Công nghệ

Công ty khởi nghiệp Singapore muốn phóng vệ tinh mật mã lượng tử lên không gian

1 tháng trước
Nguồn: Nikkei Asia

Thời gian gần đây, nhiều công ty nghiên cứu không gian của Singapore đẩy mạnh sự hiện diện toàn cầu, ví dụ thông qua phát triển công nghệ lượng tử và bán dẫn cho vệ tinh, tận dụng sự hỗ trợ từ Chính phủ và năng lực nghiên cứu của những trường đại học đẳng cấp thế giới.

Share
this:

Công ty SpeQtral của Singapore dự kiến phóng vệ tinh với công nghệ mật mã lượng tử vào năm 2025, biến đảo sư tử trở thành nơi thứ 2 sau Trung Quốc ứng dụng công nghệ trên. Mục đích nhằm chuyển thông tin bảo mật như tài chính và nhiều loại số liệu mã hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác, không cần đi qua điểm trung gian.

Một mô hình vệ tinh mật mã lượng tử – Ảnh: Nikkei Asia

SpeQtral thành lập năm 2017, bởi các nhà nghiên cứu từ trung tâm công nghệ lượng tử tại đại học quốc gia Singapore (NUS), đã thu hút sự chú ý của giới chuyên gia nhờ công nghệ mã hóa lượng tử của mình.

Ông Robert Bedington, giám đốc công nghệ của SpeQtral cho biết, Singapore đang đi trước một bước so với phần còn lại của thế giới về công nghệ lượng tử. SpeQtral hiện hợp tác với tập đoàn công nghệ Nhật Bản Toshiba, để phát triển mạng lưới khách hàng gồm cơ quan Chính phủ lẫn doanh nghiệp.

Khoa học vũ trụ là lĩnh vực được nghiên cứu rất mạnh tại các trường của Singapore, như NUS hoặc đại học công nghệ Nanyang (NTU) – 2 trường nằm trong top 10 thế giới.

Chuyên gia Lim Wee Seng từ trung tâm nghiên cứu vệ tinh trực thuộc NTU cho biết, tổ chức của ông liên tục suy nghĩ, làm sao các công trình có thể ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.

Ông Jonathan Hung, giám đốc điều hành Văn phòng phụ trách công nghệ và công nghiệp không gian của Chính phủ Singapore thông tin, hiện có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực không gian. Họ đều rất trẻ. Họ có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, điện tử, kỹ thuật chính xác, thông tin liên lạc hoặc viễn thông. Tất cả đều có thể ứng dụng trong nghiên cứu không gian.

Chính phủ Singapore vừa tung ra gói hỗ trợ 111 triệu USD cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ tư nhân, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái liên quan đến nghiên cứu không gian cũng như thu hút nhân tài STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, số lượng công ty nghiên cứu về không gian ở Singapore lên tới gần 70.

Singapore có lịch sử lâu đời trong lĩnh vực sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, xử lý khoảng 10% công việc toàn thế giới. Trong lĩnh vực không gian, Chính phủ muốn đạt vị thế tương tự. Năm 2023, sản phẩm liên quan đến không gian của Singapore có giá trị 15,3 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2013.

Ví dụ Addvalue Technologies phát triển thiết bị giúp giao tiếp với vệ tinh từ mặt đất trong mọi lúc mà không gián đoạn. Khách hàng hiện gồm nhà điều hành vệ tinh Hoa Kỳ Capella Space và công ty sản xuất vệ tinh iQPS của Nhật Bản. Thiết bị của Addvalue đã được phóng lên trên 22 vệ tinh, dự kiến có thêm 22 vệ tinh nữa trong tương lai.

Zero-Error Systems được thành lập năm 2019 bởi một sinh viên vừa tốt nghiệp NTU, chuyên thiết kế và sản xuất chip có khả năng chống lại bức xạ trong không gian. Chúng giúp kéo dài tuổi thọ của những vệ tinh nhỏ từ 3 lên 9 năm. Chip này cũng được sử dụng trong robot tại các lò phản ứng hạt nhân.

Quỹ Airbus Ventures của nhà sản xuất máy bay Airbus từ châu Âu, đã đầu tư vào công ty. Zero-Error Systems đang hướng đến thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản. CEO Rajan Rajgopal khẳng định, sản phẩm của họ có thể bán trên toàn cầu.

Theo McKinsey & Co, thị trường thiết bị liên quan đến không gian toàn cầu, có thể đạt 1,8 nghìn tỷ USD năm 2035, cao gấp 3 lần năm 2023.

Tuy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng căng thẳng chính trị giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây có thể đe dọa nhiều hợp tác.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Nga và Trung Quốc. Các công ty Singapore không bị ràng buộc bởi lệnh cấm, nhưng họ có thể phải chủ động giảm giao dịch với Nga và Trung Quốc, để thuận lợi hơn trong làm ăn với đối tác từ châu Âu và Hoa Kỳ.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cong-ty-khoi-nghiep-singapore-muon-phong-ve-tinh-mat-ma-luong-tu-len-khong-gian)