Trong tham luận tại Hội nghị Năng lượng tái tạo 2023, ông Hà Đăng Sơn – phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) – USAID, chỉ ra những cơ hội và thách thức của nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Cơ hội đầu tư với năng lượng tái tạo đang rộng mở. Quy hoạch Điện VIII đã nêu rõ công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000MW và điện mặt trời áp mái lên 2.600MW vào năm 2030.
Các giải pháp về năng lượng tái tạo cũng đang tiếp tục giảm giá trên toàn cầu. Điều này giúp chi phí đầu tư cho điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời có sức cạnh tranh hơn với các nguồn truyền thống và đã tiệm cận với thủy điện, nguồn có mức đầu tư rẻ nhất hiện nay.
Ngay cả những giải pháp giải quyết bài toán về độ mất ổn định như pin lưu trữ cũng đã giảm rất mạnh trong 10 năm qua, từ 15.000 USD xuống còn hơn 200 USD.
Trong khi đó, mối quan tâm của cộng đồng về việc sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng cao. Cả khối công và khối tư đều đang ưu tiên lớn cho đầu tư năng lượng sạch.
“Thông thường cơ chế đi chậm hơn so với thực tiễn. Chỉ cần một bước chậm lại của Chính phủ về xây dựng cơ chế chính sách sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quá trình đầu tư,” ông Sơn chia sẻ.
Song hành với những cơ hội, theo ông Sơn, những vấn đề cốt lõi thách thức việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách, quy hoạch mang tính chất chiến lược, lâu dài và minh bạch giúp doanh nghiệp xác định được lộ trình đầu tư dài hạn.
Thứ hai, cần đưa ra những cơ chế chính sách thúc đẩy vì đây là ngành công nghiệp mới đòi hỏi sự chăm chút. Ngoài câu chuyện liên quan đến khó khăn đầu tư, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các quốc gia xung quanh về thu hút đầu tư năng lượng tái tạo. Sau bước phát triển thần kỳ giai đoạn trước, Việt Nam đang bị chậm lại trong khi các nước khác đang vươn lên mạnh mẽ.
Thứ ba là tài chính. Đây là vấn đề lớn vì không chỉ liên qua đến nhà đầu tư mà còn liên quan đến cơ chế huy động vốn, phương thức chi trả, giá cả và hợp đồng mua bán điện.
Một thách thức khác là Quy hoạch Điện VIII đã phê duyệt nhưng danh mục lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa được làm rõ, trong khi đặc thù đầu tư vào ngành là mang tính cục bộ, có tính vùng miền nhất định đồng thời bắt buộc tối ưu hóa truyền tải để giải tỏa công suất.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng quy hoạch điện và đưa ra những vùng ưu tiên về năng lượng tái tạo là rất quan trọng vì khi có những định hướng rõ ràng thì mới có thể dồn lực đầu tư vào các khu vực phù hợp.
Thách thức tiếp theo là việc tích hợp lên lưới. Đây là vấn đề thuần túy kỹ thuật nhưng thách thức không nhỏ liên quan đến nguồn phụ trợ và khả năng đầu tư cho nguồn này.
Cuối cùng là cơ chế mua bán điện làm sao đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả cho nền kinh tế.
—————————-
Xem thêm:
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Năng lượng 2023
Net-zero ở Việt Nam và vai trò của năng lượng tái tạo
Tỉ phú Philippines Ramon Ang đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng mặt trời
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-thach-thuc-di-cung-co-hoi-voi-nha-dau-tu-nang-luong-tai-tao)
1 tháng trước
Bài toán khó của Quy hoạch Điện VIII3 năm trước
69 nhà máy điện gió “chạy” kịp giá FiT