Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 15.1.2025 bất ngờ giảm 0,25% lãi suất, xuống còn 5,75%. Lý do để thúc đẩy nền kinh tế và đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát.
Đây là lần cắt giảm đầu tiên từ tháng 9.2024. Trước đó theo thăm dò do Reuters tiến hành, toàn bộ 30 nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 1 này.
Quyết định trên khiến đồng nội tệ của Indonesia giảm giá trên thị trường, xuống mức thấp nhất từ ngày 30.7.2024, với tỷ lệ 1 USD đổi 16.320 rupiah.
Ông Perry Warjiyo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết, giảm lãi suất phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ, nhằm đảm bảo lạm phát trong phạm vi mục tiêu từ 1,5% đến 3,5% năm 2025. Lạm phát của Indonesia tháng 12.2024 là 1,57%.
Ông Warjiyo chia sẻ tại cuộc họp báo sau khi giảm lãi suất: “Trọng tâm của chúng tôi là tăng cường ổn định tỷ giá hối đoái, trước tác động của bất ổn kinh tế toàn cầu. Sự không chắc chắn đang gia tăng do chính sách sắp tới của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực. Chính sách vĩ mô thận trọng và hệ thống thanh toán, tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Giảm lãi suất cũng để khuyến khích các ngân hàng tài trợ tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo việc làm.”
Kinh tế Indonesia tăng 5,05% năm 2023, chậm lại so với mức 5,31% năm 2022 do xuất khẩu giảm. Năm 2025, dự báo tăng trưởng ở mức 4,4% đến 5,5%.
Tổng thống mới của Indonesia nhậm chức hồi tháng 10.2024, ông Prabowo Subianto, cam kết đưa đất nước tăng trưởng 8% vào năm cuối nhiệm kỳ của mình.
Một số chuyên gia dự báo, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể gặp thêm lực cản về ngân sách trong năm 2025. Ví dụ chương trình bữa ăn học đường miễn phí của ông Prabowo, dự kiến tiêu tốn từ 80 đến 90 tỷ USD.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-bat-ngo-giam-lai-suat)
2 tháng trước
Kinh tế Malaysia tăng hơn 5% trong quý 3.2024