Trong bối cảnh thuế quan được điều chỉnh khó lường như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang định hình lại thị trường để giảm thiểu rủi ro.
“Các doanh nghiệp dệt may đang bắt đầu cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệp định tự do thế hệ mới để phát triển thị trường cũng như không còn quá phụ thuộc vào thị trường trong thời gian tới,” ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trao đổi với Forbes Việt Nam bên lề sự kiện diễn đàn Cascale: TP.HCM diễn ra trong hai ngày 14 – 15.5 tại TP.HCM.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tập trung tăng cường xuất khẩu thêm vào châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như mở rộng thị trường nội địa. “Động thái này tác động rất lớn cho việc phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới,” ông Giang nhận định.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch này cho biếtthêm “các doanh nghiệp cũng đang định hình lại dòng sản phẩm vào thị trường Mỹ trong bối cảnh thuế quan có thể thay đổi như hiện nay để tránh việc tập trung vào dòng sản phẩm bị đánh thuế quan lớn hơn.”
Trong những ngày vừa qua, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất và giao hàng theo hợp đồng hiện có trước khi thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế kết thúc. Họ cũng đã bắt đầu tính toán, đàm phán với bên mua về việc chia sẻ thuế quan nếu mức thuế mới được áp vào.
Theo ông Giang, việc chia sẻ thuế quan này có thể triển khai được cho hàng FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) và ODM (sản xuất trọn gói). Còn những đơn hàng gia công cho công ty thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thực hiện chia sẻ thuế quan “vì chi phí sản xuất đã tính sát.”
Cùng quan điểm với ông Giang, ông Colin Browne, CEO của Cascale, cho rằng các thương hiệu, nhà bán lẻ cần nhà sản xuất, ngược lại nhà sản xuất cũng cần thương hiệu và nhà bán lẻ. Vì vậy, họ phải cùng nhau giải quyết vấn đề cũng như thách thức do thuế quan gây ra bên cạnh những nỗ lực đàm phán từ phía chính phủ. Cascale là liên minh phi lợi nhuận toàn cầu, thúc đẩy hợp tác nhằm hướng đến các thực tiễn kinh doanh công bằng, bền vững trong ngành hàng tiêu dùng.
Tiếp lời ông Colin Browne, ông Andrew Martin, Phó chủ tịch điều hành tại Cascale, nói: “Cả bên mua và bên cung ứng đều đang đối mặt với những thử thách, nhưng ngay lúc này, việc duy trì trao đổi, thảo luận về sự bất ổn, thách thức đó là điều cần thiết. Thực hiện mua, bán có trách nhiệm giữa các nhãn hàng và nhà sản xuất là điều nên làm trong bối cảnh bất ổn thuế quan như hiện nay.”
“Thật ra thuế quan còn tác động lớn đến cộng đồng về mặt xã hội. Chúng ta nên lưu ý đến điều này. Khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, không chỉ doanh nghiệp mà người lao động cũng bị tác động theo. Họ cần lương để trả tiền thuê nhà và nuôi gia đình,” ông Colin Browne lưu ý.
Phó giáo sư Rajkishore Nayak, giảng viên ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang tại RMIT, nhấn mạnh thêm việc tăng thuế có thể khiến giá sản phẩm tăng và kim ngạch xuất khẩu giảm, có khả năng góp phần gây ra lạm phát. Thuế cao sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất dệt may, da giày tại Việt Nam, khiến các thương hiệu Mỹ hiện đang nhập khẩu từ Việt Nam có thể tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các quốc gia khác.
“Ngoài ra, tác động có thể lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp hiện đang phụ thuộc vào nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất giá trị gia tăng, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ,” phó giáo sư Nayak cho biết.
Theo thông tin từ VITAS, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt mục tiêu 44 tỷ USD như dự kiến, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Hiệp hội đặt mục tiêu đạt hơn 47 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong năm 2025, đồng thời tiếp tục thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng cách chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo đánh giá của ông Jeremy Lardeau, Phó chủ tịch cấp cao chuyên về tiêu chuẩn đánh giá tác động của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp may mặc lên môi trường, xã hội và lao động Higg Index tại Cascale, so với các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh được biết đến như về nhân lực, trình độ sản xuất, cơ sở hạ tầng, nguồn năng lượng tái tạo có thể góp phần sản xuất giảm phát thải.
“Nếu tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy chính sách, môi trường cho sản xuất giảm phát thải, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất ít carbon. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể và khác biệt, bất kể tình hình thuế quan diễn biến ra sao,” ông Jeremy Lardeau nói thêm.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nganh-det-may-dinh-hinh-lai-thi-truong)
3 tháng trước
Tỷ phú Dimon bảo vệ chính sách thuế của ông Trump3 tháng trước
Diana Unicharm đạt doanh thu hơn 8.000 tỷ trong năm 20249 tháng trước
Bí quyết đầu tư đưa Andrew Nikou thành tỉ phú2 tháng trước
Canada trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ1 năm trước
Ngành dệt may xanh hóa đến đâu?2 tháng trước
AI giúp ngành dệt may phát triển bền vững