Lào đang tăng cường sản xuất thành phần phân bón, nhằm đáp ứng nhu cầu cao của Trung Quốc, giữa bối cảnh lệnh trừng phạt từ phương Tây làm giảm nguồn cung ở Nga và Belarus.
Tháng 11 vừa qua, Chính phủ Lào tuyên bố đã cấp phép cho 18 công ty thăm do và khai thác kali clorua ở nhiều khu vực, với tổng diện tích 162.000 hectare. Những nơi giàu trữ lượng này nằm tại thủ đô Vientiane, tỉnh Khammouane và tỉnh Savannakhet.
Ước tính lượng kali clorua ở các mỏ của Lào khoảng 133,6 tỷ tấn. Chính phủ cũng vừa công bố kế hoạch xây thêm 3 nhà máy phân bón. Truyền thông nhà nước cho biết, Lào muốn trở thành nơi sản xuất phân bón lớn thứ 3 thế giới.
Kali clorua hay kali, là nguyên liệu quan trọng ảnh hưởng tới an ninh lương thực ở nhiều nước. Hầu hết mỏ kali ở Lào chưa được khai thác trước đại dịch Covid-19, do giá cả thấp.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2022, khi nguồn cung từ Nga và Belarus bị gián đoạn bởi các lệnh cấm vận liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Nga và Belarus là 2 nhà sản xuất kali clorua lớn bậc nhất thế giới. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, 2 nước này chiếm khoảng 40% tổng toàn cầu năm 2020.
Khi thị trường thế giới khan hiếm, Lào trở thành điểm khai thác và xuất khẩu tiềm năng.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu kali clorua của Lào đạt 770 triệu USD, gần gấp đôi năm 2023.
Trước đại dịch, xuất khẩu kali clorua của Lào không đáng kể. Tuy nhiên hiện nay đã xếp thứ 2 chỉ sau điện. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 87% tổng kim ngạch.
Ông Kenichiro Yamada, chuyên gia tại JETRO chi nhánh Vientiane cho biết, Trung Quốc đã hướng về Lào như nguồn cung thay thế, song song với đẩy mạnh quan hệ chính trị.
Đường sắt Trung – Lào khánh thành năm 2021, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của đất nước tỷ dân, với hoạt động xuất khẩu kali clorua từ Lào. Tuyến đường dài 1.000 km nối Vientiane với thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam, có thể vận chuyển lượng hàng hóa lớn qua biên giới trong thời gian ngắn.
Ông Yao Bin, chủ tịch phòng thương mại Trung Quốc tại Lào cho biết, quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng trở thành trung tâm kali clorua của khu vực. Sản phẩm được vận chuyển trực tiếp ra bên ngoài thông qua tuyến đường sắt Trung – Lào.
Dẫu vậy có lo ngại rằng, kinh tế Lào đang ngày càng phụ thuộc vào nước láng giềng. Năm 2022 nợ công của Lào khoảng 84% GDP, hiện nay con số có thể lên đến hơn 100%. Một nửa số đó là nợ Trung Quốc.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/lao-xuat-khau-phan-bon-sang-trung-quoc-tang-manh)
1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường5 tháng trước
Làn sóng người di cư đến Anh và xứ Wales tiếp tục tăng