Kỹ năng phát triển

Bốn lời khuyên giúp thay đổi nghề nghiệp thành công năm 2024

Bốn lời khuyên sau đây sẽ giúp người lao động thay đổi định hướng nghề nghiệp, công việc một cách liền mạch mà không có sự gián đoạn trong năm 2024.

Share
this:

Cuộc sống của chúng ta luôn có sự thay đổi, đặc biệt là trong công việc. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trung bình một người sẽ thay đổi công việc năm đến bảy lần trong sự nghiệp. Xấp xỉ 30% số người lao động sẽ nhảy việc sau 12 tháng. 

Khi thị trường việc làm liên tục thay đổi, nhảy việc, chuyển nghề không chỉ là sự lựa chọn mà còn là điều cần thiết để tìm kiếm những cơ hội mới.

Bất kể là từ mong muốn phát triển bản thân, thay đổi môi trường hay theo đuổi niềm đam mê riêng, khả năng chuyển đổi liền mạch, không có sự gián đoạn đã trở thành kỹ năng cần có đối với người lao động.

Thích nghi với những xu hướng mới

Đối với những người giữ vị trí lãnh đạo, thích nghi với những xu hướng mới trong lĩnh vực, ngành nghề đang tham gia là điều quan trọng để duy trì vai trò điều hành và không bị tụt lại phía sau. Việc thích nghi tốt sẽ giúp họ dự đoán sự thay đổi của thị trường, đưa ra những quyết định mang tính chiến lược.

Nắm bắt xu hướng mới sẽ hình thành tư duy tiên phong, thúc đẩy sự phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh. Hơn hết, điều này sẽ củng cố vị thế của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh biến động.

Thích nghi với xu hướng mới cũng đồng nghĩa với nắm bắt nhu cầu thị trường và hành vi người tiêu dùng. Hiểu rõ động lực thị trường và xu hướng toàn cầu sẽ giúp bạn chuẩn bị cho sự thay đổi, điều chỉnh kỹ năng hoặc chiến lược theo hướng phù hợp.

Nếu vẫn chưa chắc chắn bản thân muốn chuyển nghề nghiệp hay chỉ là sự thay đổi môi trường, hãy khởi đầu từ việc thể hiện khả năng linh hoạt với công việc hiện tại. Rời khỏi vùng an toàn, đón nhận dự án chưa từng thực hiện cũng như thử thách mới, cho thấy khả năng học hỏi nhanh chóng và kỹ năng mới. Có thể bạn sẽ tìm thấy vị trí khác phù hợp hơn trong chính công ty của mình.

Chủ động nâng cao kỹ năng

Trong một thị trường việc làm không ngừng phát triển, mọi người cần phải liên tục học hỏi và nâng cao kỹ năng của bản thân. Hãy xác định kỹ năng cần có ở ngành nghề mà bạn hướng tới, dành thời gian trau dồi hoặc nâng cao chúng. 

Các khóa học trực tuyến, chuỗi workshop hoặc sự kiện kết nối có thể là nguồn tài nguyên quý giá giúp bạn mở rộng bộ kỹ năng của mình. Bạn cũng nên ứng dụng công nghệ mới và nắm bắt xu hướng để có lợi thế cạnh tranh khi chuyển sang hướng đi mới.

Trong thời đại hiện nay, các ứng dụng di động về phát triển kỹ năng đã trở thành những công cụ phổ biến, giúp việc học hỏi trở nên dễ dàng hơn. Các ứng dụng như SkillSoft sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng trong thời gian ngắn với bài giảng tinh gọn.

Tận dụng những kỹ năng chuyển đổi

Hãy vận dụng kỹ năng chuyển đổi, áp dụng chúng trong nhiều vai trò và nghề nghiệp khác nhau. Những kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, lãnh đạo và quản lý dự án có giá trị sử dụng ở mọi lĩnh vực. Hãy tóm tắt chặng đường phát triển, cảm hứng và khả năng thích nghi để đảm bảo sức hút của mình với doanh nghiệp hoặc khách hàng. Bên cạnh đó, hãy tìm kiếm chỉ dẫn, lời khuyên, cơ hội nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới quan hệ trong lĩnh vực, ngành nghề mới mà bạn muốn tham gia.

Cách tốt nhất để thể hiện kỹ năng chuyển đổi là nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng trong vai trò mà bạn đảm nhiệm trước đó, cho thấy những kỹ năng này phù hợp với vị trí công việc mới ra sao. Hãy đưa các ví dụ vào quá trình phỏng vấn, cho thấy các kỹ năng của bạn có thể đóng góp như thế nào cho thành công từ nhiều tình huống khác nhau, kết nối những kỹ năng này với những thách thức có thể đối mặt trong vai trò mới.

Trở thành người giải quyết vấn đề

Hãy làm nổi bật kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Thông thường, các kỹ năng này có thể được dùng để giải quyết khó khăn, thúc đẩy sự sáng tạo, giúp bạn trở nên giá trị ở bất kỳ vai trò nào.

Hãy trau dồi sự hiểu biết trong lĩnh vực, công ty và đội ngũ bạn đang làm việc. Để làm điều này, chúng ta cần nhanh chóng nhận ra vấn đề, điểm thiếu hiệu quả của bộ máy để cải thiện. Chủ động lắng nghe chia sẻ từ đồng nghiệp, khách hàng và cổ đông để thấu hiểu những rắc rối hoặc lo ngại của họ. Việc chú ý đến quy trình, hệ thống làm việc có thể tao ra lợi thế nhờ khả năng tối ưu nhân sự và sáng tạo.

Tạo sức hút cho bản thân không chỉ nằm ở việc chủ động lắng nghe, đó còn là đặt ra những câu hỏi sáng suốt. Cách làm này cho thấy bạn thực sự muốn nắm rõ nguồn gốc của vấn đề trước khi đưa ra giải pháp.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bon-loi-khuyen-giup-thay-doi-nghe-nghiep-thanh-cong-nam-2024)