Thành công trong việc khai phá thị trường giao nhận đồ ăn với Foody, Đặng Hoàng Minh tiếp tục khởi nghiệp với Cooky, kỳ vọng vào một mô hình kinh doanh mới.
Năm 2017, thương vụ tập đoàn Sea Limited (Singapore) mua lại 82% cổ phần Foody, startup giao nhận đồ ăn được định giá 150 triệu đô la Mỹ sau năm năm hoạt động, được truyền thông trong nước mô tả bằng hai từ “rúng động”. Mức giá được đánh giá là “cao không tưởng.”
Tuy nhiên, Đặng Hoàng Minh, người sáng lập Foody đã giữ im lặng hoàn toàn về việc này suốt nhiều năm liền. Với phong cách dân dã, trầm tĩnh, Minh nói với Forbes Việt Nam: “Thật ra, tôi không nuối tiếc gì, có thể nói là vui khi có một bên mua vừa có tham vọng, vừa có nhiều nguồn lực hơn để phát triển Foody thêm nữa.”
Trong vòng mười năm qua, lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đã tiến một bước dài, từ sơ khai cho đến việc định hình dần dần một hệ sinh thái. Dù vậy, quãng thời gian đó vẫn là ngắn ngủi, chỉ đủ cho vài nhà khởi nghiệp có thể dẫn dắt startup của mình mở rộng kinh doanh thuận lợi, hoặc có thể thoái vốn trong một thương vụ M&A với giá trị cao. Đặng Hoàng Minh với Foody là một trường hợp hiếm hoi trong số đó.
Ở thời điểm thoái vốn, nền tảng của Minh với dịch vụ đánh giá nhà hàng Foody và dịch vụ vận chuyển thực phẩm (food delivery) Now ở vị thế dẫn đầu thị trường trong nước, với khoảng 220.000 đơn hàng/ngày. Sau khi Sea Ltd. (tiền thân là Garena) đầu tư vào Foody, Minh vẫn giữ vai trò cố vấn, hỗ trợ hoạt động của Shopee Food cho đến hiện tại.
Sau thương vụ, Foody cùng Now được nhà đầu tư sáp nhập thành Shopee Food trực thuộc Shopee Việt Nam, nhánh thương mại điện tử của Sea, cùng với Grab Food so kè quyết liệt từng phần trăm thị phần. Về phần mình, Đặng Hoàng Minh cùng đội ngũ được cộng đồng ghi nhận công lao khai phá thị trường vận chuyển thực phẩm (food delivery) cùng sự ngưỡng mộ về thành công tài chính, với những thông tin từ Dealstreet Asia (Singapore) cho thấy họ đã thu về tới 64 triệu đô la Mỹ trong thương vụ kể trên.
Đặng Hoàng Minh sinh năm 1984 ở Nam Định, lớn lên ở Vũng Tàu và học Kỹ sư phần mềm và công nghệ thông tin tại Úc. Khi đang học, gia đình Minh phá sản, phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải. Anh về nước năm 2007, lập nghiệp với website Vnnhahang.vn chuyên đánh giá địa điểm ẩm thực. Dự án đóng cửa sau hơn ba năm do lượng truy cập quá thấp.
Năm 2012, anh thành lập địa chỉ đặt đồ ăn Oderfood.vn, được Nhommua.com mua lại (Nhommua ngưng hoạt động cuối năm 2012 và sáp nhập vào Cungmua năm 2013). Sau hai lần khởi nghiệp, Đặng Hoàng Minh kết hợp cả hai ý tưởng để thực hiện dự án tiếp theo và thành công, được biết đến với tên gọi Foody.
Sau nhiều năm không tiếp xúc với truyền thông, thời gian gần đây Minh bất ngờ cởi mở. Người ta lại biết đến anh với vai trò dẫn dắt những dự án khởi nghiệp mới: dịch vụ giao thực phẩm tươi hoặc chế biến sẵn Cooky, một chuỗi cửa hàng cà phê arabica GAM Café, dự án du lịch nghỉ dưỡng Avocado Retreat ven hồ Trị An, Đồng Nai và nền tảng thông tin dịch vụ về xe hơi myCar. Trong đó, dự án lớn nhất là Cooky vẫn xoay quanh mảng giao nhận thực phẩm, là phần xuyên suốt sự nghiệp của Minh tính đến hiện tại.
“Tôi vẫn luôn mở thêm các mảng kinh doanh mới cho mình và các anh em, nhưng không muốn nói quá nhiều về việc mình làm mà muốn chứng minh bản thân bằng sản phẩm và dịch vụ mang đến cho thị trường. Nói nhiều quá, xuất hiện nhiều quá thì dễ gặp thất bại, bị hạn chế và cũng ảnh hưởng đến những người đi cùng,” Minh lý giải.
Thị trường đầu tư mạo hiểm đang bước vào thời kỳ ngủ đông, các nhà đầu tư chủ yếu vẫn thận trọng quan sát, tìm các dự án, sản phẩm tốt, bền vững. Minh, trong vai trò đồng sáng lập và CEO Cooky, xuất hiện ở thời điểm hiện nay nhiều hơn khi muốn công chúng biết nhiều hơn về các dự án đang triển khai. Cooky có hai mảng, giao nhận đồ tươi (fresh delivery) và thực phẩm sơ chế sẵn (ready-to-cook). Trong đó, mảng thực phẩm sơ chế là chủ đạo. Cooky tập trung vào thị trường ngách hơn so với Foody và lấn nhiều sang mảng sản xuất và bán lẻ thực phẩm.
Cooky có nguồn tài chính khoảng 5 triệu đô la sau hai vòng gọi vốn. Các nhà đầu tư gồm quỹ nội địa Do Ventures và quỹ Hàn Quốc Nextrans góp khoảng 4 triệu đô la, phần còn lại thuộc Đặng Hoàng Minh và các cộng sự cũ từ thời còn làm ở Foody. Trong đó có Nguyễn Lương Minh Vương hay Vương Nguyễn đồng sáng lập Cooky. Vương là chuyên gia xây dựng cộng đồng trực tuyến, đã tham gia xây dựng nên nền tảng đánh giá nhà hàng Foody trước đây. Sau khi rời Foody, Vương mất hai năm để tạo blog chia sẻ về món ăn và công thức nấu ăn.
Khi đã xây dựng được 30.000 công thức, nền tảng Cooky được coi là một nền tảng mạng xã hội, thời điểm đó đứng thứ ba trong mảng công thức nấu ăn với khoảng một triệu lượt truy cập. Minh cho biết làm mạng xã hội thì không thể kiếm được tiền khi doanh thu từ quảng cáo rất thấp.
Mục đích Cooky ban đầu là xây dựng cộng đồng và tận dụng dữ liệu người dùng để xây dựng dịch vụ thương mại điện tử, như đã từng làm với blog đánh giá nhà hàng Foody trước đây. Nhưng Minh và đội ngũ nhận ra cách làm cũ không dễ dàng áp dụng một cách đơn thuần vào mảng mới. Chưa biết sẽ làm gì với Cooky, họ buộc phải thử và sai nhiều lần.
Ban đầu, Cooky thiên về giao nhận đồ tươi sống, tức đi chợ thay người dùng, kết nối siêu thị với người mua, cạnh tranh với GrabMart, Shopee Market hay TikiNgon. Tuy nhiên, ý tưởng thất bại vì xung đột lợi ích: người mua luôn muốn chọn đồ tươi, ngon nhất (và hiếm khi hài lòng nếu nhận đồ người khác chọn cho mình), trong khi siêu thị chọn cả đồ mới lẫn đồ cũ để đẩy hàng tồn nhanh hơn. Bên cạnh đó, siêu thị có rất nhiều hàng hóa lưu kho, số lượng và giá cả cũng thay đổi liên tục, tạo áp lực lớn về công nghệ kết nối, đồng bộ và thể hiện dữ liệu.
“Đội ngũ quan sát thấy cả các bên khác có nguồn lực mạnh hơn cũng không thể xây dựng được hệ thống, cuối cùng quyết định hướng đi này không khả thi,” Minh kể. Anh chuyển hướng kết hợp thêm mảng bán lẻ thực phẩm, xây dựng gian hàng Cooky Market, chế biến và bán thực phẩm tươi sống chủ yếu qua kênh trực tuyến tại đường Tú Xương (quận 3) với diện tích 300m2.
Hoàn toàn không có kinh nghiệm trong mảng bán lẻ thực phẩm, Cooky Market mày mò xây dựng đội ngũ và triển khai giao hàng với chỉ 4–5 tài xế. Những đợt giãn cách xã hội trong đại dịch làm đơn hàng tăng đột biến nhưng chi phí cũng tăng trong khi năng lực giao hàng bị hạn chế. Khi hoạt động xã hội trở lại bình thường, đơn hàng lập tức sụt giảm, mức lỗ tăng cao, buộc Minh và cộng sự phải tính toán một mô hình khác.
Minh kể, những phép thử đúng sai gây lỗ đến khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Cooky quyết định quay lại mục tiêu nguyên bản, đó là mang lại sự tiện lợi cho những người dùng thành thị muốn nấu ăn nhưng cuộc sống hiện đại, bận rộn và bị chi phối bởi công nghệ.
Để cạnh tranh với nhiều siêu thị cung cấp thực phẩm chế biến sẵn, giá rẻ, số lượng và chủng loại đa dạng, Cooky tạo ra dịch vụ món ăn chế biến sẵn với khoảng 1.000 món. Dù số lượng nhiều nhưng chỉ sử dụng khoảng 150 nguyên liệu chính. Thay vì sơ chế và đóng gói chung thành từng món hoàn chỉnh, Cooky chia nguyên liệu làm món ra ba nhóm dựa theo cách thức bảo quản rồi trữ riêng: nhóm thịt cá cần trữ đông hoặc trữ lạnh; nhóm trữ mát như rau, củ, quả; và các loại nước sốt pha chế sẵn.
Việc bảo quản riêng rẽ giúp giữ được sản phẩm tươi, thành phẩm sạch hơn và chất lượng giữ được lâu hơn. Họ cũng chọn các thành phần nguyên liệu có thể thay thế trong một món ăn hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau nhất có thể. Với việc hiện tại người dùng thắt chặt chi tiêu, Cooky phải cắt giảm số món, giảm dần những nguyên liệu tương đối đắt đỏ như cá tuyết, bò Wagyu…
Theo thông tin tự công bố, nền tảng Cooky hiện có khoảng 600-700 đơn hàng mỗi ngày. Để tiếp tục mở rộng, Minh dự định giới thiệu các món ăn Hàn Quốc và các món Âu, vừa phù hợp với thị hiếu người trẻ, vừa dễ làm, dễ bảo quản. Khu vực sơ chế và kho hàng cũng được dời từ TP.HCM về Đồng Nai để giảm chi phí mặt bằng và gần vùng nguyên liệu. Cooky cũng tập trung hơn vào mảng chế biến, bán lẻ vốn không đòi hỏi xây dựng đội ngũ công nghệ đông đảo để phủ rộng, tăng trưởng nóng như giao thực phẩm.
“Mô hình vừa sản xuất bán lẻ như thế này giúp kiểm soát tốt hơn và tối ưu vận hành, nhờ vậy Cooky khác với Foody, sẽ sớm hòa vốn và có lời, dù mức lời có thể rất mỏng” Minh nói về hành trình hiện tại.
Hiện tại, cuộc đua vận chuyển thực phẩm trên thị trường với số đơn hàng tại Shopee Food hay Grab Food đã lên đến hơn 300.000 mỗi ngày. Các đơn vị này vẫn đang kỳ vọng sớm hòa vốn trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu đang giảm. Trong khi đó, cái tên đến sau là Baemin lỗ khoảng 3.500 tỉ đồng trong ba năm đầu tiên vào Việt Nam để đổi lấy 12% thị phần, theo số liệu từ Statista.
Đặng Hoàng Minh cho rằng mảng Cooky đang hoạt động có thể không phải đốt nhiều tiền, có thể sớm đạt điểm hòa vốn, nhưng là thị trường ngách và sơ khai. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ lĩnh vực vận chuyển thực phẩm khiến anh vững tin về lần đi khai phá thị trường mới này.
“Đi tiên phong là khó khăn nhưng rất đáng, vì một khi đã quét gần hết tập người dùng thì rất khó mất thị phần vào tay những người đến sau,” Minh nói, “tôi tự tin mô hình Cooky có nhiều tiềm năng phát triển bền vững.”
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cuu-sang-lap-foody-tiep-tuc-khoi-nghiep-giao-nhan-thuc-pham)
2 năm trước
Quỹ đầu tư mạo hiểm Lightspeed mở rộng ở châu Âu2 năm trước
6 startup Việt Nam tham gia ScaleUp 2022