng tôi lên kế hoạch xuất khẩu đồ nội thất và gia dụng sang thị trường Hoa Kỳ thì chúng tôi sẽ lựa chọn quốc gia nào bị áp thuế 10% để sản xuất linh kiện, sau đó nhập khẩu vào Mỹ lắp ráp và bán,” ông Nitori Akio chia sẻ.
Tính đến nay, Tập đoàn Nitori đã có 1.044 cửa hàng tại Nhật Bản và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Năm 2024, hệ thống này đã đón hơn 340 triệu lượt khách hàng, với hơn 100 triệu giao dịch mua sắm.
Theo báo cáo Thị trường Nội thất Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Mordor Intelligence, quy mô thị trường ước tính đạt 1,47 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2029. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 5,33% trong giai đoạn dự báo 2024-2029.
Trong khi đó, Statista dự báo doanh thu từ thị trường hàng gia dụng ở Việt Nam ước tính đạt 9,15 tỷ USD. Thị trường nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam ngày càng cạnh tranh không chỉ giữa các thương hiệu nội địa mà còn nước ngoài, từ châu Âu, Trung Quốc, Malaysia….
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nitori-dat-muc-tieu-mo-them-10-cua-hang-moi-nam-tai-viet-nam)
4 tháng trước
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc bất ngờ giảm lãi suất1 tuần trước
Uniqlo chọn Huế mở cửa hàng đầu tiên ở miền Trung