Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 do Metric phát hành gần đây, Shopee duy trì vị thế ổn định, trong khi TikTok Shop mở rộng và chiếm thị phần Lazada đang dần đánh mất.
Trong năm 2024, Shopee duy trì 64% thị phần trên toàn thị trường. Trong khi đó, báo cáo chỉ ra Lazada đang dần mất khả năng cạnh tranh.
Thị phần Lazada mất đi bằng thị phần sàn Tiktok Shop tăng thêm. Điều này cho thấy TikTok Shop đang ngày càng củng cố vị thế của mình, mở rộng ảnh hưởng trên thị trường sàn thương mại điện tử.
Về tăng trưởng, TikTok Shop dẫn đầu, Shopee duy trì ổn định trong khi Lazada, Tiki và Sendo ghi nhận tăng trưởng âm do cạnh tranh gay gắt và thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Cụ thể, TikTok Shop tăng trưởng 121% về doanh số, kết quả thu hút người mua qua nội dung giải trí và xu hướng mua sắm trực tiếp.
Shopee duy trì ổn định với mức tăng trưởng 34%. Trong khi đó, Lazada, Tiki và Sendo đối mặt với khó khăn khi ghi nhận mức tăng trưởng âm từ -50% đến -54%, chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh và thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt gần 319 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 37% so với năm 2023.
Đồng thời, tổng sản lượng tiêu thụ cũng đạt hơn 3,400 triệu sản phẩm, tăng mạnh gần 51%. Những con số cho thấy sức mua của thị trường qua sàn điện tử vẫn duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm hơn 20%, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải rời bỏ thị trường, nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Theo báo cáo, Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ (lần lượt hơn 69% và 181%) phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và cửa hàng có độ tin cậy cao.
Từ cuối tháng 9.2024, năm sàn thương mại điện tử trên lo ngại sự cạnh tranh khi sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu (Trung Quốc) đã hiện diện trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thu hút nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, sàn này bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Hiện tại trên App Temu, sàn này thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công thương. Hiện chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại.
Báo cáo còn cho thấy rằng nhờ hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm nên người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài.
Theo báo cáo, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.2 ngàn tỷ đồng doanh số, mức tăng trưởng lần lượt gần 38% và gần 43% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các nền tảng TMĐT cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài.
Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp. Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Về ngành hàng, báo cáo cho thấy làm đẹp, nhà cửa, thời trang nữ là ba ngành hàng mang lại doanh số nhiều nhất cho các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, bách hóa và thực phẩm mới là ngành hàng nổi bật với mức tăng trưởng lên đến hơn 76% – cao nhất trong số các ngành hàng.
Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những kênh bán lẻ quan trọng nhất trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Năm 2025, dự báo doanh số đạt hơn 387 ngàn tỷ đồng và sản lượng đạt 4.2 triệu sản phẩm với mức tăng trưởng lần lượt là gần 22% và 23% so với năm 2024.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/shopee-duy-tri-vi-the-dan-dau-thi-truong-ban-le-truc-tuyen)