Thị Trường

GDP tăng cao nhất 12 năm, CPI dưới chỉ tiêu

1 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát dưới 4% .

Share
this:

Trong thông cáo báo chí về tình hình kinh tế xã hội quý 4 và cả năm 2022 công bố sáng nay, 29.11, tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý 4 tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước đã đóng góp vào mức tăng 8,02% của cả năm, cao nhất trong giai đoạn 2011- 2022.

 Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,1% với mức tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 38,2% và tăng gần 7,8%; khu vực dịch vụ tăng gần 10% và đóng góp 56,6%. 

Mức tăng cao của khu vực dịch vụ có được từ sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 52,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7%. Khách quốc tế đến nước ta đạt 3,6 triệu lượt người, gấp 23 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 80% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6% và nhập khẩu tăng 8,4%. Có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD chiếm 70% kim ngạch tổng xuất khẩu.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD, tăng 622 USD so với năm 2021). Năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.

Cơ quan thống kê ghi nhận, sản xuất công nghiệp quý 4 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý 4 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu nhưng cả năm ước tăng 7,8%.

CPI bình quân năm 2022 ghi nhận tăng 3,15% so với năm 2021, dưới mục tiêu 4% Quốc hội đề ra dù giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh do giá thế giới tăng cao. Lạm phát cơ bản (loại trừ các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm tươi sống và năng lượng do nhà nước quản lý giá) bình quân tăng 2,59% so với năm 2021.

Xem thêm:
GDP quý 3 tăng 13,67% kéo GDP chín tháng lên mức cao nhất 12 năm
Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% năm 2022
Gần 125.000 lao động tại Mỹ mất việc trong năm 2022