Cameron Adams là đồng sáng lập Canva với Melanie Perkins và chồng cô là Cliff Obrecht. Giờ đây, ông và đội ngũ của mình đang chuyển sang công nghệ sâu (deep tech – gồm những mảng công nghệ tiên phong như AI, IoT, AR/VR, Blockchain…) để đưa công ty thiết kế khổng lồ của Úc tiến lên dẫn đầu.
Phần lớn mọi người thường được nghe kể câu chuyện về Melanie Perkins, người đồng sáng lập Canva, trình bày ý tưởng của mình về một công cụ thiết kế trực tuyến dễ sử dụng.
Câu chuyện từ nhà đầu tư mạo hiểm Bill Tai ở Thung lũng Silicon lúc ông ghé thăm quê hương Melanie Prkins (thành phố Perth ở miền tây nước Úc) để tham dự một hội nghị công nghệ. Lúc đó, Melanie còn tiện thể chơi lướt ván diều. Khi nói chuyện, cô thấy ông ngồi bấm điện thoại và nghĩ mình đã không thu hút sự chú ý của ông.
Trên thực tế, lúc ấy Bill Tai đang nhắn tin cho người đồng sáng lập Google Maps, Lars Rasmussen. Theo lời kể của Rasmussen trong video, Bill Tai nhắn hai dòng tin: “Lars, hãy giúp những người này tìm một đội ngũ công nghệ. Nếu anh tập hợp được nhóm công nghệ, tôi sẽ đầu tư vào đó.”
Rasmussen yêu thích ý tưởng dân chủ hóa thiết kế của Perkins, nhưng trong 18 tháng tiếp theo, không thể tìm được lãnh đạo công nghệ tiềm năng nào có thể đảm đương được.
Rasmussen nói với Perkins: “Cô cần người tốt nhất trong số những người tốt nhất nếu định phát triển ý tưởng này.” Có vẻ như Canva sẽ chịu chung số phận của nhiều ý tưởng tuyệt vời khác. Sau đó, Cameron Adams xuất hiện.
Người đàn ông gốc Melbourne, nổi tiếng trong các lĩnh vực mã hóa, thiết kế web và khởi nghiệp, vào năm 2012 đã đồng ý cùng tham gia với Perkins, cựu thành viên 30 Under 30 châu Á và chồng cô, Cliff Obrecht. Cặp đôi này có công lao lớn đối với sự ra đời của phần mềm freemium (phần mềm miễn phí, nhưng người dùng phải trả phí nếu muốn có những lựa chọn cao cấp hơn) của Canva. Phần mềm này cho phép người dùng kéo và thả theo cách của họ để tạo và chia sẻ đồ họa, trang web, bài đăng trên Instagram…
Adams và nhóm kỹ sư của ông vẫn là cốt lõi kỹ thuật của công ty có trụ sở tại Sydney. Giờ đây, họ đang đặt hi vọng vào bộ tính năng được hỗ trợ AI để phát triển hơn trong tương lai.
“Hiện tại, thật dễ dàng hình dung ra thế giới của chúng tôi,” Adams, 44 tuổi, ăn mặc giản dị với áo thun quần jean tại trụ sở Canva ở Sydney hồi tháng một, chia sẻ.
“Nhưng chúng tôi đã dành mười năm qua để xây dựng thế giới đó thành hiện thực và khiến mọi người khác nhận ra thế giới ấy.” Adams, giám đốc sản phẩm của công ty cho biết. F
orbes ước tính Adams có tài sản 2,2 tỷ USD, trong khi giám đốc điều hành Perkins và COO Obrecht đồng sở hữu khối tài sản 8,8 tỷ USD.
Trong năm qua, phần giới thiệu sản phẩm của công ty tập trung vào việc mở rộng trải nghiệm AI tạo sinh, chẳng hạn như biến một bài luận tiếng Anh năm ngàn từ thành bài thuyết trình bằng tiếng Tagalog chỉ với vài cú nhấp chuột, tạo một video ngắn từ hình ảnh duy nhất hoặc biến bàn tay xương xẩu thành bàn chân mèo ảo.
Canva cho biết họ có hơn 170 triệu người dùng hằng tháng trên 190 quốc gia vào cuối năm 2023, tăng 50% so với năm trước, với các sản phẩm AI mới được sử dụng hơn bốn tỉ lần.
Nhờ sự gia tăng đó, doanh thu định kỳ hằng năm của Canva, phần lớn từ đăng ký thuê bao tháng, đã đạt mốc hai tỷUSD vào năm 2023, gấp đôi so với một năm trước đó. Một đợt tuyển dụng rầm rộ đã tăng số lượng nhân viên lên gần 40% trong 12 tháng qua và các cơ sở mới được mở tại Melbourne, London và Austin, Texas.
“Hiện tại, thật dễ dàng hình dung ra thế giới của chúng tôi. Chúng tôi đã dành mười năm qua để xây dựng thế giới đó thành hiện thực và khiến nhiều người khác nhận ra thế giới ấy.”
Mặc dù việc nỗ lực có thêm nhiều khách hàng ở nhiều quốc gia hơn có thể là điều tuyệt vời khi xét về tổng lượng, nhưng cố gắng hoạt động mạnh trong thế giới doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng, mang lại nhiều khách hàng trả tiền hơn. Canva cho biết khoảng 135 ngàn đội nhóm trong các doanh nghiệp lớn đang sử dụng ứng dụng này – con số đã tăng gấp đôi vào năm 2023 và Adams cho biết đây sẽ là trọng tâm của thập niên tới khi họ nhắm đến việc giành lấy thị phần do Adobe, công ty đồ họa khổng lồ có thị giá 221 tỷ USD cùng các đối thủ khác nắm giữ.
Để đạt được mục tiêu đó, hồi tháng ba, Canva đã mua lại Affinity, doanh nghiệp sản xuất công cụ sáng tạo dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp có trụ sở tại Vương quốc Anh, trong một thỏa thuận trị giá vài trăm triệu USD.
Đã có những phỏng đoán về việc Canva sẽ lên sàn, mặc dù hai đợt bán cổ phiếu thứ cấp gần đây – đợt gần nhất hoàn thành hồi tháng ba huy động được 1,6 tỷ USD với mức định giá 26 tỷ USD – đã cho phép các cổ đông ban đầu thanh lý tài sản của họ và củng cố lời khẳng định của ban lãnh đạo rằng sẽ không có chuyện thả nổi cổ phiếu.
“Chúng tôi rất vui khi vẫn duy trì sở hữu tư nhân để thực hiện được tầm nhìn của mình,” Adams chia sẻ. “Khi trở thành công ty đại chúng, bạn sẽ có nhiều kỳ vọng và áp lực hơn, có thể cản trở sự đổi mới và tăng trưởng.”
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa hoàn toàn suôn sẻ. Vào tháng 2.2024, giám đốc tài chính của Canva, Damien Singh, bất ngờ từ chức trong lúc đang diễn ra cuộc điều tra nội bộ về cáo buộc có hành vi không phù hợp.
Vào thời điểm Damien Singh rời đi, Canva cho biết họ đã đồng thuận tuyển dụng giám đốc tài chính có kinh nghiệm ở công ty đại chúng. Người phát ngôn của Canva từ chối bình luận thêm. Singh đã không trả lời yêu cầu bình luận.
• • •
Adams cho biết, khi mới vào trung học, ông là một trong những đứa trẻ trầm lặng nhất lớp. Nhưng rồi ông đã tìm thấy chủ đề mà mình muốn nói: “Đến năm lớp 12, tôi bị giáo viên toán phàn nàn rằng tôi nói quá nhiều.”
Tại Đại học Melbourne, ông học luật và khoa học máy tính, học kỹ năng sản xuất báo chí thông qua hoạt động ở tờ báo sinh viên và bắt đầu viết blog công nghệ vào năm 2003 với tên The Man in Blue. Ông tốt nghiệp và “hoàn toàn quên mất” chuyện nộp đơn xin việc ngành luật. Blog đã kết nối Adams với các lập trình viên trên toàn thế giới và ông tham gia vào hoạt động xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các website xuất hiện sau sự cố dot.com.
Ông nói: “Tất cả nhằm thúc đẩy công nghệ Internet phát triển, xác định công nghệ mới và sử dụng nó để tạo ra những trải nghiệm mới.”
Một người hâm mộ Man in Blue là Andrew Green, lúc đó đang làm việc tại Công ty thiết kế Eclipse ở Melbourne (hiện anh là giám đốc thiết kế của Canva), đã gửi việc theo cách của mình.
“Bạn sẽ gửi cho anh ấy một bản tóm tắt vào lúc 5 giờ chiều với một số ý tưởng hoạt hình,” anh nói qua cuộc gọi video.
“Và vào lúc 5 giờ sáng, bạn sẽ nhận được email từ anh ấy với một nguyên mẫu JavaScript hoạt động được để cho khách hàng xem.” Đến giờ ăn trưa, Adams hẳn đã ngủ đủ và sẵn sàng thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào.
Năm 2004, Adams được Maxine Sherrin tuyển làm diễn giả. Thời điểm đó Sherrin đang tìm kiếm các nhà thiết kế web được xem là “siêu sao” cho một hội nghị trong ngành mà bà tổ chức, có tên là Web Directions.
Sherrin nói qua điện thoại: “Cậu ấy là kiểu người thức đến tận khuya, mày mò tìm cách làm cho một số hoạt hình nhỏ hoạt động theo một cách phức tạp nào đó.”
Bà cho biết, đúng thời hạn, họ trả tiền cho Adams để thực hiện phần mở đầu cuộc trò chuyện của họ và những người không được mời sẽ lẻn vào chỉ để xem phần đó.
Adams bắt đầu đi khắp thế giới theo đà diễn thuyết và vào năm 2006, ông tham dự hội nghị South by Southwest ở Texas. Đó là một tuần quan trọng. Ông đã ký được một hợp đồng xuất bản sách và gặp người vợ tương lai của mình, Lisa Miller, nhà động vật học người Úc chuyển sang thiết kế trang web, dẫn đến việc chuyển đến Sydney.
Trong khi đó, Lars Rasmussen và anh trai Jens, sau khi thiết lập và vận hành Google Maps tại Sydney, đã thuyết phục thành công các ông chủ của Google là Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt về ý tưởng định hình lại tính năng nhắn tin theo thời gian thực bằng một nền tảng cộng tác có tên Google Wave. Rasmussen nhớ lại: “Chúng tôi có rất nhiều kỹ sư thực sự giỏi, nhưng chúng tôi không có nhà thiết kế UI (giao diện người dùng).”
Ông tình cờ xem được blog của Adam và bị ấn tượng vì sự kết hợp giữa thiết kế và lập trình của Adams. Rasmussen không thể thuyết phục Adams tham gia toàn thời gian, nhưng ông đã thuyết phục Adams làm gia công cho một mẫu thử nghiệm.
Sáu tháng sau, khi Rasmussen mang nguyên mẫu đến gặp lãnh đạo Google, Schmidt hỏi ai là người thiết kế UI. “Một người làm gia công,” Rasmussen trả lời. Schmidt liền nói: “Hãy tuyển anh ta làm toàn thời gian.”
Google Wave ra mắt vào năm 2010 nhưng nửa triệu người dùng tích cực của ứng dụng này không đáp ứng được kỳ vọng của công ty. Wave đã bị ngừng hoạt động. Rasmussen rời đi, đến Facebook (nay là Meta) và Adams, người được tự do đi đến bất kỳ đội nhóm nào mình muốn trong Google, đã có chuyến tham quan vòng quanh thế giới với nhiều nhóm khác nhau của Google. Ông đã dành một tháng tại trụ sở Google ở Thung lũng Silicon, tham gia dự án xấu số Google+.
Adams cho biết: “Họ đã tập hợp 400 người chỉ trong một đêm, cố gắng hết sức để xây dựng sản phẩm này nhằm tạo ra mạng xã hội của Google và vượt qua Facebook. Mọi thứ hơi loạn và tôi đã quyết định không làm việc đó nữa.”
Ông và kỹ sư Wave Dhanji Prasanna (hiện là giám đốc công nghệ của nền tảng thanh toán Block) đã rời Google để tạo ra dịch vụ email có tên Fluent. Adams và Miller đã kết hôn vào thời điểm này và vừa mới có con. Miller đã nghỉ việc và họ sống nhờ tiền tiết kiệm, tiền từ việc bán cổ phiếu Google của Adams và thu nhập của Miller từ cửa hàng trực tuyến của bà với lượng khách chủ yếu từ một cộng đồng yêu chó trên Facebook. Áp lực đã tăng lên.
Lúc này Rasmussen nhận được tin nhắn của Tai. Ông nghĩ Adams là ứng cử viên lý tưởng nhưng ông biết Adams đang bận rộn với Fluent và cũng biết startup này đang gặp khó khăn.
Vào tháng 3.2012, Rasmussen thuyết phục Adams đến gặp Perkins và Obrecht, lúc đó đã chuyển từ Perth đến Sydney. “Họ không có nhiều ý tưởng về công nghệ,” Rasmussen nhớ mình đã nói như thế. “Hãy đến, trò chuyện với họ và xem có thể làm được những gì.”
Perkins và Obrecht có sản phẩm, Fusion Books, do các bên gia công ở Ấn Độ xây dựng, để làm kỷ yếu trung học. Adams kể: “Tôi bước vào cửa và bắt đầu nói chuyện với Perkins.
“Anh đến đây vì vai trò nhà phát triển PHP (ngôn ngữ lập trình) phải không?’ ‘Không, tôi ở đây để hướng dẫn cô cách điều hành doanh nghiệp của mình.'” Perkins nói với anh ấy về ý tưởng dành cho Canva: vượt xa phạm vi của những cuốn kỷ yếu và giúp mọi người dễ dàng thiết kế. Ý tưởng đó hấp dẫn Adams nhưng ông quá bận rộn với Fluent. Rồi ông lên máy bay tới San Francisco để gọi vốn lần thứ hai.
Adams là kiểu người thức đến tận khuya, mày mò tìm cách làm cho một số hoạt hình nhỏ hoạt động theo một cách phức tạp nào đó.
Perkins đã gửi email khi Adams ở San Francisco để mời ông làm việc.
“Chỉ là suy nghĩ rất tình cờ thôi. Anh và đội của anh có muốn trở thành thành viên trong nhóm sáng lập Canva và tích hợp vào đó công nghệ tuyệt vời mà anh đã phát triển không?” cô viết. “Nếu chúng ta hợp lực thì việc đó sẽ khiến cả hai chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều.” Ông đã trả lời email cho cô rất lịch sự nhưng lại từ chối lần nữa.
Chẳng bao lâu sau, thực tế khiến Adams sụp đổ. Fluent không thu hút được nhà đầu tư. “Căng thẳng vô cùng,” Miller nhớ lại. “Không phải điều gì quá to tát khi không có tiền đầu tư, nhưng vì bạn là người sáng lập, bạn gần như phải tin tưởng một cách phi lý vào những gì mình đang làm,” bà nói qua cuộc gọi video.
“Vì vậy, khi lý tưởng bắt đầu rạn nứt và bạn nhận ra mình có thể không đạt được điều đó, thật khó để biết khi nào nên dừng lại.”
Họ bắt đầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Miller đề nghị Adams liên hệ lại với cặp đôi ở công ty sản xuất kỷ yếu. Ông đã làm theo. Perkins và Obrecht đề nghị cho ông cả tư cách đồng sáng lập lẫn một phần cổ phần nhỏ trong công ty khởi nghiệp.
Perkins nói rằng cô đã biết Adams là người phù hợp cho công việc này ngay từ đầu.
Perkins viết trong email: “Mức độ quan tâm và chú ý đến từng chi tiết một cách đáng kinh ngạc mà anh ấy dành cho các sản phẩm mình tạo ra khiến tôi cực kỳ ấn tượng và đó vẫn luôn là một trong nhiều tài năng của anh ấy. Mặc dù chúng tôi quen nhau chưa lâu trước khi quyết định trở thành đồng sáng lập, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi vẫn rất hợp nhau.”
Với sự góp mặt của Adams, bộ ba đã có thể lôi kéo kỹ sư cấp cao của Google Dave Hearnden rời bỏ công việc được trả lương cao để tham gia với tư cách là giám đốc kỹ thuật.
Rasmussen phản hồi cho Tai: “Thử thách được chấp nhận và đã hoàn thành.” Rất nhanh chóng, Tai đầu tư và mời một số người bạn, trong đó có Rick Baker, người đồng sáng lập Blackbird Ventures có trụ sở tại Sydney, cùng tham gia. Đợt đầu tiên trị giá hai triệu đô la Mỹ với mức định giá tám triệu đô la Mỹ, cộng với khoản trợ cấp tương ứng từ Chính phủ Úc.
Theo Crunchbase, đến nay, Canva đã huy động được 573 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Tai (cũng là nhà đầu tư hạt giống của Twitter và Zoom) chưa bao giờ bán bất kỳ cổ phiếu nào của mình tại Canva và theo thông tin ông viết trong email, ông vẫn tiếp tục mua thêm.
Tai cho biết: “Canva là một trong những công ty đầu tiên sử dụng Open AI trong việc xây dựng và phát hành Canva GPT, vượt xa những công ty khác.”
Ba tuần trước khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022, Canva quyết định xây dựng công cụ biến chữ viết thành hình ảnh do AI tạo ra – trong vòng sáu tuần. Adams cho biết thời hạn do ông tự đặt ra là điều khả thi, nhờ nhiều năm xây dựng nền tảng từ trước đó.
“Họ đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả cơ sở hạ tầng máy học. Chúng tôi biết những mô hình nào mình có thể áp dụng để lấy luồng văn bản và biến nó thành hình ảnh theo trí tưởng tượng của bạn,” ông nói thêm. “Điều đó khiến chúng tôi vô cùng hào hứng với kỷ nguyên AI mới này.”
Biên dịch: Quỳnh Anh — Bài viết trích từ Forbes Úc, là một ấn bản được cấp phép của Forbes Media.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/giai-ma-con-quai-vat-canva)
1 năm trước
Canva phát hành công cụ mới cho doanh nghiệp