Tiêu điểm

Thực thi kinh tế tuần hoàn là đầu tư bền vững cho tương lai

1 năm trước
Tác giả Trọng Nam

Các hiệp định thương mại thế hệ mới đang đặt ra các điều kiện phát triển và sản xuất bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông Alain Cany, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành khu vực của hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cùng chia sẻ góc nhìn về vấn đề này với Forbes Việt Nam.

Share
this:

Forbes Việt Nam: Ở thời điểm hiện tại, quý vị đánh giá thực tế chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở mức độ nào

Ông Alain Cany: Khi chưa ký các hiệp định thương mại, các nhà sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam đã phải chịu áp lực từ yêu cầu của bên mua. Người mua hàng ở các thị trường châu Âu đòi hỏi khắt khe, họ quan tâm từ cách thức sản phẩm được làm ra đến vấn đề quyền người lao động. Quá trình chuyển hóa về nhận thức đối với phát triển bền vững ở các nước phát triển cũng trải qua 20-30 năm nay. Pháp luật ở những nơi này đều đã bổ sung rất nhiều điều khoản liên quan. Vì thế, các hiệp định thương mại thế hệ mới là cụ thể hóa những yêu cầu từ bên mua và nhân đó cập nhật những thay đổi về quy định của thành viên.

Ông Alain Cany, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Việt Nam là nước có tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 50% GDP, thị trường chính của các nhà xuất khẩu trong nước vẫn là châu Âu và các nước phát triển khác. Áp lực phải thay đổi chủ yếu tác động lên những nhà xuất khẩu và những đối tác sản xuất, chiếm phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Tôi vẫn thường nói với các bạn Việt Nam là chúng ta luôn cần một chút áp lực để vươn lên và để có thể chạm đến thành công. Mặc dù Việt Nam ở vị thế là nước đang phát triển, có rất nhiều mục tiêu cần ưu tiên nhưng quyết tâm chính trị của lãnh đạo đã tạo ra sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Dễ thấy nhất là về thái độ của cộng đồng doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn môi trường, tác động xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Từ chỗ xem ESG đơn thuần là phí tổn phụ trội, nay nhận thức chung đây là khoản đầu tư đáng giá để tránh những tổn thất lâu dài đến thế hệ sau. 

Đã có khá nhiều dự án mới và kể cả startup mới xuất hiện, hỗ trợ nhau, cùng thúc đẩy các mô hình kinh doanh và công nghệ giúp giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu thô, giảm phát thải và bảo tồn tài nguyên. Theo tôi, tất cả những yếu tố đó cho thấy Việt Nam đang đứng trên một nền tảng tốt và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiến bộ nhảy vọt.

Ông Vũ Tú Thành: Khách hàng thế giới cũng chia ra nhiều phân khúc và khách hàng ở các nước phát triển như Mỹ sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về môi trường và tác động xã hội, kể cả quyền lao động của nhân công. Tuy nhiên, để làm được sản phẩm như vậy thì các doanh nghiệp phải đầu tư tương đối lớn và bài bản, không chỉ tạo ra quy trình sản xuất chuẩn mà còn phải chủ động luôn nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, ví dụ như ngành thực phẩm, dệt may đều đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền lao động. Các tiêu chuẩn khác về môi trường và quản trị như sử dụng năng lượng và nguyên liệu bền vững, tái tạo thì còn chưa đáp ứng được một cách rõ ràng. Nguồn lực của hầu hết các doanh nghiệp trong nước chưa đạt ngưỡng đầu tư và phần nhiều chưa cho thấy được sự tự nguyện, tự thân chuyển đổi. 

Theo quan sát của ông, các nhóm ngành, các công ty trong lĩnh vực nào tại Việt Nam đang có bước tiến rõ nhất trong thực hiện kinh tế tuần hoàn? 

Ông Vũ Tú Thành: Bên cạnh những mảng ngành và công ty nổi bật dễ thấy thì ta cũng cần chú ý đến các ngân hàng và định chế tài chính đang cố gắng thúc đẩy một cách gián tiếp các bước phát triển của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ví dụ như các chính sách, các sản phẩm tài chính xanh (như tín dụng xanh, các quỹ xanh và trái phiếu xanh…). Đi đầu trong lĩnh vực này vẫn là các quốc gia châu Âu nhưng các đối tác từ Mỹ cũng đang nhanh chóng cập nhật xu hướng.

Ngoài ra, các công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn cũng tích cực hơn trong việc chuyển hướng sản xuất bền vững, do áp lực từ những cổ đông là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Trong hai năm gần đây, các quỹ đầu tư lớn ngày càng chú trọng hơn trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp thực hành tiêu chí ESG. Dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư ESG, và số lượng quỹ ESG tại Mỹ đã tăng với tốc độ kỷ lục trong năm năm qua. Hai năm đại dịch Covid-19 đẩy mạnh thêm xu hướng này, dòng tiền năm sau tăng từ 30-40% so với năm trước. Thì đây cũng là một tác nhân đáng lưu tâm. 


Việc chuyển mình để trở thành đối tác hoặc một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là việc làm có lợi ích lớn lao, có thể thu lợi ngay, không chỉ trong dài hạn.” – Vũ Tú Thành



Để hướng đến mục tiêu phát thải zero cần trải qua nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tiên phải là thay thế than bằng những nhiên liệu phát thải ít hơn. Số lượng dự án thì ít nhưng đặc thù của dự án năng lượng là thâm dụng vốn lớn nên con số đầu tư không hề nhỏ.

Ví dụ như AES đang có dự án 1,7 tỉ đô la xây dựng nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 ở Bình Thuận; tập đoàn GE với kinh nghiệm 30 năm đầu tư vào truyền tải điện tại Việt Nam tới đây cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư thiết bị y tế. Ngoài ra các công ty trong ngành điện tử bán dẫn như Apple, Qualcomm, Intel… cũng góp phần thay đổi phương thức sản xuất của ngành thông qua tự đầu tư dây chuyền đạt chuẩn bền vững hoặc đặt ra yêu cầu sản xuất bền vững với đối tác gia công trong nước. 

Ông Alain Cany: Đầu tiên phải nói là nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò đầu tàu truyền đồng lực trong chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà trên bình diện toàn cầu. Vốn đầu tư của họ tập trung vào yếu tố “xanh” và thực thi hoạt động sản xuất tuần hoàn. Ảnh hưởng của nhóm này là sâu rộng trên tất cả các ngành kinh tế.

Đi vào từng ngành, ta thấy ngành năng lượng đang có những bước tiến rõ nhất để tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong nước. Mảng năng lượng mặt trời đã phát triển bùng nổ trong thời gian chỉ 2-3 năm. Tới đây, sản xuất năng lượng từ gió hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh.

Kế đó là ngành sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng, bởi họ cần phải theo kịp các yêu cầu của hiệp định thương mại tự do và tiêu chuẩn hàng hóa của thế giới. Họ cũng đang phải điều chỉnh quy trình sản xuất theo yêu cầu của các nhà đầu tư, các ngân hàng cho vay. Nguyên do là vì các định chế tài chính cũng cam kết các khoản đầu tư sẽ hướng đến mục tiêu bền vững hơn. 

Một số ví dụ tiêu biểu, ta có Heineken với tổng doanh thu lên đến khoảng 0,9% GDP Việt Nam, đã đạt được nhiều mốc lớn về các mục tiêu sản xuất kinh doanh bền vững. Năm 2021, công ty này đã bỏ hoàn toàn việc xử lý chôn lấp chất thải; tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo chiếm 52%; tái chế 99% phế phẩm và chất thải… Hay Sanofi với sáng kiến sử dụng lò hơi đốt bằng sinh khối trấu thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng có dự án hợp tác thú vị với BSB Nanotech để sản xuất nano silica sinh học từ tro trấu để sản xuất thuốc và cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp khác.

LEGO với dự án đầu tư 1,3 tỉ USD ở Bình Dương cho nhà máy sử dụng 100% năng lượng sạch, không phát thải CO2 – là nhà máy đầu tiên và kiểu mẫu của LEGO về kinh tế tuần hoàn cũng là khởi đầu của LEGO trong việc đầu tư vào Việt Nam. Hoặc khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng với định hướng sinh thái, sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, dùng chất thải làm nhiên liệu sinh khối và xử lý tuần hoàn nước…

Việc sản xuất kinh doanh theo hướng tuần hoàn, bền vững là thách thức lớn cho doanh nghiệp trong quản trị và vốn, theo ông doanh nghiệp nên định hướng như thế nào?

Ông Alain Cany: Hướng đi bền vững trước hết giúp cho các doanh nghiệp đón đầu xu hướng thị trường. Giới trẻ ở châu Âu ngày nay là sức mua chủ lực trong hiện tại và tương lai, họ rất để tâm tới yếu tố bền vững với môi trường. Đó là kết quả của những nỗ lực trong giáo dục nhiều thập niên qua và sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh trong tương lai. Nếu như có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường thì chúng ta sẽ là người có được chiến thắng sau cùng. 


“Thực hành kinh tế tuần hoàn trên thực tế cũng giúp giảm chi phí hoạt động, thông qua cắt giảm nguyên nhiên liệu, đặc biệt hữu ích trong bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng vọt trên toàn cầu.”Alain Cany



Xây dựng câu chuyện thương hiệu xung quanh yếu tố “xanh” không chỉ hưởng lợi ở tầm thương hiệu doanh nghiệp mà còn ở tầm thương hiệu quốc gia. Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới. Với cam kết của chính phủ đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050, Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu “công xưởng xanh” hay trung tâm sản xuất xanh của thế giới. Qua đó thu hút một lượng vốn lớn và chia sẻ chuyên môn, công nghệ.

Việc chuyển đổi sớm cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn khi tiếp cận với quy định của thị trường. Như tôi đã nói từ đầu, các nước châu Âu đang bổ sung nhiều quy định và luật lệ mới liên quan tới kinh tế tuần hoàn, nếu các doanh nghiệp của Việt Nam có thể chuẩn bị trước thì sẽ không gặp khó khăn, cản trở khi có thay đổi về quản lý thị trường bên mua trong tương lai.

Ông Vũ Tú Thành: Trong thực tế, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chậm thay đổi, nguyên nhân là vì thị trường của họ chủ yếu ở trong nước. Việc chậm thay đổi không phải lỗi của các doanh nghiệp, vì động lực thay đổi là chưa có. Yêu cầu của thị trường trong nước hiện tại nhìn chung mới dừng ở đánh giá chất lượng và so sánh giá cả thành phẩm. Đối với một doanh nghiệp đang kiếm tiền tốt nhờ vào thị trường dễ tính thì việc họ cảm thấy chưa cần áp dụng thực hành ESG ở thời điểm hiện tại là bình thường.

Tuy nhiên nếu không kịp chuyển đổi thì có khả năng họ sẽ lỡ chuyến tàu lợi ích lâu dài, có thể đã khởi hành trong vài năm trở lại đây nhưng phải 5-10 năm nữa mới đạt tốc độ tối đa, mới gây chú ý rộng rãi. Việc này liên quan tới tầm nhìn của doanh nghiệp, họ hoàn toàn có thể bắt đầu kinh doanh bền vững hơn từ bây giờ bằng cách đầu tư vào tương lai nhiều hơn. 

Đặc biệt đối với một số ngành mới và có triển vọng lớn trong tương lai gần, mang lại chuỗi giá trị cao, chẳng hạn như năng lượng, công nghệ… thì việc chuyển mình để trở thành đối tác hoặc một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là việc làm có lợi ích lớn lao, có thể thu lợi ngay, không chỉ trong dài hạn.

Ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành khu vực hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC).

Xin đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tại Việt Nam, cần những thay đổi ra sao để phù hợp với xu thế và kỳ vọng của các thị trường đối tác thương mại?

Ông Vũ Tú Thành: Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải theo dõi các quy chuẩn về kiểm định chất lượng và cố gắng đáp ứng các quy chuẩn đó. Nhờ đó đảm bảo kỳ vọng của các thị trường trọng yếu, đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, yếu tố thông tin cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp cần có những tiếp xúc hữu cơ ngoài sự kiện lẫn thông qua công cụ số hóa. Làm sao để có thể tự giới thiệu được về doanh nghiệp cũng như những chiến lược, thành tựu thực hành ESG một cách trực quan, đầy đủ. Ví dụ các doanh nghiệp thành viên của USABC như Apple, Amazon, Intel, Google… đều đặt ra tiêu chuẩn về nguồn cung nguyên liệu và năng lượng đầu vào đạt chuẩn ESG. Họ muốn xây dựng thị trường riêng cho nguồn cung xanh và sạch. Có thể nói cộng đồng này đang dẫn đầu toàn cầu. 

Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa ra rõ ràng các tiêu chuẩn họ đạt được thì hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường riêng đó và có lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp chưa thể bắt kịp.

Ông Alain Cany: Các doanh nghiệp cần phải xây dựng và minh bạch hóa chiến lược cũng như kết quả thực hành ESG. Để làm được như vậy, chúng ta cần tính toán khả năng liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, các đối tác quốc tế, để nhận được chia sẻ về nguồn vốn, kinh nghiệm và công nghệ. 

Việc đầu tư vào công nghệ và ý tưởng sáng tạo liên quan đến thực hành ESG có thể bắt đầu ngay từ bây giờ thay vì đợi đến khi phải chịu sự bắt buộc từ các luật lệ quy định trong tương lai. Qua đó, tổng mức đầu tư có thể dàn trải và hiệu quả hơn. 

Các doanh nghiệp cũng cần bám sát những điều khoản trong các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA để tránh mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải theo dõi và tuân thủ những định hướng mới tới đây của chính phủ Việt Nam.

—————————————————-

Xem thêm
Thách thức “con đường xanh” của Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho biến đổi khí hậu
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương
Chiến lược xây những “cỗ máy xanh” khổng lồ của Cummins
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội: Hướng đi của tương lai
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040