Tỉ phú doanh nhân Pallonji Mistry của Ấn Độ qua đời ở tuổi 93, để lại di sản là tập đoàn Shapoorji Pallonji từng xây dựng nhiều công trình biểu tượng.
Vào ngày 28.6, tỉ phú và doanh nhân xây dựng gốc Ấn Độ Pallonji Mistry đã qua đời ở tuổi 93. Di sản của ông là tập đoàn Shapoorji Pallonji (SP Group) với lịch sử 156 năm từng xây dựng các công trình mang tính biểu tượng như tòa nhà của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và cung điện Sultan ở Oman.
Pallonji Mistry từng là chủ tịch của SP Group, kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản và năng lượng. Đến năm 2012, ông giao lại quyền điều hành tập đoàn với hơn 70.000 nhân sự cho người con trưởng Shappor Mistry.
Khối tài sản 15 tỉ USD của Pallonji Mistry, người Parsi, đến từ việc ông trở thành cổ đông lớn nhất trong Tata Sons – công ty mẹ của Tata group – với 18,4% cổ phần. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2022, Tata Sons, tập đoàn đa ngành với 30 công ty con, đạt doanh thu 128 tỉ USD.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi Mistry “có những đóng góp to lớn vào hai lĩnh vực thương mại và công nghiệp toàn cầu.”
Trong bài đăng trên Twitter, Smirti Irani, Bộ trưởng bộ phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, viết “đây là hồi kết của một kỷ nguyên” và cho biết thêm “một trong những niềm vui lớn nhất cuộc đời của tôi là được dõi theo lòng nhân từ và bộ óc thiên tài của ông khi làm việc.”
SP Group gọi Mistry là “hiện thân của Hỏa giáo từ sự hướng thiện, chính trực, công bằng trong mọi giao dịch và tấm lòng tốt bụng, đồng cảm với những mảnh đời khó khăn trong xã hội cần đến bất kỳ sự giúp đỡ nào.”
Vào năm 1947, Pallonji Mistry bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ở tuổi 18 khi ông tham gia vào việc kinh doanh xây dựng của gia đình. Cuối những năm 1960, Mistry mở rộng sang thị trường quốc tế, sau khi ông trúng thầu xây dựng điện Sultan của Qaboos bin Said al Said tại Muscat.
Vào năm 1975, cung điện được giới thiệu tới thế giới và trở thành “nơi tạo sự tin tưởng và cơ hội cho các công ty Ấn Độ khác đầu tư ra nước ngoài,” SP Group cho biết.
Vào năm 1975, Mistry tiếp quản công ty sau khi cha ông qua đời và tiếp tục “vươn ra biển lớn.” Ông tiến vào khu vực châu Phi và tạo dựng danh tiếng với nhiều dự án biểu tượng tại thị trường này, bao gồm văn phòng tổng thống Ghana và khu công nghệ thông tin (IT) Edene tại Mauritius.
“Tinh thần tiên phong đã mang lại cho Mistry sự nghiệp kinh doanh rực rỡ. Ông đã gây dựng di sản của gia đình từ việc thiết lập sự hiện diện của tập đoàn Shapoorji Pallonji ở thị trường quốc tế và vẫn là người ít xuất hiện trước công chúng mặc cho nhiều thành tựu đạt được,” tỉ phú vaccine Cyrus Poonawalla, người bạn đồng hương Parsi thân thiết của gia đình Mistry nói về ông.
Những năm tháng cuối đời của ông chứng kiến mối hận thù với doanh nhân huyền thoại Ratan Tata, người đã chọn con út của Mistry là Cyrus để kế nhiệm vị trí chủ tịch Tata Sons vào năm 2021.
Trước khi con trai được bổ nhiệm, Mistry vẫn giữ sự khiêm tốn như nhà đầu tư thân thiện trong tập đoàn Tata Sons và được biết đến là “bóng ma của Bombay House”, ám chỉ trụ sở của Tata Group tại Nam Mumbai.
Sự kết hợp giữa Tata với Cyrus Mistry không mang lại hiệu quả và ông bị đẩy ra khỏi vị trí chủ tịch vào năm 2016. Việc này dẫn đến cuộc chiến pháp lý giữa hai gia tộc Tatas và Mistry.
Vào tháng 3.2021, Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố việc sa thải là hợp lý và quyết định khôi phục chức danh chủ tịch điều hành của Cyrus Mistry theo điều luật 2019 từ tổ chức National Company Law Appellate Tribunal (Phiên tòa Phúc thẩm Công ty Quốc gia – NCLAT).
SP Group đã gặp khó khăn trong thời điểm đại dịch COVID-19, với gánh nặng từ các khoản vay và tìm hướng tái cơ cấu nợ. Điều này buộc tập đoàn phải bán số cổ phần trong các lĩnh vực cốt lõi như Eureka Forbes kinh doanh hàng tiêu dùng có tuổi thọ dài và công ty con về năng lượng tái tạo Sterling Wilson Renewable Energy. Công ty nổi lên sau khi tái cơ cấu vào tháng 4.2022, sau khi tập đoàn chi trả một lần khoản dàn xếp 120.000 triệu rupee (1,6 tỉ USD) với 22 chủ nợ.
Vào năm 2016, Pallonji Mistry được chính phủ Ấn Độ trao tặng giải thưởng Padma Bhushan cho đóng góp của ông trong ngành công nghiệp Ấn Độ. Sau khi ông ra đi, gia đình còn lại người vợ Patsy, hai con trai cũng như hai người con gái là Laila và Aloo.
Aloo Mistry kết hôn với Noel Tata, người anh em cùng cha khác mẹ với Ratan Tata. Vào năm 2003, Mistry từ bỏ quốc tịch Ấn Độ và trở thành công dân Ireland, lọt vào danh sách Tỉ phú Toàn cầu của Forbes theo quốc gia này.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nha-tien-phong-linh-vuc-xay-dung-pallonji-mistry-qua-doi-o-tuoi-93)
6 tháng trước
Công ty thương mại điện tử Zepto tăng số lượng kho hàng