Có vẻ như Đông Nam Á và Ấn Độ là hai ngôi sao đang nổi bật trên bầu trời kinh tế thế giới hiện nay. Liệu điều này có thực sự đúng hay không? Vẫn cần thời gian để trả lời chính xác.
Tôi yêu các môn thể thao Olympic, đặc biệt là môn điền kinh mà người Mỹ thường gọi là track and field. Tôi thích là sự đa dạng về kỹ thuật thi đấu trong các môn này.
Vận động viên chạy nước rút có sự bứt phá; vận động viên nhảy cao có sức vóc vững vàng và thể chất dẻo dai; vận động viên ném búa thân hình to lớn nhưng chuyển động nhẹ nhàng và vận động viên nhảy sào vô cùng liều lĩnh.
Điền kinh là môn thể thao gần giống kinh doanh, nơi mỗi cá nhân phát triển và vận dụng kỹ năng của mình. Cũng như vận động viên marathon người Ethiopia không cần phải chứng minh giá trị của bản thân trong vòng ném tạ, năng lực của người thiết kế phần mềm không thể được đánh giá qua kỹ năng định giá bất động sản. Trong điền kinh cũng như trên thị trường, mỗi người phát huy tài năng riêng để đạt kết quả tốt nhất.
Điều thú vị về điền kinh là quá trình phát huy tài năng không diễn ra đồng đều trong các môn thi đấu. Trong thập niên 2020, chúng ta chứng kiến đột phá trong vài môn thi đấu nhưng số khác chỉ “đứng yên.”
Kỷ lục thế giới nội dung chạy 400m vượt rào, cả nam và nữ, đều bị phá vỡ. Tuy vậy, kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 400m, trong đó kỷ lục cho nam được thiết lập từ năm 2016 và nữ là vào năm 1985, thì chưa có ai phá được. Thật khó để lý giải về điều này.
Ngoài ra, trong năm 2023, số lượng vận động viên nam hoàn thành đường chạy 1.500m dưới 3 phút 32 giây, thời gian tiêu chuẩn của thế giới, đã tăng lên đáng kể. Có người cho rằng đó là nhờ giày chạy có đế bằng sợi carbon tạo đàn hồi. Nhưng kỷ lục thế giới trước đó của nội dung này là 3 phút 26 giây vào năm 1998, trước khi có những đôi giày như hiện nay.
Tương tự, trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, con người, công ty và quốc gia có những bước tiến vượt bậc, nhưng rồi chững lại và đi xuống. Cả trong điền kinh và kinh tế, rất khó để tạo ra công thức dự đoán kết quả ổn định trong nhiều năm và thập niên tới, vì có quá nhiều biến số.
Về mặt lý thuyết, ta dường như dễ dàng nhận ra những điều kiện dẫn tới sự phát triển hay đi xuống của con người, các công ty và quốc gia. Nhưng trong thực tế, những lý thuyết hoàn hảo nhất chắc chắn sẽ vẫn chịu tác động từ hệ tư tưởng và sai lệch thông tin. Ngay cả khi hiểu đúng lý thuyết, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những rào cản về chính trị, quy định và độc quyền.
Có vẻ như Đông Nam Á và Ấn Độ là hai ngôi sao đang nổi bật trên bầu trời kinh tế thế giới hiện nay. Liệu điều này có thực sự đúng hay không? Vẫn cần thời gian để trả lời chính xác.
Nền kinh tế Trung Quốc dường như đã đạt đến đỉnh cao tương đối hoặc đã đi qua giai đoạn đó một chút. Khi nói về đỉnh cao tương đối, chúng ta đề cập đến khả năng phát triển của Trung Quốc, nơi đã đạt thành tựu kinh tế tốt hơn so với toàn cầu 40 năm qua, kể từ năm 1978.
Mức độ tăng trưởng đạt đến đỉnh cao khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc gần bằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) – một thành tựu đáng kinh ngạc. Nhưng ngay khi đạt đến đó, Trung Quốc lại quyết định kiểm soát chặt chẽ một vài doanh nghiệp thành công nhất, đặc biệt trong lĩnh vực Internet và tài chính.
Điều này cũng tương tự như chính sách phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất thế giới, quyết định mà chỉ có các nhà sử học tương lai mới biết được đó là nước đi khôn ngoan hay thiếu suy xét. Dù sao, GDP của Trung Quốc đã quay về mức trung bình toàn cầu. Sự phát triển kinh tế kéo dài 45 năm của Trung Quốc dường như đã đạt đến đỉnh cao.
Dù đang tăng trưởng, EU không theo kịp tốc độ GDP toàn cầu từ những năm 1970 và sụt giảm đôi chút. Kinh tế Nhật Bản đạt đỉnh cuối những năm 1980, dù từ đó đến nay vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng. Sự tăng trưởng của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp khiến EU phải thấy hổ thẹn. Nhưng cũng nên nhìn nhận rằng đỉnh cao của kinh tế Mỹ đã suy giảm trong thế kỷ 21.
Đông Nam Á và Ấn Độ nằm trong “Altasia” – nhóm nền kinh tế trải dài từ Nhật Bản đến Ấn Độ, là khu vực duy nhất có thể vượt ngưỡng GDP toàn cầu từ nay cho đến năm 2050. Nghe có vẻ giống dự đoán và tôi đã nói về tính vô ích của dự báo.
Tuy vậy, Altasia hội tụ tất cả yếu tố cho dự đoán đó, vì nó tương đồng với đội thể thao với vận động viên thi đấu ở mọi bộ môn: chạy nước rút, chạy bền, nhảy và ném. Singapore đang trở thành trung tâm tài chính toàn cầu tại châu Á, ngang với New York và London.
Việt Nam giống Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990. Philippines đang tăng trưởng trở lại. Indonesia phát triển mạnh về năng lượng và khởi nghiệp. Còn Ấn Độ giờ đây có khả năng kết nối để phát triển. “Kết nối” là yếu tố dẫn đến sự thịnh vượng mà Ấn Độ còn thiếu trước đây. Sức mạnh kết nối mới có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ kể từ năm 2010.
Có hai nguyên nhân cho sự phát triển của Ấn Độ. Đầu tiên, Ấn Độ nâng gấp mười lần tổng mức đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt. Thứ hai, số lượng người dân kết nối Internet tại quốc gia này tăng từ 100 triệu lên 750 triệu người. Đây là điều mới lạ và đặc biệt.
————————————–
Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes. Là tác giả & nhà tương lai học, ông đã xuất bản một số cuốn sách, mới nhất là cuốn Late Bloomers, khám phá đột phá về ý nghĩa của việc trở thành tài năng nở muộn trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi điểm SAT và thành công sớm. Truy cập: www.forbes.com/sites/richkarlgaard.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/suy-nghi-ve-hieu-suat-vuot-troi)
3 tuần trước
Xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng mạnh trong năm 2024