Sự kiện và Bình luận

Khai thác thương mại trong thể thao nhìn từ bóng đá

10 tháng trước
Tống Đức Thuận

Việt Nam là quốc gia mà người dân rất yêu bóng đá, chúng ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ngành công nghiệp bóng đá từ người hâm mộ đến hệ thống chính trị.

Share
this:

Thể thao bản chất là một ngành công nghiệp giải trí. Theo logic, bộ môn nào có tính giải trí cao, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và người hâm mộ thì đi đôi với cơ hội kinh doanh, sẽ thuận lợi trong việc khai thác thương mại.

Ở Việt Nam, bóng đá là môn thể thao vua, nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt, đặc biệt sự quan tâm dành cho đội tuyển quốc gia, đồng nghĩa với việc cơ hội kiếm tiền từ môn thể thao này là lớn nhất. Ngành thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển, nhu cầu giải trí càng tăng, các hoạt động liên quan đến bóng đá cũng được người hâm mộ quan tâm nhiều hơn.

Từ giá trị thương mại của cầu thủ


Với cầu thủ bóng đá thì nguồn thu nhập sẽ bao gồm: Lương, thưởng, phí chuyển nhượng, quảng cáo từ việc đại diện hình ảnh hay từ các nền tảng mạng xã hội mà cầu thủ sở hữu… Một số cầu thủ ngôi sao còn có thể mở thêm các hoạt động kinh doanh từ sự nổi tiếng của mình.

Ông Tống Đức Thuận, chủ tịch HĐQT CTCP Midomax Việt Nam.

Nhìn vào những nguồn thu, có thể nhận thấy các cầu thủ ngoài chuyên môn tốt thì việc tạo được danh tiếng sẽ đi đôi với tiền bạc. Vấn đề nằm ở chỗ khi tạo dựng thương hiệu rồi thì cầu thủ và CLB khai thác thương mại từ danh tiếng cầu thủ như thế nào.

Kể từ sau kỳ tích Thường Châu của U23 Viêt Nam năm 2018 thì không khó để chúng ta thấy rất nhiều cầu thủ bóng đá ký nhiều hợp đồng tiền tỉ từ các hoạt động quảng cáo. Điều này rất quan trọng trong việc kích thích cho nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển.

Ngoài chơi bóng để thỏa mãn niềm đam mê, chỉ khi cầu thủ chơi bóng có thể đảm bảo nuôi sống được bản thân và gia đình, một số còn có thể trở nên giàu có, thì đây mới là môi trường giúp cho nhiều cá nhân và gia đình sẵn sàng định hướng cho con cái gắn bó với thể thao từ nhỏ, sẵn sàng lựa chọn cầu thủ là một nghề nghiệp trong tương lai như việc trở thành kỹ sư, bác sĩ.

Khi có nhiều người chơi bóng đá thì nền bóng đá chắc chắn sẽ phát triển, những nhà tuyển trạch chuyên môn cũng thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn những cầu thủ tài năng để đào tạo và phát triển cho tương lai.

Khai thác thương mại từ các đội bóng đá chuyên nghiệp


Ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển thì mỗi đội bóng hoạt động như một doanh nghiệp đúng nghĩa, ngoài việc chuyên môn tham gia các giải đấu thì việc kiếm tiền từ đội bóng và cầu thủ của họ luôn được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Ở mỗi đội bóng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tiền họ kiếm được từ các nguồn:

• Bán vé: Đây là nguồn doanh thu truyền thống nhất của các đội bóng. Tùy vào mức độ nổi tiếng của CLB, số chỗ ngồi của sân vận động, mức vé… mà nguồn thu này của mỗi đội bóng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, nguồn thu này khá èo uột khi giá vé rẻ và các sân vận động không lấp được kín chỗ ngồi.

• Hợp đồng tài trợ: Với đông đảo người theo dõi môn thể thao vua thì việc các nhãn hàng chi tiền tài trợ để quảng cáo thông qua các đội bóng là chuyện rất phổ biến, việc quảng cáo có thể xuất hiện trên áo đấu, quảng cáo trên sân vận động, phụ kiện, thiết bị… thậm chí có thể đổi cả tên sân vận động trùng với tên của nhãn hàng tài trợ.

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện tại không có nhiều đội bóng có thể tìm kiếm được nguồn tài trợ từ quảng cáo này, đa phần các nhãn hàng được quảng cáo đều liên quan đến hệ sinh thái của các ông bầu của đội bóng.

• Bán áo đấu: Bản chất đây là một miếng bánh rất màu mỡ, ngoài việc các cầu thủ sử dụng áo đấu để xuất hiện trên truyền thông thì mỗi một người hâm mộ mua áo đấu cũng sẽ trở thành một đại sứ để quảng cáo cho các nhãn hàng in trên áo đấu, áo đấu được bán ra càng nhiều thì thương hiệu của các nhãn hàng càng được lan tỏa nhiều hơn. Số lượng áo đấu bán ra hàng năm của một đội bóng sẽ quyết định lớn đến giá trị hợp đồng tài trợ in trên áo đấu.

Tuy nhiên thị trường áo đấu ở Việt Nam vẫn đang  ở giai đoạn khá sơ khai. Các CLB ở V-League hầu như không bán được nhiều áo đấu, áo đấu xuất hiện trên khán đài chủ yếu là các sản phẩm hàng nhái, thậm chí chính những cổ động viên của đội bóng là người sản xuất hàng nhái với giá rất rẻ để bán cho cổ động viên khác kiếm lời.

Đây cũng là vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam, khi người hâm mộ của đội bóng chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà quên đi rằng với mỗi chiếc áo họ mua từ đội bóng yêu thích sẽ góp một phần kinh phí để xây dựng đội bóng phát triển bền vững.

• Bản quyền truyền hình: Với sức chứa hạn chế ở các sân vận động, cộng với việc không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp tới sân để theo dõi các trận thi đấu, việc theo dõi các trận đấu qua truyền hình vẫn chiếm số lượng lớn người theo dõi, do đó bản quyền truyền hình cũng là nguồn thu của các đội bóng.

Ở Việt Nam, vấn đề bản quyền truyền hình mới thực sự được quan tâm vài năm trở lại đây khi xuất hiện nhiều kênh truyền hình trả tiền, có sự cạnh tranh giữa các nhà đài. Tuy nhiên số tiền bản quyền truyền hình vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thực sự được coi là nguồn thu giúp duy trì đội bóng.

Ngoài ra, các đội bóng còn có các nguồn thu từ phí chuyển nhượng cầu thủ, tiền thưởng từ giải đấu… nhưng không nhiều.

Thực tế, tại Việt Nam hiện nay các nguồn thu kể trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kinh phí mà một đội bóng phải chi trả để duy trì đội bóng hàng năm. Tùy vào đặc thù của mỗi đội bóng ở mỗi địa phương mà nguồn ngân sách chính để duy trì đội bóng sẽ đến từ ngân sách nhà nước hoặc ngân sách được cung cấp từ ông bầu sở hữu đội bóng.

Thương mại từ phía ông bầu, người sở hữu đội bóng


Với bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam hiện nay thì mỗi đội bóng mạnh hay yếu phụ thuộc rất nhiều vào “hầu bao” của ông bầu. Khi ông bầu mạnh, hoạt động kinh doanh thuận lợi thì đội bóng của họ cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên nếu ông bầu và doanh nghiệp của họ gặp khó khăn thì việc duy trì đội bóng cũng khó khăn, thậm chí nhiều đội bóng đã phải giải thể khi ông bầu xin rút. Đây chính là vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam, khi mỗi đội bóng vẫn chưa thể tự nuôi sống được mình, vẫn phải phụ thuộc vào hầu bao của ông bầu sở hữu đội bóng.

Ông bầu được gì từ đội bóng? Điều đầu tiên cần phải khẳng định rằng các ông bầu đến với bóng đá chắc chắn phải xuất phát từ đam mê, ngoài công việc kinh doanh bận rộn ra thì họ đã phải dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho môn bóng đá. Tuy nhiên, bóng đá là môn thể thao có ảnh hưởng lớn tới chính trị và kinh tế, nên những giá trị mà các ông bầu nhận được từ bóng đá cũng không hề nhỏ.

Nhờ có bóng đá các ông bầu sẽ có danh tiếng. Việc này ít nhiều cũng giúp cho việc kinh doanh thuận lợi hơn, ngoài ra đội bóng cũng là công cụ giúp cho việc quảng bá các nhãn hàng thuộc hệ sinh thái của ông bầu được lan tỏa mạnh mẽ hơn tới công chúng.

Trong khu vực, sự phát triển của bóng đá Thái Lan có thể gợi ra nhiều bài học tham khảo. Nếu ai quan tâm đến bóng đá xứ sở chùa vàng đều có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay Thái Lan là quốc gia làm thương mại bóng đá tốt nhất trong khu vực. Mùa hè hằng năm họ đều thu hút rất nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu tới du đấu và phát triển thị trường của các đội bóng đó tại quốc gia láng giềng.

Các đội bóng của Thai League đều có đội ngũ làm truyền thông hùng hậu và chuyên nghiệp, khi thương hiệu các đội bóng được quảng bá mạnh mẽ thì việc thu hút được nhiều người hâm mộ cũng là điều dễ hiểu, mặt khác khi truyền thông tốt thì cũng là cơ hội tốt để quảng bá cho các nhãn hàng, việc thu hút nhà tài trợ với hợp đồng có giá trị lớn cũng từ đó mà ra.

Mặt khác, khi đội bóng xây dựng được danh tiếng và hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ, họ sẽ thu hút được số lượng lớn người hâm mộ luôn theo sát đội bóng, họ làm cho “fan” hiểu được mỗi người hâm mộ là một thành phần quan trọng của đội bóng, không khó để nhìn thấy hình ảnh “fan” xếp hàng dài để mua vé vào xem các trận thi đấu tại Thai League, hay các quầy bán áo đấu và đồ lưu niệm của đội bóng luôn đông nghịt “fan” mua đồ ủng hộ cho đội bóng họ yêu thích.

Lời kết


Việt Nam là quốc gia mà người dân rất yêu bóng đá, chúng ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ngành công nghiệp bóng đá từ người hâm mộ đến hệ thống chính trị. Một giải đấu vô địch quốc gia mạnh chính là tiền đề để xây dựng lên một đội tuyển quốc gia mạnh. Muốn giải đấu mạnh thì chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông quảng bá, thu hút được nhiều người hâm mộ quan tâm theo dõi, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ các đội bóng phát triển, gia tăng thu nhập cho các cầu thủ và những người hoạt động trong ngành.

———————————————-

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 117, tháng 5.2023, chuyên đề Đầu tư vào thể thao