Công nghệ

Nền tảng Zoom hướng tới giai đoạn phát triển tiếp theo với AI

6 tháng trước
Tác giả Alex Konrad

Eric Yuan đang định hướng Zoom trở thành giải pháp toàn diện cho nhiều hình thức tương tác và làm việc nhóm khác nhau.

Share
this:

“Hãy có tư duy cởi mở.” Đó là thông điệp mà Eric Yuan, nhà sáng lập và CEO của Zoom, muốn gửi đến những doanh nghiệp vẫn còn hoài nghi về việc sử dụng nền tảng này cho các mục đích khác ngoài họp trực tuyến.

Bản thân Eric Yuan là minh chứng cho tư duy cởi mở hơn. Sau nhiều năm chỉ trao đổi hoàn toàn trực tuyến trên Zoom, giờ đây Eric Yuan đã có những buổi trò chuyện trực tiếp khách hàng. Chia sẻ với Forbes, ông cho biết: “Xã hội đang quay trở lại với tương tác trực tiếp. Do đó, tôi phải thay đổi và trở nên linh hoạt.”

Zoom cũng như vậy. Năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Zoom nổi lên như một phần mềm quan trọng cho nhu cầu làm việc và học tập từ xa. Khi đó, Eric Yuan đã trở thành gương mặt tiêu biểu cho sự chuyển đổi này. Điều đó giúp giá cổ phiếu của Zoom tăng mạnh, nhưng kèm theo đó là những lo ngại về tính riêng tư.

Trong nhiều tháng qua, Zoom đã ra mắt những công cụ phần mềm mới cho lượng người dùng đông đảo, với dự định trở thành nền tảng tổ chức trò chơi và sự kiện trực tuyến. Tuy vậy, các tính năng mới này lại không thành công như mong đợi.

Từ mức đỉnh ghi nhận 568 USD/cổ phiếu ghi nhận vào tháng 10.2022, giá cổ phiếu của Zoom đã giảm còn khoảng 70 USD/cổ phiếu. Điều này kéo theo giá trị vốn hóa thị trường của công ty từ 160 tỉ USD xuống còn hơn 20 tỉ USD.

Hiện tại, Eric Yuan đang định hướng Zoom trở thành giải pháp toàn diện cho nhiều hình thức tương tác và làm việc nhóm khác nhau.

Như một thói quen mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, Eric Yuan đăng nhập vào Zoom Chat, công cụ được Zoom ra mắt để cạnh tranh với những Slack hay Microsoft Teams, cho các công việc hằng ngày. Yuan sử dụng công cụ cộng tác mới nhất Zoom Docs để gửi mail, chuẩn bị cuộc họp và tổng hợp tài liệu hoặc lên kế hoạch hành động mới. “Chúng tôi đặt mục tiêu mang lại trải nghiệm đồng bộ cho mọi nhu cầu giao tiếp và làm việc của người dùng khi sử dụng Zoom.

Việc phải chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng khác nhau đôi khi rất bất tiện,” Yuan cho biết. 

Có một xu hướng chung giữa các doanh nghiệp phát triển phần mềm đang phát triển và có quy mô đủ lớn. Nhiều công ty như Box, Dropbox, Slack có chiến lược trở thành nền tảng “trung tâm” cho công việc của người dùng. Trở thành nền tảng tổng hợp nhiều công cụ khác nhau tốt hơn so với việc chỉ là giải pháp phục vụ cho một mục đích duy nhất. 

Để hiện thực hóa nỗ lực trên, Zoom sẽ ra mắt sản phẩm mới có tên gọi Zoom Docs vào năm 2024. Zoom Docs là công cụ cho phép người dùng tạo tài liệu mới ngay trong tính năng họp hoặc hội thoại. Người dùng có thể đưa nội dung và danh mục những việc cần làm vào các tài liệu này từ việc sử dụng trợ lý AI có tên Zoom AI Companion. Hôm 3.10, Zoom cho biết các tài liệu tạo bằng Zoom Docs có thể được gắn thẻ và bàn giao cho đồng nghiệp. Chúng cũng có thể liên kết với nhau, tạo thành mạng lưới tài liệu tương tự như các trang kiểu wiki.

Nằm trong số những tính năng mới là bảng trắng trực tuyến ứng dụng AI, cho phép người dùng tự động bỏ vào và sắp xếp dự án theo hướng trực quan trong buổi họp. Trong tháng 9.2023, Zoom đã công bố nhiều tính năng AI khác nhau, bao gồm khả năng tổng hợp thông tin và điểm chính trong cuộc họp, giúp người tham gia muộn nắm bắt những gì đang diễn ra, cũng như soạn email và tạo chuỗi hội thoại.

Trong thời gian tới, công ty có kế hoạch bổ sung tính năng xử lý ngữ cảnh, với Zoom AI Companion có thể ghi nhớ câu hỏi của người dùng và tìm thông tin liên quan từ các buổi họp trước đó, lịch sử hội thoại và làm việc trong các ứng dụng liên kết.

Zoom cũng ghi nhận ngày càng nhiều người dùng lựa chọn hình thức làm việc hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến). Eric Yuan cho biết, Zoom đã áp dụng chính sách làm việc hybrid khi để nhân viên tới văn phòng làm việc hai ngày trong tuần, bắt đầu triển khai từ tháng 8 qua.

“Chúng tôi nên sử dụng sản phẩm do mình phát triển,” ông chia sẻ. Quyết định này còn đến từ việc những nhân viên mới mà công ty tuyển dụng trong giai đoạn dịch COVID-19 sẽ thiếu đi sự tương tác trực tiếp và phát triển sự nghiệp như mong muốn nếu làm việc từ xa hoàn toàn.

Từ việc ra mắt những sản phẩm quản lý văn phòng mới như kiểm tra khách ra vào và đặt phòng họp, Zoom sẽ cạnh tranh với những nhà cung cấp giải phần mềm khác như Envoy, công ty đã huy động 111 triệu USD vào tháng 1.2022. Có vẻ như Zoom Docs có sự tương đồng với những công cụ làm việc khác như Coda, Notion, Google Workspace và dịch vụ của Microsoft 365. Zoom Docs thậm chí còn cạnh tranh với những phần mềm quản lý dự án như Asana và Monday.com.

Mặc dù Zoom sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn, Rishi Jaluria – nhà phân tích tại RBC Capital Markets nhận định quyết định mở rộng sản phẩm của công ty là hướng đi hợp lý. “Zoom đang khuyến khích mọi người sử dụng nền tảng này theo nhiều cách khác nhau,” Jaluria cho biết. Nhà phân tích này dự đoán rất khó để những người dùng thành thạo của các đối thủ cạnh tranh chuyển sang sử dụng. Tuy vậy, số khác có thể thấy việc tích hợp các công cụ làm việc vào cùng một nơi là điều tiện lợi. “Điều này có thể giúp Zoom giữ chân người dùng hiện nay,” Jaluria cho biết.

Thành lập Zoom vào năm 2011 sau khoảng thời gian làm giám đốc kỹ thuật tại WebEx, công ty con của Cisco, Eric Yuan cho biết ông không tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới. Yuan tin tưởng rằng Zoom sẽ trở thành cái tên nổi bật nhờ vào cách tiếp cận có tính “liên kết” cho các công cụ AI của mình.

Điều này đồng nghĩa AI của Zoom có thể liên kết với mô hình từ các bên thứ ba và chính công ty, tùy thuộc vào mô hình nào có mức phí thấp nhất. “Chúng tôi không thể bắt buộc người dùng chỉ dùng một nền tảng, hoặc bộ công cụ duy nhất. Chúng tôi muốn mọi người linh hoạt lựa chọn các nền tảng và công cụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Đây là điều quan trọng nhất,” Yuan cho biết.

Khác với một vài đối thủ cạnh tranh, Zoom không thu thêm phí đối với các tính năng AI. Để so sánh, AI Copilot của Microsoft có mức phí 30 USD/tháng cho một người dùng và Salesforce là 50 USD mỗi tháng. “Sự khác biệt của Zoom nằm ở chất lượng và chi phí,” Yuan cho biết.

Để chứng minh chất lượng, Zoom sẽ cần phải tránh những rủi ro như lo ngại về tính riêng tư của người dùng. Nhiều năm sau khi vật lộn với những bê bối về quyền riêng tư trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, Zoom lại vi phạm chính sách riêng tư của khách hàng với bản cập nhật có vẻ gợi ý rằng công ty sẽ sử dụng dữ liệu của người dùng để huấn luyện mô hình AI.

Công ty sau đó đã cập nhật chính sách sau khi vấp phải chỉ trích. Eric Yuan đã đính chính rằng công ty không bao giờ thu thập dữ liệu người dùng. Thay vào đó, Zoom kết hợp dữ liệu từ cộng đồng, từ chính công ty và bên thứ ba.

Chia sẻ về cách sự tập trung và tạo động lực cho đội ngũ nhân sự mặc cho cổ phiếu của công ty có kết quả thấp hơn chỉ số S&P 500 trong khi các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ghi nhận cổ phiếu tăng trở lại lên gần ngưỡng trước dịch COVID-19, Eric Yuan cho biết Zoom đang hướng một giai đoạn phát triển mới.

“Chúng tôi đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến thế giới khi đại dịch COVID-19 bùng phát, và công ty đang hướng tới khởi đầu mới. Chúng tôi muốn phát triển sản phẩm để có thể tự hào nhìn lại khi nghỉ hưu,” ông cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn