Doanh nghiệp

Gió thổi ngoài khơi

2 năm trước
Linh Chi

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi và nhà nước đang tạo cơ chế khuyến khích đầu tư. Nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm phát triển loại hình năng lượng sạch này và Mainstream Renewable Power là một trong những nhà đầu tư sớm nhất.

Share
this:

Tháng 11.2016, tại Hà Nội, với sự chứng kiến của hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Ireland, một thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi quy mô 800MW được ký kết giữa Mainstream Renewable Power và tập đoàn Phú Cường. Thời điểm đó, Phú Cường Sóc Trăng  là dự án đạt thỏa thuận phát triển điện gió ngoài khơi có tổng công suất lắp đặt lớn nhất tại Việt Nam. “Với mức tăng trưởng GDP 5-6%/năm và quy mô dân số 92 triệu người, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh trong tương lai,” ông Andy Kinsella, cựu giám đốc điều hành Mainstream Renewable Power chia sẻ về dự án đánh dấu sự hiện diện của Mainstream ở Việt Nam trong một bài phỏng vấn vào thời điểm đó.

Năm năm sau, bà Mary Quaney – CEO đương nhiệm mở đầu cuộc trò chuyện xuyên biên giới với Forbes Việt Nam bằng việc cập nhật thông tin mới nhất: Dự án chính thức nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. “Đây là cột mốc đáng nhớ, chứng tỏ chúng tôi đang đi đúng hướng,” bà nói.

Quyết định trên cho phép Mainstream tiến hành những bước tiếp theo để xây hai nhà máy đầu tiên công suất 200MW, dự kiến khởi công đầu năm sau và đưa vào khai thác cuối năm 2023. Cụm dự án đầu tiên này là bước khởi đầu cho toàn bộ dự án Phú Cường Sóc Trăng mà Mainstream và tập đoàn Phú Cường góp vốn tỉ lệ 70/30, có tổng công suất lắp đặt 1,4GW (1GW=1.000MW). Với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ, dự án sẽ cung cấp điện năng cho khoảng 1,6 triệu hộ dân ở khu vực ĐBSCL và giảm thiểu khoảng 1,8 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Sáu năm đã trôi qua kể từ khi trạm đo gió đầu tiên trên đất liền được xây dựng để bắt đầu đo đạc dữ liệu. Trong khoảng thời gian này, Mainstream và đối tác Việt Nam đã thực hiện song song nhiều bước từ những chiến dịch đo gió, khảo sát địa chất, tìm kiếm và lựa chọn nhà thầu cung ứng thiết bị trong lúc hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Cụm nhà máy Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B được bổ sung vào Quy hoạch điện VII vào tháng 6.2020. “Phú Cường Sóc Trăng là dự án quan trọng nhất của Mainstream ở Việt Nam và là cột mốc minh chứng cho bước đi đúng của chúng tôi khi dịch chuyển nguồn lực sang nền kinh tế mới nổi như Việt Nam,” bà Mary nói.

Bà Mary Quaney – CEO Mainstream.

Thành lập từ năm 2008, Mainstream từng tập trung hoạt động ở ba khu vực chính: Bắc Mỹ, ngoài khơi châu Âu và những quốc gia đang phát triển khác trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó họ dồn sự tập trung vào châu Âu và các thị trường mới nổi – đặc biệt là những khu vực còn nhiều tiềm năng điện gió và điện mặt trời. Mainstream đã phát triển khoảng 20% tổng số dự án điện gió ngoài khơi ở vương quốc Anh – quốc gia đứng đầu thế giới về tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi tính tới năm 2020, theo số liệu hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC).

Cùng với Siemens Project Ventures, Mainstream phát triển hai dự án nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động: Hornsea 1 (1,2GW) và Hornsea 2 (1,4GW) – trước khi chuyển nhượng các dự án này và phần còn lại vào năm 2015.

Để nắm bắt xu hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch diễn ra khắp nơi trên thế giới, Mainstream cũng tìm tới các thị trường năng lượng tái tạo tiềm năng còn sơ khai như châu Phi và Nam Mỹ. Theo tự bạch, Mainstream Renewable Power là nhà phát triển điện gió và điện mặt trời lớn nhất ở Chile và xếp thứ hai tại châu Phi. Thời điểm hiện tại, tập đoàn sở hữu các dự án điện gió và điện mặt trời đang xây dựng hoặc đang phát triển với tổng công suất 17,52GW tại năm châu lục.

Tính đến nay, tại Việt Nam, ngoài Phú Cường Sóc Trăng, Mainstream đang cùng đối tác AIT phát triển một dự án điện gió ngoài khơi khác với công suất 500MW ở Bến Tre. Dự án đã nhận được giấy phép khảo sát hồi cuối năm 2020 và đang hoàn tất hồ sơ trình bộ Công thương xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Tháng sáu năm nay, Mainstream thông báo đã hoàn tất việc mua 80% cổ phần của D&T Group – đơn vị đang thực hiện cụm dự án điện mặt trời tại Đắk Nông với tổng công suất 405MW.

Vì sao lại là Việt Nam? Bà Mary cho biết Mainstream nhìn thấy được tiềm năng của đất nước hình chữ S, đặc biệt trong mảng điện gió ngoài khơi. “Cùng với sự kết hợp phong phú giữa gió và mặt trời, chi phí được giảm dần khi công nghệ phát triển, năng lực sản xuất chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo đã có trong nước, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Việt Nam bật đèn xanh để phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô lớn,” bà Mary nói.

Trong giai đoạn 2019-2020, lĩnh vực điện gió ngoài khơi Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Bình Thuận liên tục công bố những dự án lớn về cả quy mô đầu tư lẫn công suất. Ví dụ như Thăng Long Wind – dự án điện gió ngoài khơi dự kiến có quy mô đầu tư 11 tỉ đô la Mỹ và tổng công suất 3,4GW, hay dự án trang trại điện gió La Gàn – đầu tư bởi liên doanh giữa Copenhagen Infrastructure Parters (CIP), Asia Petro và Novasia, ghi nhận vốn đầu tư lên tới 10 tỉ đô la Mỹ và công suất 3,5GW. Mới đây nhất, Ørsted – tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới từ Đan Mạch đã công bố dự án đầy tham vọng công suất khoảng 10GW, với tổng giá trị đầu tư ước tính lên tới khoảng 30 tỉ đô la Mỹ tại Bình Thuận.

Các báo cáo từ những tổ chức năng lượng tái tạo quốc tế trong khoảng vài năm gần đây cũng đề cập tới Việt Nam như một “ngôi sao tương lai” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với hơn 3.000 km đường bờ biển, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam có thể dao động từ 160GW kỹ thuật theo tính toán của cơ quan Năng lượng Đan Mạch, cho tới gần 500GW theo nhóm nghiên cứu từ ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tại sao điện gió ngoài khơi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài? Ông Marco Breu, đối tác tại văn phòng McKinsey tại Hà Nội phân tích: Đầu tư vào năng lượng gió có thể tạo ra bội số cao hơn so với thị trường, các nhà phát triển hoàn toàn có thể thu được lợi nhuận tốt hơn nếu có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. “Bối cảnh chung tạo ra hai yếu tố thuận lợi cho các công ty. Thứ nhất là chi phí công nghệ đang giảm dần, dẫn tới chi phí đầu tư trả trước và chi phí bảo trì cũng giảm theo. Thứ hai, thế giới đang hướng tới tính bền vững khi các chính phủ và người dùng đều kêu gọi sử dụng năng lượng bền vững”, theo ông Breu.

Một điểm thuận lợi nữa dành cho nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ dự án chương trình Hợp tác phát triển Đức (GIZ) là yêu cầu trình độ công nghệ lẫn quản lý dự án đều cao hơn các dạng năng lượng tái tạo khác do đặc thù xây lắp, vận hành trên biển. Thực tế chứng minh những gì ông Dũng quan sát, đa số các dự án có quy mô tổng công suất lắp đặt lớn đều do những nhà phát triển dự án lớn từ các quốc gia hàng đầu về điện gió như vương quốc Anh hay quốc gia châu Âu khác khởi xướng.

Dù được đánh giá là tiềm năng, các nhà đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi vẫn đối diện nhiều thách thức, mà mấu chốt là khung pháp lý dành cho phát triển điện gió ngoài khơi còn đang trong quá trình xây dựng và chưa công bố rõ ràng. Đại diện từ McKinsey đề cập tới hai yếu tố dễ nhìn thấy đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn phát triển dự án. Cụ thể là tiếp cận lưới điện, ngay khi dự án được chấp thuận đấu nối lưới điện và công suất trạm biến áp chuyên dụng cũng phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm do tắc nghẽn lưới điện. Đồng thời, quy trình phê duyệt một dự án hiện tại tương đối phức tạp vì nhà đầu tư cần được tỉnh cho phép trước khi trình lên cấp quốc gia.

Cụm từ “điện gió ngoài khơi” lần đầu tiên xuất hiện trong một văn bản pháp luật khi bộ Công thương đưa vào trong dự thảo Quy hoạch điện VIII công bố hồi đầu năm nay để lấy ý kiến từ các cơ quan, bộ, ngành. Các vấn đề từ tổng công suất lắp đặt dự kiến trong bối cảnh chung của thị trường, quy trình quản lý, cấp phép, cơ chế giá… đều chưa được công bố chính thức.

Có những lý do khách quan khiến chính phủ Việt Nam e ngại, ví dụ như chi phí vốn ban đầu dành cho một dự án điện gió ngoài khơi cao hơn hẳn so với các loại hình năng lượng tái tạo khác. Vị trí của một cụm nhà máy điện gió ngoài khơi với đặc điểm nằm ở xa bờ cũng đi kèm những rủi ro liên quan tới phân chia ranh giới vùng hàng hải, rủi ro đối với hệ sinh thái biển, ảnh hưởng hoạt động khai thác thủy hải sản… Bên cạnh đó, cần phải tính toán về không gian tăng trưởng để đưa điện gió ngoài khơi vào quy hoạch chung của ngành năng lượng. Cuối cùng, không kém phần quan trọng là cơ chế giá đối với điện gió ngoài khơi.

Những người đi tiên phong chưa chắc đã là lợi thế trong bối cảnh thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đang ở thời điểm sơ khai. Mainstream đối mặt với nhiều rủi ro, họ phải chấp nhận vướng ở đâu gỡ ở đó. “Những câu trả lời họ tìm kiếm sẽ là nền tảng chung cho cả thị trường và hỗ trợ cho người đi sau”, ông Nguyễn Anh Dũng nhận xét.

Bà Mary Quaney cũng thừa nhận việc phát triển chính sách là một quá trình phức tạp đối với một ngành công nghiệp mới. Nhưng điều này không làm khó nhà phát triển năng lượng tái tạo có 13 năm hoạt động ở nhiều thị trường đa dạng. “Kinh nghiệm khi vận hành ở những thị trường khác nhau trên toàn cầu dạy chúng tôi nhiều thứ. Tất cả thị trường đều cần cách tiếp cận khác nhau”, bà Mary nói. Kinh nghiệm hoạt động của Mainstream ở các thị trường khác được họ áp dụng để phát triển dự án ở Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động khảo sát, tìm nhà thầu, xây dựng bộ tiêu chuẩn giá trị toàn cầu của tập đoàn về Việt Nam để áp dụng ở tất cả các bước.

Như một số nhà đầu tư nước ngoài khác, Mainstream tìm tới đối tác Việt Nam – những người hiểu văn hóa, bối cảnh Việt Nam cũng như có thể làm việc chặt chẽ với từng địa phương. Bà Mary ví von việc tìm đối tác và xây dựng đội ngũ nhân sự địa phương giống như bạn mời khách tới nhà và sẽ phải hỏi họ thích uống trà, cà phê hay Earl Grey – loại trà chiều người Anh hay uống. “Cốt lõi của sự phát triển là nhân lực địa phương, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để cùng làm việc với đối tác, xây dựng đội ngũ cũng như tìm hiểu về cộng đồng xung quanh nơi chúng tôi thực hiện dự án,” bà Mary khẳng định.

Ở báo cáo mang tên “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam”, World Bank và các đối tác đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cao và thấp đối với điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vào năm 2030. Theo đó, tổng công suất vận hành lũy kế của Việt Nam có thể dao động từ 5-10GW tương ứng hai kịch bản. Trong báo cáo “Năng lượng gió toàn cầu” công bố hồi tháng sáu năm nay, GWEC ước tính nếu công suất vận hành lũy kế của điện gió ngoài khơi đạt 10GW vào năm 2030 có thể tạo ra 45 ngàn việc làm mỗi năm và đóng góp vào giá trị gia tăng khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ sau 2030.

Bà Mary Quaney cho rằng Việt Nam đã thành công khi hoàn thành việc xây dựng được gần 20GW năng lượng mặt trời từ năm 2017 tới năm 2020, và 4GW điện gió đang xây dựng. Bà đánh giá nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi của Việt Nam tương đương với vương quốc Anh, và cũng nhắc tới việc phải bổ sung một lượng điện mới đáng kể vào lưới điện trong hai thập niên tới. Tuy bối cảnh chung của thị trường là tiềm năng, những khó khăn về pháp lý liệu có trở thành rào cản với chiến lược phát triển của Mainstream ở Việt Nam? CEO Mary Quaney khẳng định là không. “Chúng tôi rất kiên nhẫn trong cách tiếp cận một thị trường mới và luôn hướng về mục tiêu dài hạn, đi cùng sự phát triển của thị trường,” bà nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 100, chuyên đề “Phát triển năng lượng sạch”, tháng 12.2021