Thị Trường

Thương hiệu phải yêu người tiêu dùng “đúng và đủ”

Ba diễn giả của phiên thảo luận “Thương hiệu gắn kết cảm xúc” trong Hội nghị “Thương hiệu độc đáo để thành công” có chung một nhận định: doanh nghiệp phải nắm bắt đúng và đủ nhu cầu của khách hàng thì mới giữ được sự yêu thương của họ.

Share
this:

Từ trái qua: ông Hoàng Ngọc Minh Toàn, Phó chủ tịch HĐQT PHC Media – điều phối viên; ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long; ông Bhardwaj Vinay, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Indorama Ventures Việt Nam; ông Cao Hoài Dương, chủ tịch PVOIL

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL

Chạm vào túi tiền của khách hàng bằng triết lý kinh doanh “đúng” và “đủ”

“Chạm vào cảm xúc khách hàng là cách gọi hoa mỹ nhưng với chúng tôi chạm vào túi tiền của khách hàng mới là quan trọng,” lãnh đạo PVOIL nói.

Theo ông Cao Hoài Dương, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước, nhưng có những giai đoạn việc kinh doanh xăng dầu gặp phải vấn nạn “xăng giả” không đúng chất lượng hoặc “xăng thiếu” không đủ số lượng. PVOIL xác định mấu chốt là phải cung cấp sản phẩm cho khách hàng theo hai tiêu chí: đúng và đủ.

Công ty đã thực hiện chiến dịch đẩy mạnh thông điệp “Xăng thật, lít thật”. Điều này đã góp phần hiện thực hóa slogan của công ty: “Đường xa thêm gần” (Let miles be smile) cũng giống như việc nếu khách hàng gặp phải những cây xăng kém chất lượng xe chết máy thì đường đi sẽ trở nên xa hơn, lâu hơn. Nhưng nếu đổ xăng thật và đúng số lượng thì khoảng cách sẽ trở nên gần hơn.

Ngay cả khi xu hướng xe điện ngày càng phổ biến, ông Cao Hoài Dương vẫn cho rằng nếu biết tiếp cận đúng nhu cầu của khách hàng thì doanh nghiệp vẫn “ổn”. Minh chứng cho điều này, PVOIL đã hợp tác với Vinfast để lắp đặt các trạm sạc xe điện tại hơn 400 cây xăng của PVOIL.

Ông Dương khẳng định: “Bất kể xe điện hay xe động cơ đốt trong, khi đến các cây xăng của PVOIL chúng tôi đều sẵn sàng phục vụ.”

Ông Bhardwaj Vinay, Tổng Giám Đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT, Indorama Ventures Vietnam

Xây dựng uy tín với khách hàng là rất quan trọng

Indorama Ventures Vietnam là cái tên có thể khá lạ với nhiều người, nhưng Ngọc Nghĩa – một thương hiệu nổi tiếng về bao bì PET với lịch sử 38 năm tại Việt Nam thì không xa lạ với nhiều doanh nghiệp. Vì thế khi Indorama Ventures Vietnam sáp nhập Ngọc Nghĩa vào năm 2022, những gì Indorama Ventures Vietnam làm luôn chú ý đến giá trị thương hiệu bằng uy tín, chất lượng để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị trường.

“Chìa khóa thành công của chúng tôi là liên tục xây dựng lòng tin của khách hàng. Đây chính là giá trị cốt lõi làm nên uy tín thương hiệu,” ông Bhardway chia sẻ.

Mặt khác ông Bhardwaj Vinay cho rằng trong kinh doanh ngày nay, phải luôn đổi mới, ứng dụng công nghệ và đầu tư cho con người. Indorama Ventures Vietnam đã mang nhiều công nghệ mới đến Việt Nam và chuẩn hóa quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp cho khách hàng từ trong nước đến quốc tế (70% nội địa, 30% quốc tế).

Dù sản phẩm của Indorama Ventures Vietnam là cung cấp cho doanh nghiệp B2B nhưng theo ông các thương hiệu khác, doanh nghiệp khác trong ngành B2C vẫn có thể áp dụng phương pháp này để thu hút và chinh phục khách hàng lâu dài.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Trong những năm gần đây không ít lần doanh nghiệp Việt phải đau đầu trước câu chuyện ngộ độc thực phẩm. Điều này càng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực hơn trong việc đáp ứng sự tin tưởng cho khách hàng và xây dựng thương hiệu tạo sự độc đáo, khác biệt. Trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, xu hướng chung của toàn xã hội là hướng tới sự an toàn, tiêu dùng sản phẩm sạch, xanh, ủng hộ xu hướng sống lành mạnh.

“Tôi không biết thương hiệu gạo A AN của công ty tôi có độc đáo hay không, nhưng chúng tôi xây dựng thương hiệu A An với sứ mệnh là mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. A AN kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị từ đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tất cả mọi quy trình sản xuất đều chuẩn hóa, hướng người nông dân cũng như hợp tác xã đi theo hướng chuỗi giá trị cao, kết nối phát triển thị trường,” ông Bá chia sẻ.

Ông Bá nói thêm, trước đây Việt Nam thường xuất khẩu gạo nhưng không mang thương hiệu Việt Nam. Gần đây, Tân Long đã làm được điều này. Người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng tại Nhật hay các quốc gia mà gạo A AN có mặt đều có thể nhìn thấy bao bì gạo mang thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Công ty muốn gửi thông điệp đến người tiêu dùng qua cái tên A AN có nghĩa là an toàn và an tâm.

“Đó chính là tâm huyết và là cảm xúc của thương hiệu,” ông Bá mong muốn gạo A An sẽ được khách hàng đón nhận với sự tin tưởng, an tâm tuyệt đối.       

Tương tự, với thương hiệu heo ăn chay BAF, ông Bá cho biết đây là cách công ty cam kết với người tiêu dùng rằng sản phẩm của công ty được nuôi bằng thực phẩm “chay”, cho chất lượng thịt heo thơm ngon, chất lượng. Ông dẫn chứng cám công nghiệp và cám chay sẽ cho chất lượng thị heo khác nhau. Ông Bá đúc kết muốn khách hàng thương yêu, thương hiệu phải khác biệt, gắn liền với sứ mệnh của doanh nghiệp, thực hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thuong-hieu-phai-yeu-nguoi-tieu-dung-dung-va-du)