Được trưng bày trong vòng hai tuần tại Hà Nội, 9 tạo tác đồng hồ dành cho phái đẹp tôn vinh hành trình sáng tạo kéo dài hai thế kỷ của một trong những thương hiệu đồng hồ lâu đời nhất của Thuỵ Sỹ, mà còn đem đến cho công chúng một cái nhìn rõ nét hơn về thế giới xa xỉ – nơi hội ngộ của các quy tắc đỉnh cao, dù là trong thiết kế, ngôn ngữ nghệ thuật hay chuyên môn kỹ thuật.
Nhắc tới nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí, số lượng chiếm ưu thế vượt trội của những chiếc đồng hồ dành cho nam giới đương đại thường ít nhiều mang lại ấn tượng về sự thiếu quan tâm đến nghệ thuật này ở phái đẹp; tuy nhiên, bất cứ ai có hiểu biết về lịch sử của ngành chế tác đầy tinh vi và phức tạp này đều biết rằng, ngay từ buổi đầu của lịch sử, những người phụ nữ đã luôn dành sự quan tâm đến những tạo tác ghi lại hành trình thời gian.
Phái đẹp cũng là những người đầu tiên đeo đồng hồ lên cổ tay, rất lâu trước khi chiếc đồng hồ đeo tay trở nên phổ biến vào nửa đầu thế kỷ 20 – và cũng chính họ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành khi đưa ra những yêu cầu về việc thu nhỏ các bộ chuyển động để đáp ứng nhu cầu đầy tinh tế và thanh lịch của bản thân.
Vacheron Constantin – trong vai trò là nhà chế tác đồng hồ có thời gian hoạt động liên tục lâu dài nhất trong suốt lịch sử của ngành đồng hồ Thuỵ Sỹ – là một chứng nhân của giai đoạn lịch sử này, thể hiện qua hơn 1.300 thiết kế dành cho nữ giới trải dài xuyên suốt hơn 200 năm lịch sử, với mẫu lâu đời nhất được ghi dấu vào năm 1815 – một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng, có bộ vỏ được chạm khắc hoạ tiết hoa và đính ngọc hồng lựu.
Những chiếc đồng hồ này không chỉ chứng minh sức sáng tạo dồi dào của thương hiệu hướng tới phái đẹp, mà còn góp phần phản ánh các xu hướng nghệ thuật và đời sống qua từng thời kỳ, cũng như vị thế xã hội không ngừng thay đổi của phụ nữ, cũng như những khát khao và sở thích táo bạo nhất của họ.
Nếu như với các tạo tác nam giới, cảm hứng thường đến từ những môn thể thao cực hạn như lặn biển, leo núi hay đua xe, nghệ thuật chế tác đồng hồ cho nữ giới lại gắn liền với thời trang cao cấp. Haute Couture (thời trang cao cấp) và Haute Horlogerie (đồng hồ cao cấp) có mối liên kết mạnh mẽ ngay từ tên gọi. Từ khi ra đời, khái niệm Haute Couture đã được dẫn dắt bởi một bộ các quy tắc định hướng cho các hoạt động chặt chẽ, từ việc may đo tại xưởng tới trình diễn trên sàn diễn thời trang. Tính chất khắt khe không nhượng bộ này là nền tảng tạo nên một thế giới của phong cách, chất lượng và sự sang trọng.
Tương tự như vậy, các thương hiệu chế tác đồng hồ cao cấp Haute Horlogerie như Vacheron Constantin luôn phải tuân thủ nhiều nguyên tắc để đảm bảo cho mọi tạo tác đồng hồ đều toát lên vẻ đẹp của nghệ thuật và kiến thức chuyên môn.
Mối quan hệ hai chiều đó được thể hiện xuyên suốt trong các sáng tạo của thương hiệu Thuỵ Sỹ, từ các sáng tạo cách đây 2 thế kỷ, hay những nếp gấp trên mặt số của bộ sưu tập Égérie mới nhất. Để cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng quan về mối liên kết kỳ diệu này, Vacheron Constantin đã lựa chọn một số mẫu đồng hồ trong các bộ sưu tập Di sản của mình.
Như một bậc thầy couture thiết kế trang phục cho những sự kiện đặc biệt, thương hiệu đã lựa chọn các mẫu đồng hồ này để kết hợp với những bộ đồ mặc tới các sự kiện gala, tiệc trà, tiệc trưa hay tiệc cocktail, nơi những chiếc đồng hồ hiện diện song hành như một món đồ không thể thiếu của những người có gu.
Những chiếc đồng hồ được lựa chọn cho lần giới thiệu đặc biệt này được ứng dụng những kỹ thuật đính đá quý tinh xảo nhất. Thú vị hơn nữa, khi đồng hồ đeo tay ra đời, dây đồng hồ bằng bạch kim và vàng đã được chế tác linh hoạt để hạn chế tình trạng bào mòn cho dây đeo và mang lại cảm giác thoải mái tuyệt đối cho người đeo.
Trong thời kỳ Art Deco, nhiều dáng đồng hồ độc đáo đã xuất hiện: hình bầu dục, hình chữ nhật, hình vuông với các góc sắc cạnh hoặc bo tròn, thường được kéo dài và uốn cong để ôm lấy cổ tay. Một số mẫu đồng hồ đã trở thành biểu tượng thẩm mỹ của Vacheron Constantin, là nguồn cảm hứng cho nhiều kiểu dáng mới ra đời trong thập niên 70, kỷ nguyên của sự táo bạo và sáng tạo không giới hạn.
Đồng hồ nữ dạng dây chuyền – 1923 (Ref. Inv 11095):
Chất liệu bạch kim, đá sapphire Myanmar cắt hình oval, đá sapphire mài tròn và cắt kiểu trapeze, kim cương cắt kiểu brilliant được đính hột, đi cùng dây bằng vàng trắng
Đồng hồ đeo tay nữ – 1913 (Ref. Inv 11809):
Chất liệu bạch kim, vành bezel nạm kim cương. Mặt số mạ vàng. Dây đeo dạng vòng tay bằng bạch kim đính kim cương.
Những chiếc đồng hồ điểm chuông mỗi ¼ giờ từng được săn đón bởi những vị khách giàu có nhất từ đầu thế kỷ 19. Những chiếc đồng hồ phức tạp này trở nên phổ biến nhờ khả năng báo giờ khi trời tối, và dễ dàng trở thành đề tài cho những cuộc hội thoại. Vào thời điểm đó, Vacheron Constantin được xem là một chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo những cỗ máy điểm chuông, đã trở thành thương hiệu đáp ứng sớm nhất nhu cầu đồng hồ nữ mang những chức năng phức tạp (mẫu đồng hồ lâu đời nhất được lưu giữ trong bộ sưu tập Di sản ra đời vào năm 1812).
Đồng hồ cài áo nữ – 1901 (Ref. Inv. 10187):
Bằng vàng có tráng men, chạm khắc bằng kỹ thuật trang trí chạm phù điêu nổi, kim cương đính hạt.
Đồng hồ cài áo nữ – 1897 (Ref. Inv. 11248):
Đồng hồ cài áo nữ bằng vàng vàng 18k theo phong cách “Art Nouveau”, mặt số khảm xà cừ và tráng men.
Ban đầu, trong thập niên 1920, Vacheron Constantin theo đuổi trường phái Art Deco để tạo hình và lồng ghép một số yếu tố kiến trúc cụ thể vào các tạo tác đồng hồ qua những đường nét thuần khiết và chỉn chu. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi khi thương hiệu bắt đầu theo đuổi kỷ nguyên của chủ nghĩa Hiện đại.
Vào thời điểm đó, trang sức là phụ kiện không thể thiếu với bất kỳ trang phục nào, và những chiếc đồng hồ bí mật trở thành món phụ kiện thời trang được ưa chuộng. Từ khi ra mắt tại Triển lãm Đồng hồ và trang sức vào năm 1942, Vacheron Constantin luôn được biết đến với những đổi mới trong thiết kế, nắm bắt được xu hướng thời trang cao cấp cũng như đáp ứng được những yêu cầu của phái nữ. Quả thực, tại các sự kiện trang trọng và thanh lịch, việc xem giờ có thể coi là một hành động không lịch sự, đặc biệt đối với phụ nữ.
Đồng hồ đeo tay nữ – 1930 (ref. Inv. 10770):
Đồng hồ đeo tay kết hợp ba sắc độ của chất liệu vàng với những viên kim cương cắt kiểu brilliant được đính sát và đính hạt.
Đồng hồ vòng tay nữ – 1947 (ref. Inv. 11723):
Đồng hồ vòng tay nữ bằng vàng hồng 18K, mặt số mạ vàng với cọc số bằng vàng.
Được đeo trên cổ tay, những chiếc đồng hồ đeo tay đời đầu sở hữu bộ máy (được tinh giản từ bộ máy của đồng hồ bỏ túi) gặp nhiều hạn chế do chấn động khi cử động, thay đổi độ ẩm và nhiệt độ.
Trong thế kỷ 20, phần lớn những đổi mới đều hướng tới việc cải thiện độ chính xác cho máy đồng hồ. Do nhu cầu đối với những kiểu dáng đồng hồ đa dạng ngày tăng cao, các nhà chế tác đồng hồ đã cải tiến những bộ máy tinh giản để phù hợp hơn với các mẫu đồng hồ kích thước nhỏ. Vào năm 1915, Vacheron Constantin ra mắt một bộ chuyển động siêu nhỏ (21,5 x 6,5 mm), gọi là baguette, được ứng dụng phần lớn trong các mẫu đồng hồ trang sức. Sau đó, bộ máy baguette 7’’’ đã sử dụng một hệ thống được cấp bằng sáng chế để bảo vệ bánh xe cân bằng khỏi sốc do chuyển động.
Đồng hồ đeo tay nữ – 1967 (Ref. Inv. 10474):
Bằng vàng với dây đeo được tạo thành từ các mắt xích hình nút thắt được đánh bóng.
Năm 1879, Ferdinand Verge trở thành đại lý độc quyền của Vacheron Constantin tại Pháp, mối quan hệ hợp tác được tiếp tục khi con trai của Ferdinand nối nghiệp cha vào năm 1920. Từ đó, Vacheron Constantin và Verger Frères cùng nhau xây dựng mối quan hệ chặt chẽ cho tới năm 1938.
Trong thời kỳ này, tận dụng những bộ chuyển động baguette thu nhỏ, thương hiệu đã tạo nên rất nhiều mẫu đồng hồ mà từ đó Georges Verger hoặc Albert Verger sẽ xin cấp bằng sáng chế, ví dụ như mẫu đồng hồ có cửa sập giấu mặt số “jalousie”, đồng hồ bỏ túi xách với tên gọi “captives” hoặc đồng hồ cài áo dạng dây đeo. Từ đó, Vacheron Constantin đã phát triển nghệ thuật chế tác này nhằm tạo nên những cách thức mới để biến chiếc đồng hồ trở thành một món phụ kiện.
Đồng hồ bỏ túi xách «Shutter» – 1929 (Ref. Inv. 10164):
Làm bằng vàng trắng, đá ruby mài tròn đính sát, chạm trổ họa tiết hình học.
Đồng hồ «Surprise» với cửa sập giấu mặt số – 1929 (Ref. Inv. 10658):
Đồng hồ hình chữ nhật bằng vàng 18K và tráng men đen, mặt số phủ bạc với 12 số Ả Rập bằng vàng, vạch phút dạng đường ray ở mép mặt số.
Sự kiện trưng bày Đồng hồ dành cho nữ giới từ bộ sưu tập Di sản của Vacheron Constantin diễn ra từ ngày 22.11 đến hết ngày 4.12, tại boutique boutique 61 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (mở cửa từ 9h đến 20h). Truy cập website, Facebook của Tam Sơn hoặc liên hệ hotline +84 24 3934 7666 để biết thêm chi tiết. |
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhung-dinh-cao-sang-tao-cua-vacheron-constantin)
2 năm trước
1 năm trước
Roger Dubuis ra mắt mẫu đồng hồ mới11 tháng trước
1 năm trước
Tag Heuer ra mắt mẫu đồng hồ Monaco mới