Hội nghị Thương hiệu 2023 – sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc chiều nay, 17.10, tại TP.HCM với chủ đề “Từ sáng tạo đến trường tồn”.
Với chủ đề “Từ sáng tạo đến trường tồn”, Hội nghị Thương hiệu 2023 quy tụ các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị, các lãnh đạo đang dẫn dắt thương hiệu tại các công ty tên tuổi sẽ cùng thảo luận, đưa ra những gợi mở trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh không gian số không ngừng mở rộng, tạo ra vô số cơ hội sáng tạo, việc duy trì nhận thức về thương hiệu càng trở nên quan trọng khi khách hàng sống, làm việc và giải trí trong một xã hội siêu kết nối. Các doanh nghiệp vì vậy càng đối mặt với thách thức xây dựng thương hiệu làm sao bắt kịp các trào lưu mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh doanh 2023, bà Đặng Minh Phương, chủ tịch PHC Media – đối tác nhượng quyền thương mại của Forbes tại Việt Nam chia sẻ: Năm 2023, kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, tốc độ phát triển kinh tế giảm tốc, vòng quay hàng hóa chậm lại khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta cần chuẩn bị gì và chuẩn bị như thế nào đón đầu sự phục hồi kinh tế sắp tới? Chúng tôi hy vọng thông tin từ hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt nhu cầu khách hàng, phục hồi mạnh mẽ,” bà Phương nói.
71% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin mỗi ngày. Trung bình họ dành 2 giờ 32 phút trên các ứng dụng này hàng ngày, cao hơn mức trung bình của thế giới. Liệu các thương hiệu có tận dụng được kênh mạnh mẽ này để tiếp cận tối đa khách hàng?
Trong bài trình bày Trò chuyện với tương lai, bà Berina Tanovic – giám đốc kinh doanh Rakuten Viber chia sẻ cách các thương hiệu tận dụng ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội hiện nay, cũng như khám phá những cơ hội chưa được khai thác có thể giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Trong kỷ nguyên truyền thông mạng xã hội bùng nổ, các hoạt động của khách hàng gắn kết chặt chẽ với không gian số, vì vậy chiến lược tiếp thị truyền thống tỏ ra không còn hiệu quả. Tiến sĩ Đinh Lê Đạt, đồng sáng lập & CEO Vietnam MarTech sẽ trình bày việc sử dụng dữ liệu Theo dấu chân khách hàng để tiếp thị hiệu quả cũng như cách AI đang thay đổi hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu.
Việt Nam kỳ vọng có các sản phẩm và thương hiệu made in Vietnam thành công và khẳng định chỗ đứng ở tầm châu lục. Rất nhiều nỗ lực đang được các doanh nghiệp, nghệ sĩ thực hiện để đạt được mục tiêu này. Trong bài trình bày chủ đề Mang Việt Nam ra thế giới, nghệ sĩ Chi Pu chia sẻ về hành trình nỗ lực vươn ra thế giới.
Trong phiên thảo luận Chiến lược thương hiệu hay đuổi bắt xu hướng với các diễn giả: ông Hoàng Tiến Giao – phó giám đốc điều hành T&A Ogilvy Việt Nam; ông Nguyễn Kỳ Thanh – giám đốc Marketing OneMount & giám đốc Thương hiệu Techcombank; ông Bùi Tường An – giám đốc tiếp thị Kinh doanh TikTok Việt Nam và bà Phan Bích Tâm – giám đốc quốc gia MMA Việt Nam điều phối thảo luận, sẽ chia sẻ các quan điểm về việc chạy theo xu hướng ngắn hạn hay trung thành với con đường phát triển thương hiệu cách lâu dài.
Trong khuôn khổ Hội nghị là Lễ vinh danh 25 thương hiệu công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cá nhân và công nghiệp 2023 do Forbes Việt Nam bình chọn. Đây là năm thứ tám liên tiếp Forbes Việt Nam lập danh sách thương hiệu và năm thứ ba tính toán thương hiệu công ty theo lĩnh vực.
Danh sách 25 thương hiệu giá trị nhất và hội nghị thương hiệu tổ chức ngày hôm nay nằm trong sứ mạng hoạt động của Forbes Việt Nam từ năm 2013 đến nay: Thúc đẩy sự lớn mạnh của các công ty và thương hiệu Việt Nam.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-viet-nam-khai-mac-hoi-nghi-thuong-hieu-2023-tu-sang-tao-den-truong-ton)
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 116: Thế hệ lãnh đạo kế tiếp10 tháng trước
Forbes Việt Nam số 125 & 126: Cơ hội mới, vận hội mới1 năm trước
Thành tựu đột phá hay thành công tích lũy?