Trần Phúc Duyên chung thủy với nghệ thuật sơn mài, với những đề tài thấm nhuần tâm hồn Việt Nam dù có đến 40 năm sống ở nước ngoài.
Triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa Trần Phúc Duyên, sẽ diễn ra từ ngày 22.7 đến 6.8.2023 tại bảo tàng nghệ thuật Quang San (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Triển lãm hồi cố “Họa duyên tương ngộ” sẽ giới thiệu kho di sản mà người thân của nghệ sĩ lưu giữ trong 20 năm tại Thụy Sĩ sau khi ông qua đời.
Xuyên suốt sự nghiệp nửa thế kỷ, nghệ sĩ Trần Phúc Duyên có hơn 20 lần trưng bày tác phẩm ở Việt Nam và châu Âu, nhưng lần triển lãm này có quy mô phổ quát và đồ sộ nhất, với hầu hết các tác phẩm lần đầu được ra mắt công chúng trong nước.
Khác với một số nghệ sĩ xuất thân từ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng thời và cùng di cư sang châu Âu, Trần Phúc Duyên chung thủy với sơn mài. Triển lãm lần này có trên 100 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông kể từ khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945) và mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968) rồi Thụy Sĩ (1968-1993), và mất tại đó.
Thiết kế triển lãm chia làm hai tầng, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: đời sống, phong cảnh, tĩnh vật và tiểu cảnh, thủy mặc và thiền họa, trừu tượng và phúc niệm.
Họa sĩ Trần Phúc Duyên theo học tại khoa sơn mài, khóa 16, năm 1942 của trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Nam Sơn và Tô Ngọc Vân giảng dạy. Dù những biến động của thời cuộc khiến ông không tốt nghiệp, nhưng những kiến thức ông được học từ đây đã tạo nên nền tảng vững chắc để ông phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình sau này.
Ngoại trừ những nhà sưu tập nghiêm túc và kỳ công tại Việt Nam biết đến và sở hữu số rất ít tác phẩm của ông, công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam không biết nhiều đến ông và những tác phẩm của ông, do trong 70 năm cuộc đời, ông đã có đến 40 năm sống và sáng tác ở châu Âu cho đến khi qua đời.
Theo khảo cứu của Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh, đồng sở hữu bộ sưu tập Phạm Lê và hiện sở hữu di sản gồm khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, kỷ vật về cuộc đời của họa sĩ, Trần Phúc Duyên sinh tại Hà Nội trong một gia đình thuộc tầng lớp giàu có.
Bố ông được gửi sang Pháp học từ nhỏ và trở về Việt Nam lập xưởng đồ gỗ Phúc Mỹ tại số 1 phố Dieulefils (nay là phố Đặng Dung), là nhà làm mộc và đồ nội thất danh tiếng tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Đây cũng là xưởng có liên hệ mật thiết với trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do được chọn thi công toàn bộ phần trần cho gian trưng bày đồ sơn mài tại Đấu xảo quốc tế năm 1931.
Theo nhà sưu tập Phạm Lê, từ những ghi chép cá nhân của nghệ sĩ cho thấy trong thời gian sáng tác ở Việt Nam, ông đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ các gia đình tư sản trong nước, giám đốc các công ty nước ngoài, các quan chức, tướng lĩnh quân đội Pháp và thành viên của chính phủ Bảo Đại.
Năm 1950, ba tác phẩm sơn mài của ông – trong đó có một bức bình phong 6 tấm vẽ phong cảnh Sài Sơn, Chùa Thầy đã được chọn để gửi sang Vatican làm quà mừng Giáo hoàng Pius và được lưu giữ tại bảo tàng Vatican. Vào tháng 1.1952, Trần Phúc Duyên đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn với 30 tác phẩm sơn mài.
Ông di cư đến Pháp năm 1954 và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hội họa, đến thực hành tại xưởng của Jean Souverbie (1891–1981), trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris) và vẽ tranh sơn dầu kiếm sống. Triển lãm năm 1961 tại Nice với 20 bức tranh sơn mài và 20 bức tranh lụa đánh dấu sự trở lại với hội hoạ của ông tại Pháp.
Từ năm 1961 đến 1968, ông có thêm 8 triển lãm cá nhân tại Tây Ban Nha, Pháp và Thuỵ Sĩ. Ông chuyển sang sống và làm việc tại Thụy Sĩ từ cuối năm 1968 cho đến lúc ông mất vào năm 1993. Trong những năm này, ông có thêm 13 triển lãm cá nhân tại Thụy Sĩ, Pháp và Canada.
Sự nghiệp của Trần Phúc Duyên ở Pháp và Thụy Sĩ cho thấy, để tiếp tục sáng tác với sơn mài ông đã phải dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau từ loại gỗ làm vóc tới chất kết dính, chất pha, các chất màu. Ông sử dụng nhiều loại vàng với màu sắc độ tuổi và nguồn gốc khác nhau để tạo nên những bức tranh mới thoạt nhìn tưởng đơn sắc nhưng khi ngắm kỹ ta thấy được sự chuyển động tinh tế của các gam màu nhẹ nhàng và thơ mộng.
Qua những thử nghiệm táo bạo đó, Trần Phúc Duyên đã có những cách tân mang tính chất quyết định để tạo nên một bảng màu rất phong phú và một ngôn ngữ sơn mài độc đáo của riêng mình.
Các chủ đề về quê hương Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên. Toàn bộ tranh phong cảnh, tĩnh vật và hình tượng con người của ông đều là tranh vẽ về Việt Nam, ngoại trừ khoảng 20 bức sơn mài vẽ phong cảnh Thụy Sĩ, Pháp và Bắc Âu.
Tư duy sáng tác của ông cũng đa dạng, từ phong cách sơn mài truyền thống tới ngôn ngữ nghệ thuật Á Đông thiên về bút pháp thủy mặc, thiền họa và hình trừu tượng khi ông bắt đầu thực hành tu thiền. Khi đó, tác phẩm của ông rất nhiều khoảng trống – im lặng, không còn nhiều sự thể hiện chi tiết, để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật, tạo cảm giác thanh thản và yên bình ở những năm cuối đời.
Thông tin trên thời báo Montreal vào ngày 3.9.1975 viết: “Mỗi bức tranh của ông vừa tinh tế lại vừa dung dị. Chúng ta thấy lại ở những tác phẩm này toàn bộ di sản nghệ thuật Viễn Đông.”
Giám tuyển triển lãm Ace Lê nhận định: “Giao ngộ đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong sự kết hợp Đông – Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có trong sáng tác của Trần Phúc Duyên. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm Tây phương với lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt.”
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/mo-cua-di-san-nghe-thuat-cua-hoa-si-tran-phuc-duyen-cho-cong-chung-thuong-lam)
1 năm trước
1 năm trước
Thị trường mỹ thuật: Sóng ngầm sôi động