Chúng ta phải hiểu rõ rằng nền kinh tế trước năm 2020 sẽ không quay trở lại. Nếu muốn dấn thân và mạo hiểm để đạt kết quả rực rỡ trong kỷ nguyên mới thú vị phía trước, chúng ta phải tìm đường đến đó.
Hội nghị CEO toàn cầu thường niên của Forbes vào ngày 11 và 12.9.2023 tại Singapore có chủ đề “Biến động.” Gió đang thổi, sóng đang dâng cao. Kể từ khi đại dịch COVID xảy ra, trạng thái “thuận buồm xuôi gió” trở thành một điều xa xỉ hiếm có. Bão tố xuất hiện khắp nơi.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị phải điều hướng thế giới khác xa so với bốn năm trước. Hồi đó, tình hình toàn cầu hóa phát triển theo một hướng – tiến về phía trước! Không có đại dịch. Không có chiến tranh trên đất liền ở Trung Âu.
Chúng ta phải hiểu rõ rằng nền kinh tế trước năm 2020 sẽ không quay trở lại. Chỉ xem xét và chờ đợi những gì sẽ xảy ra tiếp theo không phải là lựa chọn. Nếu muốn dấn thân và mạo hiểm để đạt kết quả rực rỡ trong kỷ nguyên mới thú vị phía trước, chúng ta phải tìm đường đến đó.
Trên hành trình này, chúng ta sẽ chứng kiến những cải tiến thay đổi cuộc sống trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông, nhà ở, năng lượng và nếu làm tốt, chúng ta sẽ có khả năng tiếp cận vốn và cơ hội rộng lớn hơn.
Trái lại, nếu điều hướng kém, chúng ta sẽ có những kết quả không mong muốn: Kinh tế trì trệ, bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị và chiến tranh đều gia tăng. Sẽ xuất hiện nhiều bất ổn về năng lượng và khí hậu hơn, thậm chí nhiều hơn những gì chúng ta có hiện nay. Và tệ hơn nữa là những rào cản hủy hoại các cơ hội và hi vọng của cuộc sống.
Không ai trong chúng ta muốn lèo lái các công ty, quốc gia và khoản đầu tư của mình đến chỗ nguy hiểm, trì trệ và mất mát. Tuy nhiên, một số người trong chúng ta sẽ đi đến kết quả đó vì đọc sai các tín hiệu.
Chúng ta sẽ chọn những trận đấu mà lẽ ra không cần thiết. Chúng ta sẽ đánh giá thấp công nghệ mới hoặc đối thủ cạnh tranh. Chính thành công của chúng ta sẽ tạo ra sự ngạo mạn.
Ở thung lũng Silicon nơi tôi sống, một trong những ngân hàng tốt nhất của chúng tôi, với thành tích 40 năm phục vụ các ngành công nghiệp tăng trưởng cao, đã đặt cược sai vào lãi suất. Silicon Valley Bank (SVB) đã bị phá sản và thất bại hoàn toàn. Đó là cái chết bất ngờ và gây sốc.
Hiện tại, vô số CEO trên khắp thế giới đang đặt cược sai lầm hoặc không hề đặt cược, vào trí tuệ nhân tạo, năng lượng thay thế, tiền kỹ thuật số, đối tác thương mại mới và chuỗi cung ứng… Trong thời kỳ biến động hải vực trên toàn cầu, chúng ta rất dễ lạc lối. Vài quyết định sai lầm có thể hủy hoại chúng ta.
Chúng ta đều biết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ đóng một vai trò to lớn trong việc định hình nền kinh tế và thị trường giai đoạn năm 2024–2025. Tôi không thích điều này.
Có lẽ bạn cũng không. Sẽ vui hơn khi thị trường giữ vị thế thống trị và vai trò của các ngân hàng trung ương trở nên lặng lẽ hơn, giống như đồ nội thất và hầu như không ai để ý đến. Khi đó, chúng ta có thể nói về các đòn bẩy tăng trưởng thú vị: công nghệ mới, các doanh nhân dũng cảm và thị trường tiêu dùng đang bùng nổ.
Tôi thích mối quan hệ Mỹ – Trung thiên về hướng cạnh tranh nhằm tạo ra sự phong phú cho tất cả mọi người hơn là ganh đua nhau vì sự khan hiếm.
Nhưng trường hợp sụp đổ đáng sợ liên quan đến lãi suất của SVB khiến chúng ta không thể không chú ý. Khi nào các ngân hàng trung ương sẽ ngừng tăng lãi suất? Mức lãi suất phù hợp là bao nhiêu? Như một số người tranh luận, liệu có tồn tại “lãi suất tự nhiên” (được các học giả gọi là R*, hay R-Star) không? Hay đó chỉ là một lý thuyết học thuật?
Những người ủng hộ R* cho rằng lãi suất ngân hàng trung ương tối ưu phải được tính bằng lạm phát cơ bản + R* (hiện ở mức 0,6% và đã giảm trong nhiều thập niên qua, là kết quả của hiệu quả công nghệ và thương mại toàn cầu). Những người hoài nghi cho rằng R* ở mức 0,6% là thấp giả tạo.
Họ dẫn chứng, trong lịch sử đã từng xuất hiện mức lãi suất ổn định gần với lạm phát cơ bản + 2%. Lãi suất cao hơn cũng có những lợi ích. Chúng làm giảm rủi ro cho vay và biến động hệ thống của ngân hàng. Nhưng chúng cũng làm nền kinh tế chậm lại và tăng tỉ lệ thất nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn. Về lâu dài, có khả năng lãi suất cao hơn một chút sẽ dẫn đến việc phân bổ vốn thông minh hơn.
Lạm phát cơ bản +2% từng được coi là cách hiệu quả để đạt được sự cân bằng giữa giá cả ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sau khi thế giới chấm dứt chế độ bản vị vàng vào năm 1971. Tuy nhiên, mức lãi suất này đòi hỏi sự kiên nhẫn hơn.
Ngày nay, những người đề cao chủ nghĩa dân túy và mạng xã hội đều không có tính kiên nhẫn. Họ không thể chịu đựng được tình trạng thất nghiệp cao và giá cổ phiếu tệ hại trong thời gian dài. Những người này luôn ủng hộ lãi suất ngắn hạn và thấp hơn.
Những người theo chủ nghĩa dân túy đều là người hâm mộ nhiệt tình của lý thuyết R*, dù họ có ý thức được điều đó hay không. Hiện giờ, thế giới đang đi theo hướng dân túy. Hãy vạch kế hoạch cho phù hợp.
————————————–
Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes. Là tác giả & nhà tương lai học, ông đã xuất bản một số cuốn sách, mới nhất là cuốn Late Bloomers, khám phá đột phá về ý nghĩa của việc trở thành tài năng nở muộn trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi điểm SAT và thành công sớm. Truy cập: www.forbes.com/sites/richkarlgaard
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/do-duong-den-ky-nguyen-moi)
3 năm trước
Một loại virus khác: Tin tặc2 năm trước
Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong bối cảnh mới