Nhiều công ty chứng khoán “ăn nên làm ra” giữa lúc thị trường chung khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong khi nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND), bà Phạm Minh Hương vừa gửi thư xin ý kiến các cổ đông về việc tăng kế hoạch lợi nhuận công ty trong năm 2021 lên gần gấp đôi.
Kế hoạch doanh thu ban đầu được VNDIRECT đề ra cho năm 2021 là 2.556 tỉ đồng, nhưng bảy tháng đầu năm công ty đã thực hiện 2.209 tỉ đồng. Do đó, VNDIRECT muốn nâng kế hoạch doanh thu năm nay lên gần 3.950 tỉ đồng, tăng 155% so với kế hoạch ban đầu.
Ngoài ra, công ty cũng xin cổ đông thông qua việc tăng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng, tương ứng mức thay đổi 182% so với kế hoạch ban đầu vì bảy tháng đầu năm nay đã đạt 1.056 tỉ đồng.
Việc VNDIRECT đề xuất xin cổ đông tăng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của VNDIRECT diễn ra cùng thời điểm công ty này nhận khoản vay hợp vốn kỳ hạn một năm đầu tiên từ nhóm ngân hàng nước ngoài trị giá 100 triệu USD để phát triển kinh doanh.
Tương tự, công ty chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cũng hé lộ đã hoàn thành kết quả kinh doanh cả năm chỉ trong tám tháng với lợi nhuận trước thuế khoảng 1.872 tỉ. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HCM) có doanh nửa đầu năm tăng 2,2 lần và lợi nhuận trước thuế tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, công ty cổ phần Chứng khoán SmartInvest (UPCoM:AAS) có quy mô nhỏ hơn trong ngành cũng trình cổ đông xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tăng gấp 20 lần vì diễn biến kinh doanh tích cực. Hồi giữa tháng 8.2021, công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên gấp đôi.
Chứng khoán là một trong những ngành đi ngược tình trạng ảm đạm của nền kinh tế nói chung trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Lĩnh vực này trở thành kênh hấp thụ vốn trong khi dòng tiền đầu tư, kinh doanh vào các kênh khác bị tắc nghẽn.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục duy trì bình quân hơm 100.000 tài khoản mới hàng tháng. Tổng tài khoản giao dịch trong nước đến tháng 7.2021 đã đạt gần 3,5 triệu, tăng 27% so với đầu năm. Ngoài ra, lượng margin trên thị trường cuối quý 1 cũng trên 110.000 tỉ đồng, đưa thanh khoản thị trường lập các kỷ lục mới.
Nửa đầu năm nay, điểm số của VN-Index đã cán mốc 1421, thiết lập mức đỉnh trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. “Năm 2020 và năm 2021 được xem là “kỳ dị” nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam,” trích báo cáo ngành chứng khoán của công ty Chứng khoán Sacombank (SBSC). Doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất cao so với các năm trước, lãi từ hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động chốt lời từ danh mục đầu tư tự doanh.
3 năm trước
HSC rớt tốp ba thị phần môi giới cổ phiếu