Để đa dạng thị trường, doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia gia tăng cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực: năng lượng xanh, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt ngành công nghiệp Halal.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa suy giảm và chuỗi cung ứng bị phân mảnh, hợp tác song phương và liên kết khu vực là chìa khóa để các nền kinh tế vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng,” bà Soneta Asmara, Lãnh sự phụ trách Kinh tế, chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia”.
Bà Soneta Asmara đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp hai nước nên hợp tác cùng phát triển trong nhiều ngành, đặc biệt ngành công nghiệp Halal. Theo các báo cáo nghiên cứu, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal còn nhiều dư địa để khai thác.
Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal, bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác, đạt 10 ngàn tỷ USD. Trong đó, riêng lĩnh vực F&B dự kiến đạt 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033.
Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đạt chuẩn Halal sang thị trường này.
Tuy nhiên, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Theo bà Soneta Asmara, Indonesia và Việt Nam đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong khu vực nhờ những điểm tương đồng như: dân số trẻ, đô thị hóa mạnh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả.
Cả hai nước đều hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực chiến lược như sản xuất phương tiện di chuyển chạy bằng điện, năng lượng xanh và khu công nghệ cao.
Theo Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA), BPJPH – Cơ quan Quản lý Bảo đảm Sản phẩm Halal Indonesia – yêu cầu hầu hết hàng hóa nhập khẩu và kinh doanh tại Indonesia phải có chứng nhận Halal.
Sản phẩm không đạt chuẩn phải ghi rõ “Non-Halal” trên bao bì. Theo Quy định số 42/2024 do chính phủ Indonesia ban hành, lộ trình áp dụng dán nhãn cho các sản phẩm hoặc dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài sẽ do Bộ Tôn giáo Indonesia quy định (chậm nhất vào ngày 17.10.2026.)
Về quy trình chứng nhận, doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký thông qua các tổ chức được BPJPH công nhận như HCA. Quy trình bao gồm đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp chứng nhận, với yêu cầu về giám sát viên Halal và Tiêu chuẩn SJPH số 20/2023.
Sau khi có chứng nhận, doanh nghiệp cần đăng ký trên hệ thống SIHALAL của Indonesia và tuân thủ quy định ghi nhãn, trong đó có in logo Halal của BPJPH và HCA.
Indonesia, với vai trò là quốc gia Hồi giáo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn Halal, đồng thời kỳ vọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch và dịch vụ tài chính Halal.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1.2025, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Indonesia đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,4 tỷ USD tập trung vào các nhóm hàng chủ lực như: cà phê, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện…
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tranh-ap-luc-thue-quan-doanh-nghiep-viet-khai-thac-co-hoi-tu-nganh-halal)
5 tháng trước
Ông Trump sẽ áp thuế hàng Trung Quốc thấp hơn đề xuất?