Thị Trường

Ngân hàng Nhà nước: “Kiên định ổn định tỷ giá”

6 giờ trước
Tác giả Gia Lộc

Trước lo ngại của doanh nghiệp về áp lực tỷ giá gia tăng do thuế đối ứng và thiếu ngoại tệ, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, trấn an doanh nghiệp đừng quá lo lắng.

Share
this:

Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố diễn ra vào ngày 25.4, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ ngành ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.

“Ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề lõi của Ngân hàng Nhà nước,” ông Lệnh nói. Theo ông, ổn định kinh tế vĩ mô mới có thể tăng trưởng kinh tế. Vì thế, bất kể các biến động khách quan, ngân hàng trung ương sẽ kiên định ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, phát biểu tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Ảnh: ITPC

“Chúng ta hoạt động trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng nên biến động của nền kinh tế thế giới không thể không tác động đến Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải sử dụng biện pháp để ổn định tuyệt đối và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Minh chứng cho điều này là thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá vẫn ổn định đến thời điểm hiện tại. Lạm phát vẫn trong mức kiểm soát,” ông Lệnh nói thêm.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương cho biết, vẫn đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngân hàng còn triển khai gói vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất 4% cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH

Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDIRECT Research, Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu về sự chuyển hướng sang ưu tiên các chính sách kích thích kinh tế, với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động cho vay tiêu dùng và đóng vai trò then chốt trong việc củng cố sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Báo cáo còn nhận định thanh khoản dồi dào góp phần duy trì nền lãi suất ổn định. Sau hơn một tháng tạm ngừng phát hành tín phiếu, ngân hàng nhà nước tiếp tục bơm thanh khoản dài hạn vào hệ thống thông qua kênh thị trường mở (OMO). Tính đến 14.3, mức bơm ròng lũy kế kể từ đầu năm tăng lên 99,8 ngàn tỷ đồng (3,9 tỷ USD) do việc phát hành mới nhiều hơn lượng OMO đáo hạn.

Mức thanh khoản dồi dào này góp phần ổn định lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở quanh mốc 4% vào đầu tháng 4. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm xuống 4,8%/năm, tiếp đà giảm so với tháng trước và đầu năm, phản ánh định hướng của Chính phủ về việc giảm lãi suất huy động và cho vay. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh lên 3,93% đến hết quý 1.2025, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của quý 1.2024.

Trong khi đó, theo báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1.2025 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) viết: “Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, chúng tôi nhận thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ Covid là 4%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng.”

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ngan-hang-nha-nuoc-kien-dinh-on-dinh-ty-gia)