Synopsys – công ty số một thế giới về mảng công cụ hỗ trợ ngành bán dẫn đang ươm tạo lãnh địa tiềm năng tại Việt Nam.
“Khi mọi người đổ xô đi đào vàng, hãy đi bán xẻng.” Đây là lời khuyên nổi tiếng về nghệ thuật làm giàu, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong lịch sử: cơn sốt vàng tại Hoa Kỳ. Vào năm 1890, một nhà buôn nhỏ từng kiếm khoản lời lớn khi bán cuốc và xẻng cho người đào vàng ở thung lũng Sacramento, California. Cướp bóc, bạo lực, thất vọng, phá sản, trắng tay… phần lớn thợ mỏ dần rời đi, cuối cùng chỉ nhà buôn này thực sự giàu có nhờ thức thời và trở thành một đại tư bản miền Tây nước Mỹ.
Châm ngôn trên dĩ nhiên không phải chén thánh trong đầu tư. Nhưng thường đúng trong nhiều trường hợp vì vẫn dựa vào những nguyên lý cung cầu, tầm quan trọng của thị trường ngách và ưu thế của người nắm bắt được cơ hội từ đó. Ngành bán dẫn cũng vậy.
Nhắc đến bán dẫn, mối quan tâm của công chúng thường dành nhiều cho những cái tên quen thuộc với thị trường người dùng đầu cuối, như Nvidia, AMD, Intel, TSMC, Samsung hay Qualcomm… Nói một cách ví von, đó là những tay đào “thứ dữ”, trong một “cơn sốt vàng” bán dẫn khốc liệt, và người ta thường ít chú ý tới những nhà buôn “cuốc xẻng” hay nói chính xác hơn là những nhà cung cấp công cụ hỗ trợ tự động hóa thiết kế (EDA) và sở hữu trí tuệ (IP).
“Khắc chip là một quá trình tác động vật lý lên tấm bán dẫn (silicon wafer) mà không thể đảo ngược, vì vậy không thể để sai sót,” ông Trịnh Thanh Lâm, giám đốc kinh doanh của Synopsys, phụ trách thị trường Việt Nam, Pakistan và Bangladesh, nói với Forbes Việt Nam và cho biết thêm: “Chính vì thế vai trò của công cụ EDA, IP trong hỗ trợ thiết kế, mô phỏng hoạt động, gỡ lỗi và hoàn thiện sản xuất là vô cùng quan trọng.”
Trong mảnh đất cung cấp EDA và IP màu mỡ, ít biến động nhất chuỗi giá trị bán dẫn, Synopsys là người khổng lồ. Công ty liên tục dẫn đầu thị phần EDA trong gần chục năm qua, bên cạnh việc có chân trong tốp ba thị trường IP thế giới. Tại Việt Nam, Synopsys sau thời gian ngắn đã sở hữu đội ngũ nhân lực lớn thứ hai trong ngành (sau Renesas Việt Nam), là cái tên nổi bật về kết nối, hợp tác kinh doanh, đào tạo nhân lực, thúc đẩy nhận thức xã hội về ngành.
Thành lập năm 2016 và đẩy mạnh mở rộng từ cuối năm 2019, Synopsys Việt Nam hiện có 600 kỹ sư với bốn văn phòng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Dựa trên đà phát triển của thị trường bán dẫn trong nước, cùng kỳ vọng và quyết tâm của quốc gia, đội ngũ Việt Nam được tập đoàn định vị là một trong những đội ngũ trọng điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện tại hầu hết các công ty thiết kế trong ngành bán dẫn Việt đều là khách hàng của Synopsys. Về hình thức, Synopsys thường bán bản quyền công cụ trong 2-3 năm, tùy biến theo tính chất dự án của khách hàng. Sản phẩm IP sẽ được chi trả theo hình thức mua quyền thương mại (royalty) với cấu trúc tính phí phức tạp hơn. Ông Lâm cho biết, IP là sản phẩm mũi nhọn của đội ngũ Synopsys Việt Nam, với hơn 70% kỹ sư công ty đang thiết kế và bán các sản phẩm này ra thị trường toàn cầu.
Synopsys Việt Nam là nhà cung cấp bộ công cụ giúp tối ưu quá trình phát triển bộ xử lý chuyên dụng cho chip 5G của Viettel đã công bố nghiên cứu và phát triển thành công hồi năm 2023. Cùng trong năm này, công ty tiếp tục gây tiếng vang khi bán thành công một IP do nhóm nhân sự người Việt thiết kế cho Intel sử dụng trong sản phẩm chip nhiều khuôn Multidie 3nm. Con chip này được CEO Intel mang ra trình diễn tại hội nghị Intel Innovation 2023, với lời giới thiệu là “giải pháp tiên tiến nhất” của hãng và của thế giới. Đây là một bước tiến ý nghĩa với đội ngũ mới mở rộng đến năm thứ năm.
Công ty cũng là nhà cung cấp EDA đầu tiên có mặt tại Việt Nam, liên tục xuất hiện trên truyền thông, hoạt động năng nổ với những chương trình hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn. Synopsys ký kết các hợp tác, gồm việc tài trợ bản quyền các gói công cụ EDA phục vụ đào tạo sinh viên, cho các đối tác như khu công nghệ cao TP.HCM, các đơn vị trực thuộc bộ Thông tin Truyền thông, bộ Kế hoạch Đầu tư và các trường đại học trong nước.
“Tổng giá trị của các bản quyền EDA có thể lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ,” ông Trịnh Thanh Lâm cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp giáo trình dạy học, hỗ trợ đào tạo giảng viên cho các trung tâm ươm tạo tài năng thiết kế chip, với nhiều đơn vị dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần”.
Với kinh nghiệm gần 30 năm quản lý hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của những tên tuổi như Intel, Microsoft, HP và nay là Synopsys, ông Lâm đánh giá cơ hội của ngành bán dẫn non trẻ trong nước “sáng nhất” ở mảng cung cấp nguồn nhân lực.
“Ngành bán dẫn cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, dù có đổ tiền đầu tư cũng chưa chắc chúng ta đã thành công ở các mảng khác,” ông Lâm nói, “Thật may thay, Việt Nam đã kịp có nền tảng với hơn 5.000 kỹ sư, đã tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghệ bán dẫn.”
Theo kinh nghiệm và quan sát của ông, số lượng kỹ sư bán dẫn Việt Nam trong tốp ba khu vực Đông Nam Á nhưng dẫn đầu về chất lượng. Là người cổ vũ nhiệt thành cho tầm nhìn phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, ông bày tỏ mình đủ lòng tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đào tạo 50 ngàn kỹ sư vi mạch bán dẫn vào năm 2030.
Sự phát triển của khối 50 ngàn “tay đào vàng” này cũng sẽ gắn liền với việc Synopsys giới thiệu được những “chiếc cuốc” “chiếc xẻng” tân tiến, phổ biến nhất trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Những tài năng tin học, khoa học Việt sẽ cần qua quá trình đào tạo lại (reskill) và cung cấp thêm kỹ năng mới (upskill). Trong đó sẽ không thể thiếu được việc làm quen với EDA và IP như một nguồn cung cấp công nghệ và dịch vụ thiết yếu cho công việc tương lai.
Trên thế giới, các nhà thiết kế chip và sản xuất chip gần như chỉ có thể lựa chọn một trong ba cái tên để mua bộ công cụ mô phỏng thiết kế EDA: Synopsys, Cadence và Siemens EDA (trước đây là Mentor Graphics). Tại Việt Nam, chỉ có Synopsys có đội ngũ nhân sự hỗ trợ hơn 600 kỹ sư.
Sự cần thiết phải cùng nhau tăng trưởng phát triển giữa nhà cung cấp EDA và năng lực ngành thiết kế bán dẫn là động lực tự nhiên thúc đẩy liên kết giữa Synopsys và các đối tác trong nước. Trong đó không thể thiếu kinh nghiệm và khả năng dẫn dắt, kết nối của ông Lâm trong mạng lưới quan hệ với chính phủ, ban ngành và các đơn vị đào tạo, như chính ông tự nhận.
Bên cạnh “nhà ngoại giao công nghệ” Trịnh Thanh Lâm, Synopsys Việt Nam còn thu nạp những nhân lực kỹ thuật tốt hàng đầu trong ngành. Khối kỹ thuật có nòng cốt là nhóm kỹ sư từ công ty eSilicon được Synopsys mua lại vào năm 2020. Nhân sự nhóm này tăng gấp ba lần chỉ sau ba năm, hiện được dẫn dắt bởi giám đốc kỹ thuật, trưởng văn phòng Đà Nẵng Nguyễn Bảo Anh và tập trung vào thiết kế IP.
Khác với công cụ mô phỏng thiết kế bán dẫn EDA, IP là các khối logic, khối bố cục thiết kế, có thể ví như những miếng ghép hình được làm sẵn từ trước mà các công ty thuần thiết kế như Marvell, Ampere, Renesas… sẽ mua về để ghép vào từng “bức tranh” riêng. Trong mảng “sản xuất” IP này, đội ngũ của Nguyễn Bảo Anh tại Synopsys Việt Nam là cái tên “nổi” nhất nước, khi là tác giả của IP được sử dụng trong con chip nhiều khuôn Intel Multidie 3nm đã nói ở trên. Thành công này đã chứng minh được năng lực của đội ngũ trong nước, qua đó gián tiếp thể hiện sự tin tưởng giao phó của tập đoàn mẹ.
Việc “ông lớn” Synopsys chủ động đẩy mạnh quy mô đội ngũ Việt Nam một phần đến từ cuộc cạnh tranh công nghệ, đỉnh nóng là cuộc chiến chip giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù nhu cầu EDA ở Trung Quốc tăng trưởng nóng, Synopsys không thể đi ngược với chính phủ Hoa Kỳ, vốn muốn hạn chế xuất khẩu các công cụ thiết kế tân tiến nhất sang đối thủ có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu công khai cho thấy nguồn thu từ thị trường Trung Quốc từng vọt tăng đến 60%, đóng góp trên dưới 20% doanh thu Synopsys trong năm 2022, trước khi giảm nhẹ về 15% năm 2023. Các công ty Mỹ hiện nắm hơn 90% thị phần EDA có trị giá gần 13 tỉ đô la Mỹ, củng cố thế độc quyền của Mỹ trong thị trường ngách này.
Không chỉ vậy, ngách EDA của ngành bán dẫn là miếng bánh ngon khi các công ty sẵn sàng xuống tiền mua vì “chi phí của lỗi sai luôn lớn hơn chi phí dành cho công cụ.” 20 năm qua, nhiều công ty thiết kế, sản xuất thấp thỏm, trồi sụt, thậm chí biến mất theo thị trường được gọi là “chu kỳ bán dẫn”, nhưng Synopsys vẫn tăng trưởng đều đặn, liên tục. Doanh thu năm 2023 gấp năm lần năm 2004, không năm nào chịu lỗ. Tương tự, đối thủ của họ, Cadence Design Systems, cũng có 14 năm liền “ăn nên làm ra.”
Từ năm 2015, hai cái tên này đã chiếm hơn 50% thị phần EDA thế giới và hiện đã trên mức 73%, trong đó 42% thị phần thuộc về Synopsys. Ở mảng kinh doanh chủ lực thứ hai, thị trường IP có doanh số khoảng bảy tỉ đô la Mỹ năm 2022, theo IPnest. Synopsys đứng thứ hai với gần 20% thị phần, thu về trên 1,5 tỉ đô la Mỹ năm 2023.
Bên cạnh việc hái ra tiền, hai mảng EDA và IP mà Synopsys đang dẫn đầu còn tạo được hàng rào bảo hộ vững chãi từ những bằng sáng chế gom góp hàng chục năm qua. Từng có một công ty startup đã phát triển một công cụ EDA có khả năng cạnh tranh với Synopsys chừng mười năm trước. Kết quả là startup này bị Synopsys kiện, phải bồi thường 30 triệu đô la Mỹ, cùng với lệnh cấm bán vĩnh viễn phát minh của mình. Lý do là vì họ đã ‘phát minh’ ra công cụ mà Synopsys đã nộp đơn bảo hộ từ trước, và số lượng sáng chế trong tay Synopsys sẽ ngày càng nhiều thêm.
2023 là một năm thành công nữa khi Synopsys thu về 5,84 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 21%. Đến đầu tháng 1.2024, Synopsys thông báo hoàn tất mua lại công ty EDA lớn thứ tư thế giới trong thương vụ trị giá đến 35 tỉ đô la Mỹ. Không chỉ trực tiếp đưa thị phần EDA vượt xa Cadence, Synopsys còn thông qua đó nắm được 70 sáng chế về mô phỏng vật lý, đặc biệt là mô phỏng các tác động về nhiệt trong sản xuất chip.
“Công nghệ mô phỏng nhiệt giúp Synopsys có thể mô phỏng quá trình sản xuất chip đến cả giai đoạn khắc, đóng gói và thậm chí lắp ráp vào hệ thống,” ông Trịnh Thanh Lâm lý giải một cách đầy tự hào.
Việc chi số tiền khổng lồ đã giúp Synopsys nắm ngôi “vua” về dải sản phẩm trong làng EDA thế giới, là ông trùm bán “cuốc xẻng” trong cơn sốt “vàng bán dẫn” ngày nay.
Trong hơn 20 ngàn nhân lực của tập đoàn mẹ, bộ phận Việt Nam với 600 người, là bước khởi đầu trong tiến trình dài hơi. Trong tương lai ngành vi mạch bán dẫn được chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quyết tâm thúc đẩy, không gian để sản phẩm Synopsys tích hợp sẽ ngày càng rộng rãi hơn.
Ngành bán dẫn Việt Nam đứng trước cơ hội khởi sắc sau hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa kỳ, ông Trịnh Thanh Lâm cũng không lo Synopsys bị phá thế độc quyền đối với thị trường nội địa trong ngắn hạn và trung hạn. Được biết, đối thủ số một của Synopsys chỉ vừa mới có mặt tại Việt Nam năm ngoái, với đội ngũ trên dưới 10 người, còn cần nhiều thời gian quy tụ và phát triển.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cau-chuyen-ong-vua-phu-tro-nganh-ban-dan-synopsys)
6 tháng trước
Siltronic đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn ở Singapore2 tháng trước
Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Những cơ hội mới2 tháng trước
Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức