Người tìm việc ứng tuyển nhiều vị trí hơn so với những năm trước nhờ vào một số công cụ AI tạo sinh.
Sáu tháng trước, Anshita Verma gửi vài đơn ứng tuyển mỗi ngày. Giờ đây, nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), nhà khoa học dữ liệu 26 tuổi gửi 10 – 15 hồ sơ ứng tuyển mỗi ngày.
“Tôi có thể chỉ mất 10 phút thay vì 30 phút để điền đơn,” Verma nói. Công cụ trình duyệt tích hợp AI có chức năng tự động điền thông tin vào các mục trống, giúp cô nhanh chóng gửi nhiều đơn ứng tuyển hơn so với thời gian trước.
Nhiều người khác sử dụng các chương trình AI tạo sinh như ChatGPT để viết sơ yếu lý lịch và thư xin việc theo yêu cầu phù hợp với kỹ năng lẫn trình độ của công việc. Một số người sử dụng các công cụ tự động tìm kiếm việc làm như LazyApply và SimplifyJobs để ứng tuyển hàng loạt công việc.
Ngoài ra, các công cụ AI như Pajama Jobs và Talentprise giúp ứng viên xác định công việc phù hợp với kỹ năng, từ đó có thể tăng tỉ lệ nộp đơn ứng tuyển.
Nhiều chuyên gia cho rằng nhờ những công cụ này, cùng với thị trường lao động đang phục hồi tích cực và lạm phát hạ nhiệt, nhà tuyển dụng nhận nhiều đơn ứng tuyển hơn. Theo dữ liệu gần đây của LinkedIn, người lao động ở Hoa Kỳ và Anh gửi hồ sơ ứng tuyển đến nhà tuyển dụng nhiều hơn khoảng 15% so với một năm trước.
Nhờ sự trợ giúp của AI, “ứng viên ngày càng tích cực gửi hồ sơ đến nhà tuyển dụng” so với những năm trước, chuyên gia kinh tế trưởng Karin Kimbrough của LinkedIn cho biết. “Ngay ở thời điểm hiện tại, AI có nhiều tiềm năng to lớn. Nếu bạn tận dụng những công cụ này để giúp tạo ra thông điệp hoàn hảo từ các gợi ý về kỹ năng lẫn chuyên môn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi gửi hồ sơ ứng tuyển.”
AI cũng có thể giúp người tìm việc gửi đơn ứng tuyển đến nhiều nhà tuyển dụng hơn. “Họ không chỉ nộp hồ sơ vào nhiều vị trí việc làm mà thực sự còn ứng tuyển vào những công việc bình thường sẽ không gửi đơn,” Michelle Volberg, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty tuyển dụng Giledan 360, nói.
“AI giống như công cụ ‘Dễ dàng ứng tuyển’ của LinkedIn. Thông qua công cụ, ứng viên ngành công nghệ vẫn nộp đơn cho những vị trí việc làm trong ngành tài chính hoặc chăm sóc sức khỏe nếu thỏa một vài tiêu chí, hoặc tạo ra sơ yếu lý lịch tương thích cho dù thực tế họ chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó,” Volberg cho biết.
Các chuyên gia cho biết do quá nhiều đơn ứng tuyển gửi đến nên nhà tuyển dụng cần phải phân loại hồ sơ. Do đó, bộ phận tuyển dụng có “nhu cầu sử dụng AI để phân loại, lọc, tìm kiếm nguồn sơ yếu lý lịch,” Josh Bersin, chuyên gia phân tích trong ngành nhân sự, nói. “Khối lượng công việc của nhà tuyển dụng tăng lên vì ứng viên gửi hồ sơ dễ dàng hơn.”
AI cũng có thể gây khó khăn hơn cho người tìm việc vì các ứng dụng AI nâng cao tiêu chuẩn để được chú ý, đồng thời tăng khả năng bị nhà tuyển dụng bỏ qua do nhận quá nhiều hồ sơ ứng tuyển.
“Nhiều người không tìm được việc làm nhanh như kỳ vọng. Vì vậy, họ có thể cảm thấy cần phải ứng tuyển thêm,” Kimbrough, chuyên gia kinh tế trưởng của LinkedIn, nói.
Kimbrough cùng với các chuyên gia khác cho rằng AI chỉ là một trong những nguyên nhân làm tăng số lượng hồ sơ ứng tuyển cũng như sự cạnh tranh. Các công ty ít tuyển dụng hơn, sa thải nhân viên trong nhiều lĩnh vực và nền kinh tế không ổn định góp phần tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động.
Jon Stross, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty phần mềm tuyển dụng Greenhouse, cho biết số lượng đơn ứng tuyển cho mỗi công việc tăng gấp đôi kể từ năm 2022. “Tỉ lệ ứng viên có việc làm thấp,” ông nói.
James Neave, giám đốc khoa học dữ liệu tại nền tảng việc làm Adzuna, đồng ý: “AI có thể giúp người tìm việc tăng tốc độ gửi đơn ứng tuyển. Nhưng cuối cùng, AI không phải là nguyên nhân chính làm tăng số lượng hồ sơ ứng tuyển mà do động lực thị trường lao động.”
Theo báo cáo việc làm mới nhất của cục Thống kê lao động, nền kinh tế Hoa Kỳ tạo ra 199,000 việc làm mới trong tháng 11, cao hơn so với 150.000 việc làm mới trong 10. Trong năm 2023, hơn 600.000 nhân viên bị sa thải tại Hoa Kỳ, tăng 198% so với năm 2022.
Nhiều công ty sử dụng hệ thống quản lý hồ sơ để giúp sàng lọc ứng viên về các kỹ năng liên quan và loại những ứng viên không phù hợp dựa vào một số từ khóa nhất định. Nhưng một số công ty cho rằng hệ thống này có thể chưa sánh kịp với các công cụ AI mà người tìm việc sử dụng để nâng cao cơ hội được công nhận.
Thậm chí một vài tin tuyển dụng đăng trên LinkedIn nhận hơn 1.000 hồ sơ ứng tuyển. “Nhà tuyển dụng không thể xem hết tất cả,” Volberg nói.
Một số người lao động như Ronny Llerena vẫn đang tìm kiếm việc làm sau khi bị sa thải hồi đầu năm nay.
“Thật không thể tin được,” Llerena, 25 tuổi, tìm kiếm việc làm trong mảng hoạt động kinh doanh ở New York kể từ mùa hè, cho biết. “Có những công việc chỉ mới đăng một ngày nhưng đã nhận được 500 hồ sơ ứng tuyển.” Anh dùng các công cụ AI để điều chỉnh nhanh chóng thư xin việc cho phù hợp với từng công việc đăng tuyển.
Anh không nghĩ AI là nguyên nhân duy nhất khiến thị trường lao động trở nên cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, nhưng cho biết sự gia tăng số lượng hồ sơ ứng tuyển buộc anh tìm kiếm các vị trí việc làm ngoài ngành công nghệ cũng như dựa nhiều hơn vào mạng lưới cùng với sự giới thiệu.
“AI chắc chắn không giúp giảm bớt số lượng,” Llerena nói.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Thị trường lao động tăng mạnh hơn kỳ vọng: thêm 263.000 việc làm mới trong tháng 11
Những công ty có chính sách làm việc linh hoạt đạt mức tăng trưởng doanh thu vượt trội
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nguoi-lao-dong-dung-ai-ung-tuyen-nhieu-vi-tri-viec-lam-hon)
1 năm trước
Adobe ra mắt công cụ AI sáng tạo Adobe Firefly