Ngày 4.4, nhiều chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục giảm, sau khi chính sách thuế đối ứng của ông Trump thổi bay hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường ở Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ chỉ trong 1 ngày.
Giới đầu tư đang chuyển tiền từ tài sản rủi ro và biến động, sang tài sản an toàn và ổn định. Cổ phiếu được coi là tài sản rủi ro. Chỉ số chứng khoán Nikkei ở Tokyo đã giảm 965,64 điểm, tương đương 2,8%. Trước đó 1 ngày, chỉ số này cũng giảm 2,8%.
Những chỉ số ở Singapore và Việt Nam, giảm trung bình lần lượt khoảng 2,6% và 5,8%.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick giải thích, thuế quan để “giải phóng nước Mỹ”. Ông nói: “Đây thực sự là quá trình sắp xếp lại nền thương mại công bằng hơn. Tôi hy vọng hầu hết quốc gia sẽ bắt đầu xem xét lại chính sách thương mại và ngừng lợi dụng chúng tôi.”
Phát biểu trên tiếp tục gây lo ngại cho nhà đầu tư. Chỉ số STOXX giảm khoảng 3%. Dow Jones giảm 4% ngày 3.4.
Theo dữ liệu của QUICK FactSet, ngày 3.4, vốn hóa thị trường các công ty niêm yết ở Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ đã bay hơi 3,5 nghìn tỷ USD.
Đồng yên Nhật và trái phiếu chính phủ Nhật đang được mua vào mạnh, bởi nhà đầu tư xem chúng là tài sản an toàn. Đồng yên tăng vọt lên mức 1 USD đổi 145,18 yên, cao nhất từ ngày 2.10.2024.
Một nhà phân tích giấu tên từ Nhật Bản chia sẻ: “Giới đầu tư lo ngại rằng, kinh tế toàn cầu có thể chậm lại vì thuế quan. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khó có thể duy trì lập trường cứng rắn.”
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, cổ phiếu nhiều ngân hàng lao dốc. Lợi suất thị trường giảm được dự đoán kéo biên độ cho vay xuống. Cổ phiếu của MUFG và Mizuho Financial Group lần lượt giảm 11,2% và 12,8%. Sumimoto Mitsui Financial Group giảm 10,5%.
Cổ phiếu các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản và đơn vị cung cấp linh kiện cũng giảm, vì lo ngại thuế quan làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều công ty vận chuyển bị ảnh hưởng, vì dự đoán thương mại sẽ chậm lại.
Hoa Kỳ tính thuế quan qua lại, dựa trên thâm hụt thương mại chia cho nhập khẩu. Điều này khiến nhiều quốc gia khó hiểu.
Một nhà quản lý tài sản quốc tế ở Nhật chia sẻ: “Các đối tác có thể trả đũa, nhưng họ khả năng cao chọn ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách giảm những mức thuế đó. Chúng ta đang ở giai đoạn thế giới hoàn toàn khác. Môi trường đang khó khăn hơn với hoạt động đầu tư.”
Hoa Kỳ dự kiến công bố dữ liệu việc làm tháng 3, sau khi thị trường châu Á đóng cửa cuối tuần này. Điều đó khiến nhà đầu tư khó thực hiện bước đi tiếp theo, vì dữ liệu việc làm thường tác động đến chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/sau-don-thue-cua-hoa-ky-chung-khoan-chau-a-giam-sau)
5 ngày trước
Hơn 1 nửa người Mỹ phản đối thuế quan của ông Trump3 tuần trước
Riot Studios làm phim Hollywood tại Việt Nam4 tháng trước
Ông Trump sẽ áp thuế hàng Trung Quốc thấp hơn đề xuất?