Nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên đang triển lãm bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của cô từ trước đến nay tại Tate St Ives (Anh).
Bảo tàng nghệ thuật Tate St Ives (Anh) đang triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên, kéo dài đến ngày 2.5. Đây là triển lãm có số lượng tác phẩm lớn nhất của cá nhân nghệ sỹ tại Anh, và cũng là triển lãm có quy mô hàng đầu của một nghệ sỹ Việt Nam tại bảo tàng này. Triển lãm gồm những sáng tác tuyển chọn trong suốt năm năm qua với các video, tranh và các tác phẩm điêu khắc mới nhất.
Thảo Nguyên được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nhiều tầng nghĩa, thơ mộng, khám phá các vấn đề lịch sử và sinh thái của Việt Nam, đồng thời thể hiện những quan niệm phổ quát xoay quanh những ý tưởng về truyền thống, hệ tư tưởng, nghi lễ và những biến đổi của môi trường.
Thông qua cách kể chuyện lồng ghép, tác phẩm của Thảo Nguyên đầy mê hoặc bởi sự đan xen giữa các yếu tố thần thoại và văn hóa dân gian với những vấn đề cấp bách của đời sống hiện đại, xoay quanh công nghiệp hóa, an ninh lương thực và môi trường. Những mối đe dọa từ những hành động tàn phá và tiêu thụ quá mức tài nguyên Trái Đất là chủ đề thường xuyên trong các tác phẩm của cô.
Trong triển lãm lần này, tác phẩm ảnh động mới nhất First Rain/Brise Soleil 2021 tiếp tục đưa khán giả khám phá về vẻ đẹp và sức chịu đựng của dòng sông Mekong chảy qua cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Những tác phẩm cũng đề xuất một cách sống mới nương theo tri thức bản địa và tôn trọng hệ sinh thái.
Triển lãm tại Tate St Ives cũng trưng bày video Becoming Alluvium của Thảo Nguyên được sáng tác năm 2019, là câu chuyện về sự hủy diệt, tái sinh và đổi mới không chỉ của dòng sông Mekong mà còn về cuộc sống của con người cùng với tính cấp thiết cần tôn trọng và nhận thức về cuộc sống trong thế giới hữu hình và vô hình.
Sáng tác thể hiện qua video động, hoạt hình và ảnh, là các thước phim khám phá những thay đổi về môi trường và xã hội do đẩy mạnh các hoạt động nông nghiệp, đánh bắt quá mức, xây dựng đập và di sản bị chiếm đoạt như hậu quả của chủ nghĩa thực dân.
Tác phẩm này được triển lãm cùng với tác phẩm Perpetual Brightness, một màn hình đa phần sử dụng kỹ thuật lụa và sơn mài truyền thống của Việt Nam, sáng tác trong năm 2019 và đang tiếp tục được thực hiện. Cùng với sự hợp tác của chồng cô, nghệ sĩ Trương Công Tùng, những bức tranh kể về những câu chuyện tưởng tượng của sông Mekong và con người cũng như động vật sống ở đó.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày Mute Grain 2019 – tác phẩm phản ánh sống động về nạn đói ở Việt Nam năm 1945 đã giết chết khoảng hai triệu người, diễn ra trong giai đoạn Nhật bản xóa bỏ bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương (1940-1945).
Mute Grain 2019 xoay quanh câu chuyện một cô gái trẻ tên Tám (tháng Tám) trở thành một hồn ma đói, vất vưởng không thể siêu sinh và người anh trai tên Ba (tháng Ba) đang lo lắng tìm kiếm em gái. Tháng 3 và tháng 8 âm lịch là những tháng người nông dân trở nên nghèo nhất, buộc vay tiền và làm các công việc phụ để kiếm sống.
Mute Grain kết hợp lịch sử truyền miệng với những tư liệu từ truyện dân gian Việt Nam và tác phẩm văn học của nhà văn Yasunari Kawabata để phản ánh các vấn đề về chủ nghĩa thực dân, nông nghiệp và an ninh lương thực.
Triển lãm cũng giới thiệu Dream of March and August được cô sáng tác năm 2018 và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Tác phẩm là loạt tranh lụa lơ lửng màu nước phản ánh thêm câu chuyện về hai anh em ruột trong Mute Grain.
Những phòng trưng bày của Tate St Ives chuyển sang không gian tràn ngập bóng tối, để phân chia khu vực phim và tác phẩm tĩnh riêng biệt với các sắp đặt treo trên thân cây đay. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật đã bắt nông dân Việt Nam trồng đay để làm nguồn cung cấp quân sự thay cho lúa gạo, gây nên nạn đói kinh hoàng năm 1945.
Tác phẩm sắp đặt tự nhiên và đầy tính tương tác này được đặt tên No Jute Cloth for the Bones 2019, đề cập đến giá trị và niềm tin chung của Việt Nam bị sụp đổ trong lịch sử và ở hiện tại.
Phan Thảo Nguyên, 35 tuổi, sống và làm việc tại TP.HCM. Được đào tạo trở thành họa sĩ, cô làm việc trong lĩnh vực điện ảnh khi bắt đầu học thạc sĩ mỹ thuật ở Chicago. Cô đã triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, gồm triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại New Museum Triennial (New York, 2021), Chisenhale Gallery (London, 2020), WIELS (Brussels, 2020).
Hoạt động như nghệ sĩ đa phương tiện, Nguyên cũng đồng sáng lập nhóm Art Labour, chuyên khám phá các hoạt động nghệ thuật đa ngành và phát triển các dự án nghệ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Thảo Nguyên đang mở rộng ‘miền sân khấu’ của mình, bao gồm cả hình ảnh chuyển động và những điều mà cô gọi là ‘cử chỉ biểu diễn’. Năm 2019, cô đã nhận được giải thưởng nghệ thuật video Han Nefkens Art Foundation – Loop Barcelona, Fundació Joan Miró, Barcelona, Tây Ban Nha.
Cô cũng là hạt giống triển vọng năm 2016-2017 của quỹ Rolex và được nghệ sĩ video nổi tiếng thế giới Joan Jonas ở New York hướng dẫn trong chương trình này.
——————————————–
Biên dịch: Gia Nhi
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/phan-thao-nguyen-trien-lam-tai-bao-tang-nghe-thuat-tate-st-ives-anh)
1 năm trước
11 tháng trước
Thị trường mỹ thuật: Sóng ngầm sôi động11 tháng trước
Năng lượng từ hành trình nghệ thuật của Trần Nữ Yên Khê