Mã Hóa Đằng nhận định cam kết mới nhất từ chính phủ Trung Quốc giúp ổn định thị trường công nghệ để hướng tới tăng trưởng trong tương lai.
Tỉ phú kín tiếng trước truyền thông Mã Hóa Đằng, đồng sáng lập gã khổng lồ công nghệ Tencent, cho biết ông cảm thấy “vui mừng và như được tiếp thêm động lực” khi Trung Quốc đưa ra cam kết hỗ trợ thị trường tư nhân. Điều này bao gồm cả ngành công nghệ, trong những năm gần đây đã gặp khó khăn từ các chính sách quản lý nghiêm ngặt từ chính phủ Trung Quốc để kìm hãm sức ảnh hưởng từ những tập đoàn lớn nhất lĩnh vực này.
Mã Hóa Đằng, hiếm khi thể hiện quan điểm công khai, đã chia sẻ điều này với đài truyền hình nhà nước CCTV, với bản tin được công bố chỉ một ngày sau khi Trung Quốc cam kết cải thiện khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nhân họ Mã là người giàu thứ ba Trung Quốc, với khối tài sản ròng 35,7 tỉ USD theo danh sách tỉ phú theo thời gian thực của Forbes tính đến ngày 20.7.
Mã Hóa Đằng nhận định thông báo mới nhất từ chính phủ Trung Quốc giúp ổn định thị trường công nghệ để hướng tới tăng trưởng trong tương lai, nhất là sau khi một vài công ty tư nhân đã vấp phải những thách thức từ dịch bệnh, cũng như sự thay đổi về tình hình trong nước và quốc tế. Ông cho biết thêm dưới sự dẫn dắt của chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ sẽ nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và khám phá cơ hội mới từ những tiến bộ công nghệ của AI.
“Chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những cơ hội lớn từ sự chuyển mình của ngành công nghệ. Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ mới,” Mã Hóa Đằng cho biết.
Nhận định của Mã Hóa Đằng rất đáng chú ý, khi Tencent từng là tâm điểm của chiến dịch quản lý nghiêm ngặt ngành công nghệ của cơ quan quản lý Trung Quốc. Trong một vài năm qua, Tencent đã tăng trưởng chững lại khi các cơ quan quản lý giáng đòn nặng nề vào mảng kinh doanh trò chơi điện tử, “con gà đẻ trứng vàng” của công ty này từ việc tạm thời đình chỉ phê duyệt cho tất cả trò chơi mới. Trong tháng 7 này, Tencent cùng với Ant Group đã phải nộp phạt hơn 1 tỉ USD vì vi phạm nhiều quy định về quản trị doanh nghiệp, bảo vệ khách hàng và rửa tiền.
Dẫu vậy, mức hình phạt trên được nhìn nhận như tín hiệu khép lại giai đoạn ngành công nghệ chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt, bắt đầu từ cuối năm 2020 với Ant Group khi đó phải tạm dừng đợt IPO giá trị lớn. Chiến dịch quản lý nghiêm ngặt của Trung Quốc đã “thổi bay” hàng trăm tỉ đô la Mỹ vốn hóa thị trường của nhiều tập đoàn lớn từ Tencent đến Alibaba. Điều này từng khiến một số nhà phân tích nhận định rất khó để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Giờ đây, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ bất ổn, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục và tăng trưởng trong quý 2.2023 dưới kỳ vọng, chính phủ Trung Quốc dường như đang thay đổi quan điểm của mình. Các quan chức nước này cam kết sẽ hỗ trợ công ty tư nhân tương tự như doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường phát triển tổng thể để khôi phục niềm tin kinh doanh.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ma-hoa-dang-lac-quan-ve-nganh-cong-nghe-trung-quoc)
1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường1 năm trước
Tài sản của nữ tỉ phú Dương Huệ Nghiên giảm 82%