Tiêu điểm

Doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo dự đoán hai mảng mang đến cơ hội lớn

Các doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhìn thấy cơ hội lớn có thể khai thác trong thời gian tới, đến từ nhu cầu gia tăng với điện mặt trời tự tiêu thụ và điện gió ngoài khơi.

Share
this:

“Ở góc độ chính sách, tôi tin rằng cơ hội sắp tới cho điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ là vô cùng lớn. Rất nhiều nhà máy đang sản xuất trong các khu công nghiệp chưa lắp đặt hệ thống điện mái nhà,” ông Phạm Đăng An, phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group nhận định tại phiên thảo luận “Kinh nghiệm từ nhà đầu tư tiên phong”, trong khuôn khổ Hội nghị Năng lượng tái tạo 2023.

Tham gia đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo 14 năm trước, Vũ Phong là công ty đã thực hiện hơn 100 dự án điện mặt trời trang trại và áp mái. Lý do khiến công ty này hiện chỉ tập trung vào điện áp mái đến từ quan sát thị trường giai đoạn tăng trưởng nóng hồi năm 2019.

Vũ Phong nhìn lại thị trường và nhìn thấy rủi ro từ hệ thống lưới truyền tải có thể không đáp ứng, nên từ bốn năm trước, công ty này chỉ tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo cho các nhà máy sản xuất.

Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận “Kinh nghiệm từ nhà đầu tư tiên phong”. Từ trái sang: ông Đặng Quốc Toản, ông Hà Đăng Sơn, ông Supa Waisayarat, ông Phạm Đăng An và bà Nguyễn Thanh Vân. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Theo hợp tác mua bán điện (PPA) này, Vũ Phong cùng các đối tác ở vai trò nhà đầu tư, lắp đặt hệ thống lên mái các nhà máy và đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất trong vận hành, khai thác từ 15-20 năm.

“Các nhà máy không cần bỏ vốn đầu tư ban đầu mà toàn bộ được đầu tư bởi Vũ Phong và đối tác, sử dụng năng lượng sạch với giá rẻ hơn mua từ EVN, có thể làm các chứng chỉ carbon liên quan,” ông An nói và nhận định, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất có thể giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Trước sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong nước vào năng lượng mặt trời như Vũ Phong, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như UPC Renewables phải dành nhiều thời gian hơn để lựa chọn lĩnh vực rót vốn.

Là doanh nghiệp có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió trên thế giới, đội ngũ UPC Renewables mất khoảng một năm để tìm hiểu thị trường Việt Nam trước khi quyết định đầu tư.

Nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ này nhận thấy lĩnh vực điện mặt trời đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp nội địa và tạo nên sức cạnh tranh lớn. Vì vậy với lợi thế hiểu biết về công nghệ điện gió hơn nên đến nay, họ vẫn chỉ tập trung vào mảng điện gió tại Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 5.2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. Không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.

Đồng thời, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km, tốc độ gió trung bình 7 m/s, tại nhiều khu vực phía Nam bức xạ mặt trời cao trung bình đạt 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm thích hợp phát triển phong điện và quang điện.

Theo ông Supa Waisayarat, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Super Energy, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên đây là lĩnh vực đầu tư không chỉ cần vốn lớn mà còn đòi hỏi kỹ năng quản trị, kinh nghiệm vận hành cũng như sự am hiểu về kỹ thuật cao.

Khi đầu tư vào bất kỳ ngành nghề nào, đặc biệt trong điện gió, vốn là một vấn đề thường được nhắc đến. Nhưng theo ông Đặng Quốc Toản, tổng giám đốc công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á (Asia Petroleum Energy), yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của ngành là chính sách.

Đây cũng là yếu tố khiến phát sinh các vấn đề khúc mắc trong ngành năng lượng tái tạo thời gian vừa qua.

“Việt Nam là tâm điểm của châu Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với điện gió ngoài khơi. Chúng ta cần một cơ chế để các doanh nghiệp trên thế giới đến đầu tư, tin tưởng. Các quỹ trên toàn thế giới đã tìm đến Việt Nam và chúng ta phải tìm cách làm sao để tạo ra ngành công nghiệp mới, một ngành công nghiệp mà theo tôi là lớn hơn hoặc bằng với ngành công nghiệp dầu khí,” ông Đặng Quốc Toản kỳ vọng.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật và Xây dựng, UPC Renewables Việt Nam, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sớm ban hành một số quy định thông thoáng hơn như cơ chế dành cho việc áp dụng loại hợp đồng DPPA để doanh nghiệp đầu tư có thể làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, khách hàng cuối sử dụng điện (mặc dù đã được nhắc tới trong Quy hoạch Điện VIII).

Ngoài ra, để thị trường phát triển và nâng cao tính cạnh tranh, các doanh nghiệp như UPC Renewables Việt Nam kì vọng hệ thống thương mại về điện, cơ chế ưu đãi về tài chính, lãi suất sẽ được hình thành.

“Để đầu tư, việc huy động vốn từ nước ngoài khiến chúng tôi phải đối mặt rủi ro về biến đổi tỉ giá. Yếu tố này có thể kéo giảm lợi nhuận từ 2-3%,” bà Nguyễn Thanh Vân nói.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-tien-phong-dau-tu-vao-nang-luong-tai-tao-du-doan-hai-mang-mang-den-co-hoi-lon)