Francis Pedraza từng bán một nửa cổ phần trong công ty về đào tạo AI của mình, Invisible Technologies, cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đầu năm 2020, Francis Pedraza đứng trước nguy cơ thất bại. Doanh nhân tốt nghiệp Đại học Cornell (New York) đã dành hơn bốn năm phát triển một mô hình kinh doanh thú vị: kết hợp AI với đội ngũ nhân sự làm việc từ xa để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các tác vụ như sàng lọc hồ sơ xin việc, quản lý chatbot và biên tập nội dung mô tả sản phẩm. Đây là những phần việc lặp đi lặp lại, nhưng vẫn quá phức tạp để có thể tự động hóa hoàn toàn.
Tuy vậy, dự án không được đón nhận rộng rãi và các nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon tỏ ra dè dặt. Họ cho rằng những doanh nghiệp về dịch vụ như Invisible Technologies khó mở rộng quy mô, vận hành phức tạp và dễ bị sao chép. Giữa lúc khó khăn, bốn nhà sáng lập khác cũng rời đi và Invisible Technologies chỉ còn biết bấu víu vào nguồn vốn từ một số nhà đầu tư thiên thần để duy trì hoạt động. Bước ngoặt đến vào tháng 3.2020, khi DoorDash liên hệ với công ty.
Thời điểm đó, DoorDash đang bước vào cuộc ganh đua gay gắt với các đối thủ như Uber Eats, Grubhub nhằm mở rộng mạng lưới đối tác nhà hàng nhanh nhất có thể, đáp ứng nhu cầu giao thức ăn tăng vọt trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới tiến hành phong tỏa phòng dịch COVID-19. Trong năm 2020, tổng giá trị đơn hàng đã chạm mốc 51 tỷ USD. Khi ấy, DoorDash cần nhập dữ liệu thực đơn và giá cả vào hệ thống, nhưng các đối tác thuê ngoài từng đảm nhiệm công việc này đã dừng hoạt động. Vì thế, doanh nghiệp giao thức ăn của Mỹ đã liên hệ với Francis Pedraza và yêu cầu sự hỗ trợ cấp bách từ Invisible Technologies.
Đây chính là cơ hội mà Pedraza vẫn đang tìm kiếm. “Những công việc như thế này thường tốn nhiều thời gian và dễ gây trì hoãn. Điều đó thúc đẩy khách hàng tìm đến chúng tôi,” doanh nhân này chia sẻ.
Hai năm sau, Francis Pedraza được OpenAI liên hệ để giải quyết một “bài toán” về dữ liệu còn thách thức hơn: hiện tượng “ảo giác” tự tạo ra thông tin sai lệch trên mô hình AI mà về sau trở thành ChatGPT. Lần hợp tác này đã mở ra cơ hội giúp Invisible Technologies giành được hợp đồng với những tên tuổi như Amazon, Microsoft và kỳ lân AI Cohere. Từ một công ty chật vật sinh tồn, Invisible Technologies có sự bứt phá mạnh mẽ, doanh thu từ ba triệu USD năm 2020 tăng lên 134 triệu USD vào năm 2024, với EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đạt 15 triệu USD.
Thị trường đào tạo AI đã trở thành “sân chơi” có tính cạnh tranh cao với sự tham gia của những cái tên như Scale, Surge và Turing. Trong đó, Scale, giống như tên gọi, đã có bước tiến lớn khi huy động thành công khoản tiền một tỷ USD, đạt mức định giá 14 tỷ USD vào năm 2024 với doanh thu hằng năm chạm ngưỡng một tỷ USD.
Tuy nhiên, Francis Pedraza lại chọn hướng đi riêng cho Invisible Technologies. Công ty vận hành mô hình làm việc từ xa, nghĩa là mặc dù thành lập tại Delaware, nhưng Pedraza lại vận hành công ty từ New York. Đồng thời, công ty chỉ huy động 23 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm như Day One, Greycroft và Backed, con số khiêm tốn hơn nhiều so với những đối thủ cùng ngành. Không những vậy, thay vì tiếp tục bán cổ phần để mở rộng quy mô, Invisible Technologies bắt đầu mua lại chúng. “Chúng tôi hoàn toàn khác biệt với họ,” Pedraza khẳng định.
Doanh nhân 35 tuổi này vẫn nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Invisible Technologies, công ty được định giá 500 triệu USD vào năm 2023. Anh đã hào phóng trao tặng phần lớn cổ phần cho khoảng 300 nhân viên hiện tại và trước đây của công ty, những người mà anh gọi là “đối tác.” Tổng cộng, nhóm nhân viên này nắm giữ 55% cổ phần, tương đương khoảng một triệu USD/ người.
Trong ba năm qua, Pedraza đã vay 20 triệu USD – ban đầu từ quỹ tăng trưởng Level Equity đặt tại New York và gần đây nhất là từ JPMorgan – để mua lại cổ phần của các nhà đầu tư ban đầu. “Tôi tin rằng giá trị của công ty sẽ tăng gấp mười lần trong tương lai, con số chênh lệch cực kỳ tuyệt vời,” anh tự tin nói.
Đó là chiến lược táo bạo và không theo khuôn mẫu thông thường của các công ty khởi nghiệp khác có hậu thuẫn từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, liệu việc vay tiền với lãi suất cao (ví dụ mức 20% cho khoản vay từ Level Equity) để mua lại cổ phần có phải là phương án tối ưu nhất đối với công ty có nguồn tài chính eo hẹp như Invisible Technologies không? David Wanek, CEO Western Technology – một trong những quỹ tài trợ bằng nợ lâu đời nhất tại Thung lũng Silicon, bày tỏ quan điểm: “Bạn phải có sự tự tin cao mới dám vay khoản tiền lớn như vậy chỉ để giảm tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư khác.” Một số ý kiến cho rằng số tiền đó nên được dùng cho việc phát triển công ty, thay vì tăng số cổ phần của Pedraza. Tuy nhiên, đối với Pedraza, đây là quyết định rất đơn giản. Anh tin rằng việc phân bổ cổ phần cho nhân viên, biến họ thành những “chủ sở hữu nhỏ,” sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Invisible Technologies ngay cả khi nguồn lực tài chính có hạn.
Mức định giá 500 triệu USD của Invisible Technologies, cao gấp ba lần doanh thu, có thể xem là hợp lý đối với một công ty dịch vụ. Nhưng so với thị trường AI, con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Khi Francis Pedraza mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư “thụ động” vào năm 2021, anh không chỉ là người mua duy nhất mà còn tự đặt mức giá 50 triệu USD. “Thỏa thuận mang lại lợi ích cho tất cả các bên và giữ định giá ở mức thấp là chủ đích của tôi,” Pedraza giải thích.
“Invisible Technologies vẫn đang phát triển rất tốt và tôi thấy tiếc vì đã không giữ lại số cổ phần của mình,” nhà đầu tư thiên thần Edward Lando chia sẻ. Cách đây một thập niên, Lando là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Invisible Technologies khi công ty mới được định giá năm triệu USD.
Theo Pedraza, việc mua lại cổ phần không chỉ giúp anh có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc điều hành công ty, mà còn cho phép các nhà đầu tư thu hồi vốn.
“Luôn có những việc mà chỉ con người mới làm tốt.”
—Francis Pedraza, sáng lập và chủ tịch Invisible Technologies
Việc thu hồi vốn dễ dàng là yếu tố thuyết phục các nhà đầu tư, đồng thời cũng thể hiện rõ quan điểm của Francis Pedraza là không IPO và không bán Invisible Technologies. “Cách làm này giúp tôi nắm nhiều quyền kiểm soát hơn,” anh quả quyết. Một số nhà đầu tư mạo hiểm quyết định bán lại cổ phần không chỉ vì lý do tài chính, mà còn để tránh những gì họ cho là “sự khoa trương không cần thiết” từ Pedraza. Về phần mình, Francis Pedraza tuyên bố triết lý kinh doanh của anh chịu ảnh hưởng từ ba nhân vật: Lão Tử (sáng lập Đạo giáo), Napoleon (nhà lãnh đạo quân sự) và Ronald Coase (người đoạt giải Nobel kinh tế 1991). “Anh ấy có tầm nhìn xa,” một cựu nhân viên làm việc từ xa ca ngợi Pedraza. Ngược lại, một người khác lại cho rằng anh chỉ “đang tự mãn và thiếu thực tế.”
Invisible Technologies không phải công ty đầu tiên Francis Pedraza thành lập. Khi còn theo học tại Đại học Cornell, anh từng làm thêm tại Google về mảng quảng cáo. Trải nghiệm này khiến anh nhận ra bản thân không thích việc từng bước thăng tiến trong một tập đoàn lớn mà mong muốn gây dựng sự nghiệp riêng. Dự án đầu tiên của Pedraza là Everest, một ứng dụng thiết lập mục tiêu. Nhờ tình cờ gặp gỡ một người có mối liên hệ với Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, Francis Pedraza đã huy động được khoản đầu tư khiêm tốn từ tỷ phú này để triển khai ứng dụng. Tiếp đó, Everest gọi vốn thành công 2,7 triệu USD và nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy vậy, bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của Pedraza, dự án này không còn giữ được người dùng và phải dừng hoạt động vào năm 2014. “Tôi đã khiến đội ngũ nhân sự hao tổn năng lượng và lãng phí vài năm cuộc đời,” anh buồn bã nói.
Sau thất bại của Everest, Francis Pedraza đã chuộc lỗi bằng việc đi bộ trên con đường hành hương Camino de Santiago dài 804km ở Tây Ban Nha. Khi trở về San Francisco, anh bắt đầu nảy ra ý tưởng kinh doanh mới. Pedraza nhận thấy mặc dù ngày càng nhiều ứng dụng và phần mềm ra đời với tuyên bố có thể giải quyết hầu hết vấn đề, phần lớn công việc trong môi trường doanh nghiệp vẫn phải xử lý thủ công. Việc thuê thêm nhân sự có thể giúp giảm bớt những điểm nghẽn, nhưng điều đó vừa tốn kém vừa khó quản lý.
Nhận thức được vấn đề, năm 2015, Pedraza huy động 500 ngàn USD để lập một công ty cung cấp giải pháp tối ưu hóa các quy trình lặp đi lặp lại này. Masha Bucher, nhà sáng lập của Quỹ Day One Ventures, người đầu tư 175 ngàn USD cho Francis Pedraza, cho biết: “Tôi rót vốn vì niềm tin vào Francis.”
Ban đầu, ý tưởng của Pedraza là xây dựng đội ngũ nhân viên làm việc từ xa kết hợp với AI để tạo ra một “siêu thư ký” hỗ trợ đặt lịch họp, sắp xếp chuyến bay cho các lãnh đạo doanh nghiệp thường có lịch trình bận rộn. Nhưng thực tế không như kỳ vọng. “Chúng tôi chi 20 ngàn nhưng chỉ thu về 10 ngàn USD,” anh thừa nhận. Francis Pedraza cũng nhận ra những nhà điều hành này thường dùng trợ lý riêng để xử lý các công việc như vậy và không phải nhóm khách hàng mục tiêu.
Bước ngoặt đến khi June, công ty khởi nghiệp về lò nướng kỹ thuật số có trụ sở tại San Francisco, sử dụng dịch vụ của Invisible Technologies để giải quyết những phần việc đòi hỏi nhiều công sức như tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ và lên lịch phỏng vấn nhân viên mới. Từ đó, Pedraza chuyển sang tập trung vào các công việc tẻ nhạt, lặp đi lặp lại khác như xét duyệt yêu cầu bảo hiểm cho Công ty chăm sóc sức khỏe Headway, dọn dẹp dữ liệu cho Nasdaq.
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm đến những “ông lớn” như Accenture, Cognizant và Infosys để xử lý phần việc này. Nhưng Invisible Technologies mang đến mô hình linh hoạt hơn: công việc phức tạp do nhân sự từ xa thực hiện, còn những tác vụ đơn giản lại được AI tự động hóa.
“Mô hình tối ưu nhất chính là kết hợp cả AI lẫn trí tuệ của con người. Luôn có những việc mà chỉ con người mới làm tốt,” Pedraza cho biết.
Dần khôi phục được quyền sở hữu hoàn toàn đối với Invisible, cho cả bản thân anh lẫn nhân viên, Francis Pedraza ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng. Mục tiêu đầu tiên là cạnh tranh với Accenture, công ty tư vấn và gia công phần mềm sở hữu vốn hóa thị trường 245 tỷ USD. Pedraza tin rằng đội ngũ Invisible Technologies không chỉ mang đến giải pháp thông minh, tiết kiệm hơn, mà lợi thế về chuyên môn trong đào tạo AI còn giúp công ty tự động hóa các tác vụ nhanh hơn cả Accenture. Để hiện thực hóa tham vọng đó, anh đã mời Matthew Fitzpatrick, cựu giám đốc bộ phận về AI tại McKinsey, gia nhập Invisible Technologies. “Chúng tôi có cơ hội cạnh tranh với Accenture để giành được các hợp đồng doanh nghiệp trị giá từ 50-100 triệu USD,” Pedraza tuyên bố.
Khi giành được những hợp đồng quy mô đó, các thỏa thuận hiện tại của Invisible Technologies sẽ chỉ giống như khoản tiền cược ban đầu. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Francis Pedraza và những nhân viên may mắn của anh sẽ hưởng toàn bộ lợi nhuận mà không phải chia sẻ với bên ngoài.
ĐỀN ĐÁP XỨNG ĐÁNG
Francis Pedraza chắc hẳn là vị sếp hào phóng nhất nước Mỹ, khi anh trao 55% cổ phần trong Invisible Technologies, trị giá khoảng 275 triệu USD, cho 300 nhân viên hiện tại và trước đây của công ty. Hành động này tuy làm giảm đáng kể số cổ phần anh sở hữu, nhưng lại giống như một “liều thuốc tinh thần” hiệu quả. “Sở hữu cổ phần trong công ty sẽ khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ hơn,” Francis Pedraza chia sẻ. Dĩ nhiên, anh cũng không phải người duy nhất làm điều như vậy. Dưới đây là danh sách một số lãnh đạo đồng suy nghĩ với Pedraza.
Donald Friese
Sau khi bán C.R. Laurence, doanh nghiệp chuyên sản xuất công cụ và linh kiện trong ngành công nghiệp thủy tinh, với giá 1,3 tỷ USD vào năm 2015, Donald Friese, tỷ phú vươn lên từ nghèo khó, đã trao tặng 85 triệu USD cho toàn bộ nhân viên có thâm niên từ một năm trở lên. Mỗi nhân viên đủ điều kiện được nhận ít nhất năm ngàn USD, một vài người còn nhận được hơn một triệu USD. “Đó là việc tôi nên làm,” Donald Friese chia sẻ với Forbes hồi năm 2015.
Mark Cuban
Mark Cuban cho biết ông luôn chia sẻ cho nhân viên một phần đáng kể lợi nhuận mà mình thu về. Ví dụ, Cuban từng biến 300 trong tổng số 330 nhân viên tại Broadcast.com thành triệu phú sau khi ông bán công ty này với giá trị 5,7 tỷ USD trong thời kỳ bong bóng dot.com. Năm 2023, doanh nhân này bán phần lớn cổ phần trong đội bóng rổ Dallas Maverick và toàn bộ nhân viên nhận về 35 triệu USD. Con số này gần bằng thu nhập của siêu sao Kyrie Irving trong mùa giải NBA năm 2023.
Sara Blakely
Năm 2021, nữ tỷ phú này đã ăn mừng việc bán thành công phần lớn cổ phần trong Công ty đồ lót định hình Spanx bằng cách “đài thọ” nhân viên vé máy bay hạng nhất tới mọi nơi trên thế giới, cho thêm 10 ngàn USD để họ tận hưởng chuyến đi.
Hamdi Ulukaya
Vào năm 2016, Hamdi Ulukaya, tỷ phú nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sáng lập thương hiệu sữa chua Chobani, đã có hành động vô cùng hào phóng với hai ngàn nhân viên của mình khi tặng 10% cổ phần cho họ, phân bổ theo số năm làm việc.
Biên dịch: Quỳnh Anh — Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 4/5.2025
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/giu-quyen-kiem-soat)
1 năm trước
Quả bom giảm phát vĩ đại từ AI11 tháng trước
Nhà thiết kế thời trang đối mặt với vấn nạn mạo danh thời AI3 tháng trước
Lợi nhuận của Samsung bất ngờ giảm mạnh trong quý 4.2024