Đầu Tư

Việt Nam đổi cách hút vốn ngoại

11 giờ trước
Tác giả Gia Lộc

Với nền tảng ổn định vĩ mô, năng lực sản xuất và cơ chế điều hành nhất quán, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để bứt phá. Nhưng thay vì chỉ nhờ chi phí thấp, Việt Nam được kỳ vọng hút vốn nhờ cải cách thể chế và định hướng phát triển rõ ràng cùng khả năng vươn lên trong chuỗi giá trị.

Share
this:

Tại các cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các tập đoàn kinh tế và tổ chức doanh nghiệp Brazil bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ngày 7.7.2025 (giờ địa phương), Tập đoàn Vale trong lĩnh vực kim loại, khai khoáng và logistics, có doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh 38 tỷ USD của Brazil, mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Công ty này đang hợp tác với Tập đoàn Hoà Phát trong xuất khẩu quặng sắt.

Ngày 8.7, các doanh nghiệp Đức cũng đã có buổi làm việc với Chủ tịch TP.HCM với mong muốn mở rộng kinh doanh. Trong đó, ông Horst Pudwill, đại diện Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) doanh thu 14,6 tỷ USD, thông tin về kế hoạch mở rộng kinh doanh của nhà máy Milwaukee tại Khu Công nghệ cao (SHTP).

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ Tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM tiếp xã giao các doanh nghiệp Đức hoạt động ở Việt Nam. Nguồn: UBNVNONN

TTI là một trong những tập đoàn trong lĩnh vực thiết bị điện không dây, thiết bị chăm sóc sàn, công cụ điện ngoài trời và các giải pháp thông minh phục vụ đời sống, công nghiệp. Công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 8.2018, hiện có 8 nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp Đồng Nai và Bình Dương (cũ), nhà máy Milwaukee tại SHTP với tổng vốn đầu tư hơn 650 triệu USD.

Theo ông Sven David, Sáng lập VIET Transformation Advisors, một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại TP.HCM, Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang chuyển hướng quan tâm. Họ quan tâm đến mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong việc trở thành một đối tác có khả năng phát triển bền vững, minh bạch và có định hướng dài hạn trong mạng lưới đầu tư toàn cầu.

Theo ông Sven David, Việt Nam đang có nhiều lợi thế về sự ổn định kinh tế vĩ mô, thế mạnh sản xuất và cơ chế vận hành nhất quán của hệ thống chính trị. Điều đó càng được thấy rõ trong bối cảnh toàn cầu đang biến động.


Không giống như những giai đoạn trước, nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam không chỉ vì nhân công giá rẻ nhất nữa mà nhờ định hướng rõ ràng của Chính phủ và khả năng vươn lên trong chuỗi giá trị.


Trong môi trường đầu tư hiện đại, theo ông, các nhà đầu tư rất quan tâm đến tính ổn định và minh bạch hơn “sự bảo hộ”. Không giống như những giai đoạn trước, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam không phải chỉ vì nhân công giá rẻ nhất nữa mà nhờ thể chế mạnh cũng như định hướng rõ ràng của Chính phủ và khả năng vươn lên trong chuỗi giá trị.

“Việt Nam không còn chỉ được xem như một điểm đến lý tưởng để dịch chuyển sản xuất mà trở thành đối thủ thực sự trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này mang lại cơ hội cũng như những kỳ vọng mới cho Việt Nam,” ông Sven David nhận định.

Ông cho rằng để duy trì đà phát triển và nâng cao vị thế trong bảng xếp hạng niềm tin đầu tư FDI khu vực và thế giới, Việt Nam cần tận dụng tính ổn định này để thực hiện chiến lược tăng trưởng.

Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng chiến lược FDI của Việt Nam cần trở nên sắc bén hơn và được tinh chỉnh theo từng ngành.

Bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, bà Quyên khuyến nghị.

Theo Cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua.

Khảo sát thường niên Chỉ số niềm tin FDI 2025 (Kearney FDI Confidence Index) chỉ ra Việt Nam đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng chỉ số niềm tin FDI tại các thị trường mới nổi.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/viet-nam-doi-cach-hut-von-ngoai)