Start-up

Sana huy động vốn phát triển trợ lý AI cho doanh nghiệp

Sana có kế hoạch sử dụng khoản đầu tư mới 28 triệu USD để phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô nhân sự từ 70 người vào thời điểm hiện tại.

Share
this:

Joel Hellermark cho rằng thông tin của các công ty thường nằm rải rác, ẩn sâu bên trong hệ thống và giữ trong nhiều định dạng khác nhau, khiến nhân viên gặp khó khăn mỗi khi cần sử dụng. Vì lẽ đó, doanh nhân 26 tuổi người Thụy Điển muốn giúp các công ty khắc phục vấn đề này bằng nền tảng đào tạo của anh, Sana. Sana ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sắp xếp thông tin, cho phép nhân viên truy vấn, tìm kiếm và thực hiện các tác vụ như tạo ra những chương trình đào tạo, tổng hợp và chuyển đổi thông tin.

Chia sẻ với Forbes, Joel Hellermark – CEO của Sana, cho biết “Sana là một nền tảng tri thức dành cho các doanh nghiệp. Nền tảng này thư viện Alexandria, tổng hợp toàn bộ thông tin của một công ty.”

Hôm 31.5, Sana thông báo đã huy động thêm 28 triệu USD từ đợt gọi vốn mở rộng của vòng Series B, diễn ra từ tháng 12.2022, nâng vốn đầu tư nhận được từ lần huy động tài chính này lên 62 triệu USD. Vòng gọi vốn này do quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu NEA dẫn dắt, với sự tham gia từ Workday Ventures. Cộng với khoản đầu tư mới, Sana đến nay đã nhận về 80 triệu USD.

Phần mềm của Sana sử dụng 8 hệ thống AI và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) khác nhau, gồm whisper, GPT-4 và Dall-E của OpenAI, Claude từ Anthropic và PaLM của Google. Công ty lựa chọn mô hình dựa trên mức độ phù hợp nhất cho những tác vụ cụ thể như phiên âm, tổng hợp hoặc tạo thông tin.

Nền tảng của Sana hoạt động như một giao diện giữa LLM và thông tin, dữ liệu của các công ty. Đó là vì khi nhân viên sử dụng AI tạo sinh để trích xuất hoặc tạo thông tin, họ cũng vô tình đưa thông tin mật của công ty vào hệ thống AI, dẫn đến sự không chắc chắn về cách AI sử dụng dữ liệu mà công ty không hề hay biết. Hệ thống của Sana được tạo ra để đảm bảo tính bảo mật cho thông tin của công ty.

Theo Hellermark, Sana có thể tìm kiếm thông tin từ toàn bộ ứng dụng mà công ty sử dụng như Slack, GitHub, Google Workspace và Notion, và đưa ra phản hồi trong 100 phần nghìn giây. “Chúng tôi sử dụng công nghệ giúp phần mềm đưa ra câu trả lời chỉ trong phần nghìn giây và cần phải nắm được người dùng muốn biết điều gì càng nhanh càng tốt khi họ gõ chữ,” anh cho biết. 

Với các công cụ AI, Sana sẽ cạnh tranh với những công ty khởi nghiệp khác như kỳ lân công nghệ về tìm kiếm Glean, công ty khởi nghiệp AI TypeFace và Adept – cung cấp trợ lý AI để thực hiện tác vụ. Philip Chopin, giám đốc quản lý của NEA tại Anh, chia sẻ anh từng gặp Joel Hellermark trong một sự kiện khởi nghiệp ở Phần Lan vào năm 2022. Tại sự kiện khi đó, thiết kế và giao diện giúp phần mềm của Sana tỏ ra nổi bật hơn sản phẩm AI từ những doanh nghiệp khác.

“Thụy Điển đã thành công trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ dễ dàng sử dụng cho người dùng. Chúng tôi muốn áp dụng triết lý thiết kế như vậy để giải quyết vấn đề này,” Joel Hellermark, từng lọt vào danh sách Forbes Under 30, chia sẻ. Anh lấy Spotify, nền tảng có nhà sáng lập đến từ vùng Scandinavia, làm ví dụ.

Sana cung cấp hệ thống quản trị đào tạo cho các bộ phận HR (quản trị nhân sự) trong những doanh nghiệp. Công ty hiện có khoảng 200 khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và ngân hàng, bao gồm cả nền tảng Fintech Klarna, đơn vị cung cấp dịch vụ dọn dẹp Hemfrid và công ty dược phẩm Merck, bên cạnh 300.000 người dùng cá nhân.

Đặt văn phòng tại Stockholm, London và New York, Sana có kế hoạch sử dụng khoản đầu tư mới để phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô nhân sự từ 70 người vào thời điểm hiện tại.

Lớn lên tại Tokyo, Nhật Bản, Joel Hellermark học lập trình từ năm 13 tuổi và thành lập công ty về đề xuất video ở tuổi 14. Năm 19 tuổi, Hellermark thành lập Sana, sau đó lấy tên Sana Labs, hoạt động như một đơn vị nghiên cứu AI sau khi làm việc cho một công ty quảng cáo số. Tuy không học đại học, nhưng Joel Hellermark đăng ký chương trình lập trình cộng đồng do đại học Stanford tổ chức. Hiện tại, với phần mềm AI của Sana, Hellermark đặt mục tiêu tăng suất làm việc của người lao động bằng cách nâng cao khả năng học hỏi và tiếp cận thông tin.

“Hãy tưởng tượng toàn bộ con người trên trái đất có mọi tri thức trên thế giới, và có thể giúp mọi người học và giải quyết bất kỳ công việc nào,” Hellermark cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn