Các tỷ phú thời đại Internet đang tranh luận hăng say về trí tuệ nhân tạo (AI) để quyết định xem công nghệ này nên theo hướng tập trung vào yếu tố an toàn hay phát triển nhanh chóng mà không chịu sự quản lý nào?
Xuất hiện đơn giản nhưng chỉn chu với chiếc áo cổ lọ màu đen và áo khoác blazer giữa tiết trời ấm áp của những ngày đầu tháng năm, Vinod Khosla nhìn quanh khán phòng đã kín chỗ nằm sâu bên trong điện Capitol (Mỹ) trước khi thảo luận về chủ đề AI và quốc phòng do Hill & Valley Forum tổ chức.
“Dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI sẽ mang lại sức mạnh kinh tế, cho phép bạn thể hiện tầm ảnh hưởng lên chính sách xã hội và định hướng tư tưởng,” ông cho biết.
Tiếp đến, Vinod Khosla nhận định về nguy cơ tiềm ẩn từ việc Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực AI đối với hoạt động bầu cử của Mỹ. Điều này cũng hợp với quan điểm của những quan chức chính phủ có mặt trong khán phòng. Tại sự kiện, vấn đề được nhiều người quan tâm là tác động của AI đến nền an ninh quốc gia. Vinod Khosla kêu gọi Mỹ hạn chế phổ biến rộng rãi các mô hình AI hàng đầu của mình. Và điều đó đã biến ông thành tâm điểm trong những cuộc tranh luận ở Thung lũng Silicon.
Vinod Khosla, CEO Sun Microsystems và nhà sáng lập Khosla Ventures, cũng như các nhà đầu tư và doanh nhân khác đều đồng ý rằng: AI là cuộc cách mạng công nghệ lớn, tương tự như mainframe (hệ thống máy tính dành cho các công việc đòi hỏi xử lý lượng lớn dữ liệu) hay máy tính cá nhân (PC).
Thậm chí Reid Hoffman, tỉ phú, giám đốc Quỹ đầu tư Greylock, còn cho rằng công nghệ này có tầm ảnh hưởng ngang với sự xuất hiện của ô tô hoặc động cơ hơi nước. AI có thể tạo ra sự công bằng, góp phần kiểm soát lạm phát, cải thiện sức khỏe và giảm đói nghèo. Chẳng hạn như ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến có mức phí thấp trên điện thoại thông minh và phần mềm học tập miễn phí cho trẻ em.
“Chúng ta có thể giải phóng con người khỏi công việc đơn điệu, tốn sức như làm việc trên dây chuyền sản xuất tám giờ đồng hồ mỗi ngày trong 40 năm,” ông cho biết.
Nhưng ước mơ như vậy có khả năng dẫn đến hệ quả tiêu cực, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những bước tiến công nghệ trước đó, ví dụ như viễn cảnh tồi tệ từ cuộc chạy đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu mạng xã hội tạo ra xung đột văn hóa và hành vi thao túng thông tin, vậy thì mặt trái của AI sẽ tệ đến mức nào?
Vinod Khosla, Reid Hoffman và các nhà lãnh đạo công nghệ có sức ảnh hưởng tin rằng hướng đi rõ ràng nhất để tránh tác động tiêu cực và hệ quả về sau là định hướng phát triển và quản lý chặt chẽ AI. Các tập đoàn như Google và Microsoft, cũng như OpenAI, công ty chủ quản của ChatGPT với Vinod Khosla và Reid Hoffman là nhà đầu tư sớm, ủng hộ quan điểm này và cho rằng điều đó cần thiết để AI thực sự mang lại lợi ích cho xã hội. Việc này cũng đã thu hút sự quan tâm từ cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden (nhận tài trợ từ Vinod Khosla và Reid Hoffman) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hồi mùa thu năm 2023, ông Emmanuel Macron đã mời Reid Hoffman dùng bữa sáng để thảo luận về AI, mà ông đã ví như “động cơ hơi nước của trí óc.”
“Làm thế nào để AI có thể mang lại tối đa lợi ích trong khi giảm thiểu các hành vi phạm tội? Theo tôi, ta cần phải tìm ra cách nhanh nhất để thúc đẩy việc phát triển AI, đồng thời chấp nhận rủi ro một cách có tính toán và nhận thức rõ các nguy cơ đó,” Reid Hoffman, 56 tuổi, đồng sáng lập LinkedIn, cho biết.
Nhưng ngày càng nhiều người, dẫn đầu là Marc Andreessen, 52 tuổi, đồng sáng lập Netscape và quỹ đầu tư mạo hiểm a16z, có quan điểm đối lập với Vinod Khosla và Reid Hoffman.
Trong số các đối tác của Marc Andreessen và những người có niềm tin mạnh mẽ vào nguyên tắc mã nguồn mở, có nhóm người chung quan điểm. Nhóm đó bao gồm CEO của hai startup AI Hugging Face và Mistral, giám đốc bộ phận AI của Meta là Yann LeCun và thỉnh thoảng Elon Musk – ông chủ nền tảng X (Twitter) và CEO Tesla – cũng góp mặt. Số người này cho rằng lo ngại về rủi ro và nguy cơ ở mức độ quốc gia chỉ là “chiêu” để những cái tên dẫn đầu giữ vững vị thế.
“Hiện tại, công nghệ không gặp vấn đề an toàn hay rủi ro nào,” Yann LeCun cho biết.
Đồng tình với LeCun, nhà đầu tư AI Martin Casado nhận định: “Nhóm người dẫn đầu thường sẽ nói rằng AI rất nguy hiểm và cần phải hạn chế khả năng tiếp cận. Đó chỉ là hình thức vận động hành lang để tạo lợi thế và ngăn các đối thủ cạnh tranh bắt kịp.”
Từ lập trường của mình, Marc Andreessen và đồng minh mường tượng về tương lai mà AI giúp ngăn ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh đó, AI còn nâng cao hiệu quả công việc cho nhiều ngành nghề như sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh.
Về quốc phòng, công nghệ sẽ giúp giảm thiểu thương vong khi hạn chế sai sót của con người. Các sản phẩm nghệ thuật và phim ảnh sáng tạo với AI sẽ trở nên phổ biến. Trong tuyên bố hồi năm 2023, Marc Andreessen chia sẻ tầm nhìn về thị trường AI mã nguồn mở không chịu sự quản lý nghiêm ngặt hay những thủ tục quan liêu rườm rà sẽ có lợi cho những doanh nghiệp lớn trước sự cạnh tranh của các startup.
Vinod Khosla, Reid Hoffman và Marc Andreessen đều nằm trong danh sách Midas, bảng xếp hạng những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới năm 2024 của Forbes với các vị trí lần lượt là 8, 9 và 36. Thành công này đến từ nhiều khoản đầu tư chứ không chỉ riêng AI. Nhưng chính lĩnh vực mới nổi này lại thể hiện rõ nét nhất tầm ảnh hưởng của họ.
Giờ đây, cả ba nhà lãnh đạo xuất sắc trong cuộc cách mạng công nghệ gần nhất đang tích cực thể hiện rõ hơn nữa lập trường của mình về chủ đề quan trọng của xu hướng công nghệ tiếp theo.
Đổi mới một cách an toàn hay kiềm hãm môi trường cạnh tranh? Một tương lai nơi AI tạo ra điều không tưởng về công nghệ hay viễn cảnh phát triển hỗn loạn? Hãy thử hỏi đại diện từ mỗi bên và bạn sẽ thấy họ có quan điểm đối lập. Hai bên đều có thái độ lạc quan về AI và cho rằng phía còn lại đang gây cản trở.
Với những người theo chủ nghĩa “tăng tốc hiệu quả” như Marc Andreessen, những người muốn kiềm hãm tốc độ phát triển AI như Reid Hoffman đều thuộc nhóm “chậm lụt,” còn các học giả và nhà lãnh đạo nhìn nhận AI như mối nguy cho nhân loại là “những kẻ bi quan.” Reid Hoffman cho biết ông là một techno optimist (người cuồng tín công nghệ) rất lâu trước cả Marc Andreessen.
“Tôi đánh giá cao sự nhiệt tình của Marc. Nhưng tôi có góc nhìn đa chiều hơn nhiều về AI mã nguồn mở,” ông cho biết.
Tuy bất đồng quan điểm, song hai bên đều đồng ý rằng: kết quả từ cuộc tranh luận sẽ định hình tương lai của AI, và Marc Andreessen xem đó như “sự sáng tạo có lẽ là quan trọng và tốt nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại.” Bất kể bên nào giành phần thắng thì đều không thể phủ nhận rằng AI sẽ mang lại lợi ích đáng kể về tài chính.
• • •
Tháng 5.2023, CEO OpenAI Sam Altman dự phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về AI và lên tiếng ủng hộ ban hành quy định quản lý đối với công nghệ này. Động thái này của Sam Altman như giúp các đối thủ khẳng định nỗi nghi ngờ từ lâu về những gì OpenAI đang làm.
Cách đây ba tháng, Elon Musk, người từng tham gia sáng lập và đầu tư vào OpenAI ở giai đoạn dự án mã nguồn mở phi lợi nhuận, đã viết tút chỉ trích OpenAI trên X (Twitter) khi doanh nghiệp này nhận khoản đầu tư hàng tỷ USD từ Microsoft. Theo Elon Musk, OpenAI đã xa rời sứ mệnh ban đầu của tổ chức phi lợi nhuận khi trở thành “công ty mã nguồn đóng và tập trung tối đa hóa lợi nhuận cho Microsoft.”
Tuy không thường xuyên làm việc cùng nhau, nhưng Vinod Khosla và Reid Hoffman đã họp ít nhất một lần với Sam Altman để thảo luận về chiến lược phát triển. Cả hai cho biết OpenAI sẵn sàng hợp tác để giải quyết lo ngại về AI.
Trong những tháng trước đây, khi trò chuyện với những nhân vật quan trọng như cựu Tổng thống Joe Biden, cố Giáo hoàng Francis và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Reid Hoffman nhận về cùng một câu hỏi: AI sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, việc làm của người dân? Sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro sẽ như thế nào?
“Bạn cần phải cho thấy mình hiểu rõ ưu tiên và lo ngại của họ là gì, từ đó xây dựng niềm tin và sự hợp tác. Nếu bạn thể hiện lập trường không muốn cơ quan chính phủ can thiệp, điều đó sẽ không mang lại kết quả tích cực nào,” Hoffman cho biết.
Reid Hoffman sử dụng nhiều hình thức khác nhau, như podcast, bài đăng trên LinkedIn và quyển sách ứng dụng AI để liên tục thể hiện lập trường của mình đối với công nghệ này. Ông nhận ra có một bộ phận đáng kể dân số thế giới, gồm cả người sáng tạo nghệ thuật, học giả, doanh nhân và nhà khoa học hoài nghi về sự phát triển của AI từ đầu. Các sản phẩm khoa học viễn tưởng đã khiến nhiều người lo sợ rằng AI sẽ trở thành những người máy sát thủ hoặc hệ thống siêu trí tuệ đe dọa lên nhân loại.
“Tôi hiểu nỗi lo lắng về AI. Nhưng nghĩ vậy thì cũng giống như cho rằng ‘Anh em nhà Wright chỉ nên chế tạo máy bay khi biết chắc sẽ không có bất kỳ tai nạn nào.’ Đổi mới là phải chấp nhận rủi ro,” Reid Hoffman nói.
Vinod Khosla cho biết ông và Reid Hoffman có cùng quan điểm về các chính sách liên quan đến AI. “Tôi cho rằng hướng tiếp cận cân bằng giữa phát triển AI, giảm thiểu rủi ro trong khi vẫn đảm bảo lợi ích là điều tốt cho xã hội,” Vinod Khosla nhận định.
Vào tháng 10.2023, Vinod Khosla, người đồng tổ chức các sự kiện gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden tại Thung lũng Silicon, đã đưa ra quan điểm ủng hộ Cục Bản quyền tác giả Mỹ đào tạo mô hình AI bằng những tài liệu có bản quyền (chủ sở hữu bản quyền có thể lựa chọn không tham gia).
Gần đây, Vinod Khosla dần trở nên thận trọng hơn khi so sánh quá trình phát triển AI của OpenAI với dự án Manhattan tạo ra bom nguyên tử (Trên nền tảng X, Vinod Khosla đã hỏi thẳng Marc Andreessen: ‘Anh có chắc là anh sẽ chọn mã nguồn mở không?’). Theo Vinod Khosla, AI có thể trở thành mối đe dọa lớn về an ninh nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
“Một quả bom có tác động cục bộ, còn AI ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau trong xã hội,” ông cho biết.
Nhưng đó không phải điều Reid Hoffman lo lắng. Thay vào đó, ông quan ngại rằng nếu không có sự quản lý, mô hình AI có thể được huấn luyện để chế tạo ra những thứ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân.
“Một khi để mở mã nguồn dẫn đến việc mô hình AI gây ra tác hại, hậu quả sẽ không thể nào khắc phục được. Theo tôi, cần phải ưu tiên kiểm soát AI ở những lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Đối với vấn đề ít nghiêm trọng hơn, ta có thể linh hoạt,” Reid Hoffman cho biết.
Vinod Khosla và Reid Hoffman cho rằng cách tiếp cận phù hợp sẽ là kiểu khá “nhẹ nhàng,” như sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Joe Biden khi đó ký vào tháng 10.2023. Theo đó, các nhà phát triển phải chia sẻ kết quả thử nghiệm và thiết lập những tiêu chuẩn mới về an toàn cho AI. Nhưng Marc Andreessen lại phản đối. Ông cáo buộc các tập đoàn công nghệ (như Google, Microsof) và doanh nghiệp mới nổi (như OpenAI, Anthropic nhận hậu thuẫn tài chính từ những hãng công nghệ lớn) đều hướng tới việc xây dựng môi trường pháp lý có sự ủng hộ từ chính phủ, nhằm bảo vệ lợi ích chung của họ.
“Chỉ Elon Musk, các công ty khởi nghiệp cùng dự án AI mã nguồn mở mới có thể tạo ra thách thức đối với những doanh nghiệp dẫn đầu. Tuy vậy, nhóm này đang phải đối mặt với khó khăn và không có nhiều sự hỗ trợ,” Marc Andreessen chia sẻ trên nền tảng X.
“Một quả bom có tác động cục bộ, còn AI ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau trong xã hội.”
Đối với Martin Casado, người đã bán startup về công nghệ mạng Nicira cho VMware theo thỏa thuận trị giá hơn một tỷ USD vào năm 2012, đây là câu chuyện mà ông và Marc Andreessen đã trải qua. Theo ông, các nhà lập pháp không hài lòng với quyền lực mà những công ty mạng xã hội, như Meta, đang có được và vẫn đang cố gắng quản lý AI bằng phương pháp lỗi thời.
Vì thế, nhiều lãnh đạo công nghệ lựa chọn hợp tác với cơ quan quản lý, kể cả khi họ ủng hộ AI mã nguồn mở và sự đổi mới do startup thúc đẩy – vốn là giá trị cốt lõi ở Thung lũng Silicon. Họ tin rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu chủ động thiết lập các quy định liên bang cho AI, thay vì để những tiểu bang như California ban hành quy định riêng. Điều đáng lo ngại hơn cũng đã xuất hiện: Dự luật quản lý AI đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) được thông qua hồi tháng 3.2024.
“Tôi thường chia sẻ nỗi quan ngại của mình với một vài người. Họ nói: ‘Martin, chúng tôi đồng ý với anh, nhưng quy định là điều không thể tránh khỏi. Hãy hợp tác với cơ quan quản lý. Chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại thay vì hoàn toàn phản đối,’” Martin Casado cho biết. “Tranh luận sẽ có ích khi các bên nêu rõ quan điểm của mình. Thung lũng Silicon thường chỉ tham gia hoạch định chính sách khi vấn đề trở nên cấp bách,” Jack Clark, đồng sáng lập Anthropic, cho biết.
• • •
Nhà đầu tư huyền thoại quá cố Charlie Munger từng nói: “Khi hiểu được động cơ, tôi có thể dự đoán hành vi của họ.” Nguyên tắc này, theo Pat Grady, thành viên đứng thứ 81 trong danh sách Midas, thể hiện quan điểm của Sequoia đối với cuộc tranh luận về AI hiện nay. Pat Grady đã đầu tư vào các công ty như Hugging Face về lưu trữ AI mã nguồn mở, OpenAI và startup phát triển phần mềm pháp lý AI Harvey.
Một điều chắc chắn là lập trường và động cơ của Reid Hoffman, Marc Andreessen và những lãnh đạo khác trong lĩnh vực AI đến từ lợi ích cá nhân cũng như tài chính.
Vinod Khosla đã đầu tư sớm 50 triệu USD vào OpenAI và đến nay giá trị tăng gấp 100 lần. Ông cũng đầu tư vào các công ty ở Nhật Bản và Ấn Độ. Ví dụ như Sarvam AI, doanh nghiệp đặt trụ sở tại Bengaluru, Ấn Độ phát triển mô hình AI riêng. Các khoản đầu tư này của Vinod Khosla còn hướng tới việc giảm tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc.
“Đó là động lực để chúng tôi thành lập Sarvam AI, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI tại Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và Trung Quốc,” CEO Vivek Raghavan cho biết.
Reid Hoffman đầu tư vào OpenAI thông qua tổ chức riêng thay vì quỹ đầu tư của ông, Greylock Partners. Nhà đầu tư này có mối liên hệ chặt chẽ với Microsoft, khi tham gia hội đồng quản trị và bán nền tảng LinkedIn cho tập đoàn công nghệ Mỹ, theo thỏa thuận trị giá 26 tỷ USD. Ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa Microsoft và OpenAI.
Nhiều tháng trước khi đầu tư hàng tỷ USD cho nhà phát triển ChatGPT vào tháng 1.2023, Reid Hoffman đã gặp hai CEO của OpenAI và Microsoft là Sam Altman và Satya Nadellara tại nhà của tỷ phú đồng sáng lập Microsoft Bill Gates. Reid Hoffman cũng làm việc với Adept AI, startup nhận hậu thuẫn tài chính từ Greylock đã huy động tổng cộng 415 triệu USD để phát triển AI hỗ trợ công việc.
Năm 2022, ông thành lập Inflection AI cùng người bạn Mustafa Suleyman, đồng sáng lập bộ phận DeepMind của Google. Đến nay, Mustafa Suleyman đã gia nhập Microsoft để phụ trách các dự án AI cho người dùng phổ thông.
Marc Andreessen có cả niềm tin lẫn tài chính dành cho AI. Ông tham gia hội đồng quản trị Meta, công ty phát triển mô hình AI mã nguồn mở gần đây thu hút nhiều sự chú ý với phiên bản mới nhất công bố vào tháng 4.2024.
Trước đó, vào tháng 12.2023, a16z đã dẫn dắt vòng gọi vốn trị giá hơn 400 triệu USD cho Mistral, startup về AI mã nguồn mở vô cùng tiềm năng đặt trụ sở tại Paris, Pháp (Hiện tại, Mistral đã huy động nguồn vốn mới với mức định giá sáu tỷ USD).
Cũng trong năm 2023, có thông tin a16z đã mua cổ phần của OpenAI, song quỹ đầu tư này từ chối bình luận. Gần đây, đội ngũ 27 chuyên gia về quy định và pháp lý của a16z đã soạn thảo ý kiến công chúng gửi tới Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và thư ngỏ tới chính quyền Tổng thống Joe Biden để cảnh báo về sắc lệnh hành pháp đối với startup AI mã nguồn mở như Mistral.
Mặc dù vậy, nhóm người ủng hộ mã nguồn mở và phản đối quy định cảm thấy họ đang gặp bất lợi.
“Lợi thế đang nghiêng về những người bi quan với AI. Họ có ảnh hưởng hơn,” theo Bill Gurley, nhà đầu tư tại Benchmark từng lọt vào danh sách Midas.
Bill Gurley tin rằng những doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic lo ngại về tốc độ phát triển nhanh chóng của các mô hình AI mã nguồn mở khác, vì điều đó có nguy cơ làm giảm giá trị của những mô hình AI tốn kém mà các công ty này phát triển.
“Nỗ lực chung về quản lý AI hiện nay của chính phủ/ nhà hoạch định chính sách là điều chưa từng có tiền lệ, không tính trường hợp của Sam Bankman-Fried,” Bill Gurley nhắc đến cựu CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa đã phá sản FTX.
COO của OpenAI, Brad Lightcap, cho rằng những nhận định này là vô căn cứ.
“Chúng tôi đã quen với chỉ trích như vậy,” Brad Lightcap cho biết. Mustafa Suleyman của Microsoft nhấn mạnh mặc dù có đôi chút bất đồng, các nhà lãnh đạo công nghệ, những người đặt niềm tin vào tiềm năng của AI, đều hướng tới một mục tiêu chung (Google không phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận).
Tuy nhiên, Reid Hoffman, một người nhã nhặn lịch thiệp, đã phản ứng mạnh mẽ với những nhận xét của Bill Gurley. “Tôi sẽ hoan nghênh Bill gia nhập hội đồng quản trị Mozilla trong 11 năm và để xem anh ấy mạnh miệng được bao lâu. Đừng tỏ ra quan tâm chỉ vì mã nguồn mở có lợi cho việc đầu tư của mình,” Reid Hoffman cho biết.
Mike Volpi (xếp hạng 31 trong danh sách Midas), giám đốc tại Index Ventures và thành viên hội đồng quản trị startup về mô hình AI cho doanh nghiệp Cohere, cho rằng các công ty đại chúng có trách nhiệm hành động vì lợi ích tài chính tốt nhất đối với cổ đông. Mike Volpi tin rằng đúng là có việc các công ty AI lớn nhất có thể dùng tầm ảnh hưởng của mình để sớm tạo dựng vị thế thống trị trên thị trường. Nhưng ông cũng lưu ý, khi cung cấp công cụ AI cho người dùng phổ thông, các doanh nghiệp dẫn đầu cũng cần phải giải quyết mối lo ngại của những người còn hoài nghi về công nghệ này.
“Họ sẽ có nguồn lực và tầm ảnh hưởng lớn, đồng thời cũng phải phục vụ nhiều người hơn,” ông cho biết.
Tiếp đến là trường hợp của Elon Musk. Là một người ủng hộ mạnh mẽ cho AI mã nguồn mở, nhưng hồi tháng 3.2023 Elon Musk đã kêu gọi tạm ngừng phát triển công nghệ này trong sáu tháng để đảm bảo vấn đề an toàn. Điều này khá tương đồng với quan điểm “thận trọng” về rủi ro liên quan đến AI. Mặc dù vậy, việc phát triển AI vẫn tiếp tục.
Bốn tháng sau, Musk công bố mô hình AI riêng gọi là X.ai và cáo buộc các đối tác cũ đã chệch hướng khỏi sứ mệnh ban đầu (Trong một bài viết đăng vào tháng 3.2024, OpenAI bác bỏ mọi chỉ trích của Elon Musk và từ chối đưa ra thêm bình luận). Tháng 5.2024, X.ai được cho là đạt vốn hóa thị trường gần 18 tỷ USD, bằng với Anthropic.
• • •
Chia sẻ với Forbes, một nhà sáng lập doanh nghiệp tham dự buổi thảo luận của Vinod Khosla ở Washington chỉ ra một thực tế: Phần lớn những người lạc quan nhất về lợi ích mà AI mang lại cũng lo ngại nguy cơ lạm dụng công nghệ. Đối với họ, việc kiểm soát nghiêm ngặt các mô hình AI hàng đầu và thiết lập khung pháp lý có thể trở thành vấn đề “sống còn,” theo đúng nghĩa đen, cho hàng triệu người. Những người có quan điểm đối lập lại tin rằng đây chỉ là mối lo lắng thái quá và có cái nhìn thực tế hơn về tác động của AI.
“Chúng ta có hai lựa chọn trong lập trường về AI. Một là xem AI như mối đe dọa hiện hữu và chính phủ nên quản lý các phòng nghiên cứu, tiến hành “quân sự hóa” ngay lập tức. Hoặc chúng ta có thể xem công nghệ này chỉ đơn thuần là phần mềm và thuật toán, nỗi lo sợ hiện nay đã bị thổi phồng quá mức và cần phải ngừng việc vận động hành lang cho các quy định quản lý,” Marc Andreessen phát biểu vào tháng 3.2024.
Marc Andreessen cho rằng động thái giới hạn khả năng tiếp cận các mô mình AI không mang lại nhiều hiệu quả, vì có thể Trung Quốc đã liên tục cập nhật những cải tiến mới nhất từ các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ. Thay vào đó, Mỹ nên tận dụng mọi nguồn lực để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI, một trong số đó là xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Đối với những người ủng hộ việc quản lý như Reid Hoffman, lý do khiến Mỹ cần phải kiểm soát chặt chẽ công nghệ này chính là nguy cơ “quân sự hóa” AI, theo cách nói của Jack Clark (Công ty Anthropic).
Vinod Khosla cho rằng, mặc dù Mỹ không thể ngăn các quốc gia khác đạt được những bước tiến của riêng mình (chưa xét đến mục đích ứng dụng công nghệ), nhưng nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận mô hình AI tân tiến sẽ giúp nước này duy trì vị thế dẫn đầu.
“Tôi không tin vào quan điểm cho rằng khó có thể kiểm soát được AI,” Vinod Khosla phát biểu. Về mặt ảnh hưởng toàn cầu, ông cũng chỉ rõ vẫn sẽ có nhiều mô hình AI mã nguồn mở phổ biến rộng rãi, cùng với một số mô hình khác được cấp phép thương mại. “Quyết định của Mỹ sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới,” ông cho biết.
Hai viễn cảnh đối lập đang hiển hiện: Một bên là tương lai với quá trình phát triển AI diễn ra mạnh mẽ, không gặp rào cản nào nhưng lại tiềm ẩn rủi ro và hậu quả khó lường. Mặt khác là viễn cảnh khi tâm lý thận trọng quá mức dẫn đến kiềm hãm công nghệ đổi mới. Không bên nào tin tương lai của bên kia là kết quả thực tế; cả hai bên đều cho rằng nếu luận điểm của họ đủ thuyết phục thì không cần phải lựa chọn.
Tất cả đều cảm thấy mình cần phải mau chóng hành động, bất kể đó là tác động đến các nhà lập pháp hay đảm bảo được lợi ích cho những nhóm nhỏ, ít ảnh hưởng hơn. Fei-Fei Li, người tiên phong trong lĩnh vực AI và giữ vai trò đồng giám đốc tại Viện nghiên cứu Human-Centered AI thuộc Đại học Stanford, thực sự lo ngại về việc các quy định quản lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và khu vực công.
“Kể cả trong một khu rừng nhiệt đới, những cái cây lớn đôi khi vẫn để ánh sáng rọi xuống tầng thấp nhất và tạo điều kiện cho thảm thực vật bên dưới phát triển,” Fei-Fei Li chia sẻ.
Reid Hoffman thấy lạc quan hơn. “Cuộc chơi đã thực sự bắt đầu và mọi người đều muốn đảm bảo chúng ta đều hướng tới lợi ích chung cho nhân loại. Nhưng vẫn còn quá sớm để xác định rõ đâu là chính sách tốt nhất, và khi ai đó tuyên bố rằng họ biết điều gì là phù hợp nhất hiện giờ, thì chính họ đang tự lừa dối chính mình hoặc lừa dối người khác. Chúng ta cần phải chung tay học hỏi và rút kinh nghiệm từ những gì đang diễn ra,” ông cho biết.
Danh sách Midas, ghi nhận thành tựu của những nhà đầu tư mạo hiểm xuất sắc nhất thế giới, chào đón sự trở lại của tám thành viên trong năm 2024. Dưới đây là tốp 20 người nổi bật:
Xem đầy đủ danh sách tại: https://www.forbes.com/lists/midas/
Hỗ trợ bài viết: Richard Nieva và Kenrick Cai
Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/khi-ty-phu-mot-mat-mot-con-vi-tuong-lai-ai)
2 năm trước
Adobe ra mắt công cụ AI sáng tạo Adobe Firefly