Thị Trường

Ngành thủy sản có thể thiệt hại nửa tỉ đô mỗi năm nếu bị thẻ đỏ IUU

2 năm trước
Tác giả Linh Chi

Xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam có thể mất thị trường châu Âu (EU) trong 1-3 năm tới nếu Ủy ban châu Âu (EC) quyết định tăng mức cảnh báo từ thẻ vàng hiện tại lên thẻ đỏ.

Share
this:

Theo đó ước tính ngành thủy sản có thể mất gần nửa tỉ đô-la Mỹ mỗi năm từ thị trường này, riêng thủy sản khai thác chiếm gần 400 triệu USD.

Dữ liệu theo Báo cáo đánh giá về tác động kinh tế của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với World Bank thực hiện và công bố sáng 10.8.

“Do đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang đối diện với cảnh báo thẻ vàng từ EC vì những nỗ lực chưa đủ để chống lại nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp và không theo quy định,” báo cáo nêu.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU trong hai năm 2017-2019 đã giảm hơn 183 triệu USD, tương đương giảm 12%, xuất khẩu hải sản giảm trên 10% kể từ sau khi EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng vào năm 2017.Đà giảm này tiếp tục kéo dài trong năm 2020, do tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit.

Năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu chỉ đạt 959 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2019. Từ năm 2019, EU tụt hai bậc xuống vị trí thứ tư trong các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5-9 tỉ USD mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 65% giá trị, phần còn lại là thủy sản khai thác.

Nếu các vấn đề trong cảnh báo thẻ vàng không được cải thiện, EC sẽ áp dụng thẻ đỏ, khi đó nhóm thủy sản khai thác sẽ chịu thiệt hại trực tiếp. Đồng thời tác động gián tiếp đến thủy sản nuôi trồng, giảm uy tín và chịu áp lực kiểm soát hải quan và quan trọng hơn là không tận dụng được thuế quan ưu đãi từ EVFTA.

Về dài hạn, nếu lệnh cấm nếu kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu, ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác có thể giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. EU còn là một thị trường có tiêu chuẩn cao, nếu mất đi thị trường này cũng đồng nghĩa mất đi động lực nâng cấp chuỗi giá trị ngành.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số rủi ro khi các thị trường như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể áp dụng theo quy định IUU của EU.Nhóm nghiên cứu dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2021 của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Kịch bản khả quan nếu kiểm soát dịch bệnh trong khoảng ba tháng, ngành sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD. Nếu dịch bệnh kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt khoảng tối đa 8,8 tỉ USD.