Ở phiên thảo luận “Kiến tạo sự trường tồn”, các đại diện chia sẻ về con đường phát triển kinh doanh bền vững, có trách nhiệm xuất phát từ nhận thức nội tại doanh nghiệp, sức ép từ cộng đồng và tuân thủ các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Chia sẻ về động lực cho sự chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp, theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS): Một là áp lực từ bên ngoài của các nhãn hàng, đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khung pháp lý Việt Nam và yêu cầu từ các hiệp định thương mại quốc tế. Hai là từ tầm nhìn phát triển của cả hiệp hội và từng doanh nghiệp để có được thương hiệu mạnh hơn, thuận lợi hơn trên bàn đàm phán giá cả.
Ông Giang cho biết VITAS đã đưa ra chiến lược phát triển bền vững và xanh hóa ngành từ năm năm trước. Các hành động cụ thể như chuyển đổi các từ loại nồi hơi đốt bằng nguyên liệu hóa thạch như than củi, dầu sang loại nồi điện. Quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo cũng được đẩy mạnh, hiện 65% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã sử dụng điện áp mái.
Một thách thức lớn với ngành dệt may hiện nay nằm ở việc xử lý ô nhiễm trong quá trình dệt nhuộm, doanh nghiệp muốn đứng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc xử lý phải đạt được chuẩn mực bền vững với môi trường và yêu cầu của khách hàng. “Việc xả thải của ngành dệt may nay đã được giải quyết bằng tiến bộ công nghệ, mục tiêu chung của ngành là tiến tới đạt chuẩn quốc tế về tái chế trong 10 năm tới,” đại diện VITAS chia sẻ.
Nông nghiệp cũng là ngành nằm trong nhóm sáu ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất. Ông Pawalit Ua-Amonwanit từ CP Foods cho biết, áp lực đến từ chính doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cổ đông buộc công ty phải liên tục thay đổi về mặt quản trị, có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng.
Để giảm tỷ lệ sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tất cả các nông trại CP đều có khu vực thu gom chất thải nông nghiệp, tạo khí ga sinh học để phát điện hoặc làm phân bón. “Hiện 80% nông trại trong chuỗi sản xuất của CP do nông dân địa phương vận hành, yêu cầu sản xuất khí biogas là bắt buộc, CP hỗ trợ tài chính và kỹ thuật,” đại diện CP Foods chia sẻ.
Sự cần thiết phải thực hành kinh tế tuần hoàn còn đến từ nhu cầu huy động vốn trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Ông Pawalit chia sẻ kinh nghiệm của CP Foods khi niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEx), tất cả các công ty niêm yết phải cung cấp thông tin về các hoạt động bảo vệ môi trường – phát triển bền vững – quản trị doanh nghiệp (ESG). Hàng năm HKEx đều đề ra chỉ tiêu ESG cần đạt cho mỗi doanh nghiệp, liên tục kể từ năm 2016.
Chuyên gia Trần Thị Hải cho rằng khung pháp lý của Việt Nam đối với các vấn đề phát triển bền vững vẫn đang ở mức khuyến khích, từ năm 2024 một số nội dung sẽ trở thành bắt buộc. Sẽ có bộ chỉ số đánh giá trình độ áp dụng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp làm cơ sở để quyết định ngành nào cần phải áp dụng thực hành kinh tế tuần hoàn trước.
Tuy nhiên theo bà Hải, doanh nghiệp trong nước ngày càng cởi mở và tích cực hơn, thể hiện qua số doanh nghiệp cam kết áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất tăng dần hàng năm. Song song đó, việc đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích cho môi trường còn là một lựa chọn để doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư xanh.
Ông Giang cho rằng hiện luật và quy định ở Việt Nam đã tương đối chặt chẽ, chỉ số về môi trường đã ở mức tương đối cao. Ngành dệt may cũng có các điển hình phát triển bền vững tương đối chuẩn mực. Nguồn nước sử dụng hiện đã được tiết kiệm hơn 40-50% so với 10 năm trước, các sản phẩm dệt may thể thao bắt đầu áp dụng công nghệ nhuộm khí ozone không cần dùng nước.
Chi phí đầu tư vào sản xuất bền vững sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngắn hạn nhưng cần thiết và cho hiệu quả lâu dài, giúp doanh nghiệp tạo ra ưu thế trong đàm phán giá cả với nhãn hàng.
Ông Giang chỉ ra thực tế các nghiệp quyết tâm đạt chuẩn mực ESG của nhãn hàng hưởng mức giá tốt hơn, các doanh nghiệp rụt rè đầu tư cho ESG phải làm với nhãn hàng có giá trung bình hay thấp. “Các doanh nghiệp làm sản phẩm giá thấp đã và đang gặp khó khăn trong hai năm qua, nhiều doanh nghiệp giảm đến 40-50% đơn hàng,” đại diện VITAS cho biết.
Tương tự, ông Pawalit nêu ví dụ về dây chuyền sản xuất thịt gà của CP Foods tại Bình Phước. Tuy chi phí đầu tư cao nhưng dây chuyền đã giúp công ty khai phá được các thị trường khó tính và có tiềm năng lớn trong tương lai như châu Âu, Đài Loan, Nhật Bản. “Đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững sẽ không còn là lựa chọn mà sẽ là yêu cầu tối thiểu cho các doanh nghiệp,” ông Pawalit nhận định.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/phat-trien-ben-vung-se-la-yeu-cau-bat-buoc-doi-voi-doanh-nghiep)
2 tháng trước
1 năm trước