Công nghệ

Nga và Trung Quốc hợp tác xây dựng nhà máy điện trên mặt trăng

1 ngày trước
Nguồn: Space.com

Nga và Trung Quốc vừa ký thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng. Thông tin ngay lập tức gây chú ý, nhất là các bên đang chạy đua khám phá không gian.

Share
this:

Lò phản ứng hạt nhân sẽ cung cấp năng lượng cho Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) mà 2 nước đang xây dựng. Lò phản ứng này dự kiến hoàn thành năm 2036.

Thỏa thuận được công bố ngay sau khi NASA thông báo đề xuất ngân sách năm 2026, muốn hủy bỏ kế hoạch xây dựng 1 trạm nghiên cứu trên quỹ đạo của mặt trăng.

Tàu thăm dò trong sứ mệnh Hằng Nga-5 (Chang’e-5) của Trung Quốc trên mặt trăng. Ảnh: CNSA

Trong cuộc phỏng vấn năm 2024, ông Yury Borisov, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) nói rằng, 2 nước có thể xây dựng lò phản ứng bằng công nghệ tự động không cần hiện diện của con người. Những công nghệ cần thiết gần như đã sẵn sàng.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu không gian và thử nghiệm công nghệ cho hoạt động không người lái dài hạn trên ILRS, với triển vọng con người sẽ làm việc trên đó.”

ILRS là 1 trạm nghiên cứu, 1 căn cứ cố định nằm ở cực Nam của mặt trăng. Hiện có 17 nước quan tâm đến dự án, như Ai Cập, Pakistan, Venezuela, Thái Lan và Nam Phi. Theo sứ mệnh Chang’e-8, năm 2028 Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái lên mặt trăng và đặt chân tới vị trí ILRS.

ILRS được công bố lần đầu tháng 6.2021. Nga và Trung Quốc sẽ đưa các mảnh ghép lên, thông qua 5 lần phóng tên lửa siêu nặng từ 2030 đến 2035.

Sau khi các mảnh ghép cơ bản trên được thiết lập, Trung Quốc sẽ phóng thêm một số lần nữa để mở rộng căn cứ, kết nối với 1 trạm vũ trụ quay quanh mặt trăng và 2 điểm nằm ở đường xích đạo của “hành tinh chị Hằng”.

Tổ hợp trên mặt trăng, là nền tảng để đưa con người lên sao hỏa trong tương lai, dự kiến diễn ra vào năm 2050. Người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Trung Quốc chia sẻ: “Các lò phản ứng sẽ cung cấp điện mặt trời, đồng vị phóng xạ và năng lượng hạt nhân cho tổ hợp. Nó cũng cung cấp năng lượng cho mạng lưới liên lạc tốc độ cao giữa mặt trăng và trái đất, cùng với phương tiện hoạt động trên mặt trăng như xe tự hành không người lái và xe có người lái.”

Thời gian qua, thế giới chứng kiến tham vọng khám phá mặt trăng ngày càng tăng giữa các siêu cường, nhất là Trung Quốc. Dấu ấn của đất nước tỷ dân trên tiểu hành tinh bắt đầu vào năm 2013, với sứ mệnh Chang’e-3 đưa 1 xe tự hành lên bề mặt. Các sứ mệnh tiếp theo đã đưa thêm nhiều xe tự hành khác lên mặt trăng và cả sao hỏa. Chúng có nhiệm vụ thu thập mẫu vật đất đá, và lập bản đồ địa lý.

Hoa Kỳ đang có chương trình tái khám phá mặt trăng tên Artemis. Sứ mệnh Artemis-3 dự kiến đưa phi hành gia trở lại mặt trăng sau hơn 50 năm, dự kiến được phóng năm 2027.

Ngoài ra, NASA cũng có kế hoạch với tên gọi Gateway, nhằm xây dựng 1 trạm nghiên cứu trên quỹ đạo của mặt trăng. Theo ngân sách 2026 của Nhà Trắng, Gateway bị kêu gọi hủy bỏ làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của sứ mệnh.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nga-va-trung-quoc-hop-tac-xay-dung-nha-may-dien-tren-mat-trang)