Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quý III.2021 đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đưa mức tăng GDP của chín tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, theo báo cáo Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 29.9.
Mức tăng 1,42% của GDP chín tháng đã giảm thêm 0,7% so với mức đáy cũ là 2,12% của cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 9 tháng kể từ năm 1990 đến nay. Mức tăng trưởng này chỉ đạt khoảng 20% của 7% – là mức tăng trưởng GDP của cùng kỳ 2019, thời điểm trước dịch bệnh.
Tổng cục Thống kê lý giải, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, dẫn tới nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ ảnh hưởng tới mức tăng trưởng GDP của cả nước.
Trong cơ cấu kinh tế chín tháng, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38%; khu vực dịch vụ chiếm gần 40,2%; phần còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.
Xét về chi tiêu GDP chín tháng, tiêu dùng cuối tăng 1,6% so với cùng kỳ, tích lũy tài sản tăng 4,27%. Riêng xuất khẩu lẫn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ đều ghi nhận tăng trưởng hai con số, lần lượt là 14,2 và 18,46%.
Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã ghi nhận tăng trưởng âm trong chín tháng, làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, bán buôn, bán lẻ giảm 3,1%, vận tải kho bãi giảm gần 8%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23%.
Ngược lại, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng trưởng cao nhất – 21,15%, tài chính ngân hàng bảo hiểm tăng 8,37%… nhưng mức đóng góp vào cơ cấu kinh tế không thể bù được phần giảm của các nhóm ngành thương mại – dịch vụ.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng GDP cả nước giảm sâu là nằm trong dự đoán, hệ quả từ việc các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội hay TP.HCM đều chịu giãn cách kéo dài.
Dù vậy, ông Thịnh cho rằng số liệu GDP chưa thể phản ánh đầy đủ bức tranh chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt khi đặt trong tương quan với mức tăng trưởng đều đặn của hoạt động xuất khẩu.
Tác nhân chính quyết định tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV và cả năm 2021 của Việt Nam, theo ông Thịnh, là khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ông Thịnh cũng dự đoán mức tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam có thể đạt từ 5-5,6% nếu các vùng kinh tế trọng điểm mở cửa từ cuối tháng 9. “Nếu nhìn vào thực tế, các thành phố sẽ mở cửa kinh tế theo từng cấp độ từ đầu tháng 10, tôi ước tính GDP của Việt Nam cả năm nay chỉ tăng trong khoảng 4-4,6%”, ông Thịnh nói.
Trước khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế 9 tháng, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi cuối tháng 8 từng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 về mức 4,8%.
“Mức độ phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, cũng như hiệu quả của triển khai vaccine và các biện pháp tài khoá”, ông Rahul Kitchlu, quyền giám đốc Quốc gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Một tuần trước, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 chỉ khoảng 3,8% dù kinh tế nửa đầu 2021 đã phục hồi nhờ lưu lượng thương mại tăng cao.
Nhóm nghiên cứu kinh tế ADB cho rằng nông nghiệp – trụ cột tăng trưởng trong ba quý đầu năm sẽ gặp ảnh hưởng của mùa mưa bão cuối năm và các biện pháp kiểm dịch đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng công nghiệp cũng giảm vì thiếu hụt lao động, đồng thời việc đóng cửa khu du lịch, hạn chế đi lại tiếp tục tác động tới ngành du lịch, giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tang-truong-gdp-9-thang-dau-nam-lap-day-hai-thap-nien)
1 tháng trước
Kinh tế Malaysia tăng hơn 5% trong quý 3.20243 tuần trước
Lạm phát của Nhật tiếp tục thấp trong tháng 10