Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô GDP, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế ở nhóm cao nhất thế giới. Các biến động địa chính trị và diễn biến tại các đầu tàu kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022?
Ba vấn đề quốc tế cần quan tâm nhất, có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam thời gian tới bao gồm: tình hình căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine; thời gian chính phủ Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero COVID”; và những quyết định điều hành kinh tế của cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông qua việc tăng lãi suất cơ bản.
Câu hỏi thứ nhất, cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ kéo dài bao lâu? Chủ đề này đã thu hút nhiều mối quan tâm, phân tích và mổ xẻ hơn ba tháng qua. Cả hai quốc gia có vai trò quan trọng với kinh tế thế giới khi sở hữu một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng như dầu thô, khí đốt, phân bón, ngũ cốc, kim loại hiếm dành cho ngành công nghiệp điện tử. Nếu cuộc xung đột tiếp tục kéo dài thì khả năng cao giá các mặt hàng hóa, nguyên liệu sẽ tiếp tục neo ở mức cao.
Trong tình huống Nga giành ưu thế trên chiến trường và tuyên bố chiến thắng, kết thúc xung đột thì nền kinh tế thế giới đứng trước cơ hội phục hồi nhanh hơn. Trong kịch bản xấu hơn, căng thẳng tiếp tục leo thang, cuộc chiến gây thiệt hại lớn hơn thì nền kinh tế thế giới sẽ tổn thương và bất ổn nhiều hơn. Hiện tại, khó có thể kỳ vọng một giải pháp giải quyết xung đột Nga – Ukraine trong ngắn hạn, vì vậy cũng khó kỳ vọng giá hàng hóa, nguyên liệu sẽ giảm trong thời gian ngắn.
Về vấn đề COVID-19 tại Trung Quốc, công xưởng chế tạo của thế giới, quốc gia quyết liệt thực thi chiến lược “zero COVID” có thể ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà quốc gia này kỳ vọng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thượng Hải và nhiều thành phố bị phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 khiến sản lượng công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.
Hiện tại lượng container và lượng chip điện tử bị tắc nghẽn ở cảng Thượng Hải đạt cao mức kỷ lục. Theo thống kê các biện pháp tài khóa và tiền tệ mà quốc gia này đã công bố, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bơm gần 5.300 tỉ đô la Mỹ kích thích kinh tế, quy mô bằng khoảng 1/3 GDP, vì vậy có khả năng giá các hàng hóa sẽ tiếp tục leo thang. Tỉ giá nhân dân tệ thay đổi sẽ gây bất ổn cho tỉ giá VND và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn kiên định thực thi chính sách “zero COVID”, du lịch Việt Nam rất khó hoàn thành mục tiêu đạt năm triệu khách du lịch quốc tế trong năm nay. Nguồn khách du lịch từ quốc gia 1,5 tỉ dân này vẫn đóng vai trò quan trọng nhất với việc phục hồi du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Cuối cùng, động thái cần theo dõi tiếp theo là việc điều hành lãi suất cơ bản của Fed. Vào tháng 3.2022, cơ quan này nâng lãi suất thêm 0,25% – lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Đầu tháng năm, Fed nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,5% – lần tăng mạnh nhất trong 22 năm qua. Vào tháng ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra cuối những năm 1970. Chỉ số CPI tháng tư của Mỹ tăng 8,3% so với một năm trước, cao hơn mức dự báo 8,1%.
Thị trường lao động Mỹ rất mạnh, trong khi lạm phát tăng cao vượt qua các dự đoán nên khả năng trong vài tháng tới Fed sẽ tăng lãi suất quyết liệt. Động thái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các nền kinh tế thế giới, đặc biệt với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Như vậy, với việc Fed tăng lãi suất trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản kích cầu kinh tế, sự phân cực của các đầu tàu kinh tế sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Cuộc chiến Nga – Ukraine không gây xáo trộn nhiều đến hoạt động thương mại của Việt Nam khi hai quốc gia chỉ chiếm khoảng 1% tổng giao thương. Tuy nhiên, giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cán cân thương mại. Ví dụ, cuối tháng năm giá dầu Brent ở mức 115–120 đô la Mỹ/thùng, trong khi đó đầu năm 2022 xoay quanh mức 80 đô la Mỹ/thùng.
Như vậy để nhập cùng một lượng dầu nhưng giờ đây chúng ta phải bỏ thêm gần 40 đô la Mỹ/thùng so với cách đây sáu tháng. Theo ước tính của Dragon Capital, cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam thâm hụt khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ do các loại hàng hóa tăng giá.
Khi nhiều loại hàng hóa quan trọng đều tăng giá từ xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất… thì lạm phát tại Việt Nam thời gian tới diễn biến ra sao? Chúng ta xem xét tới ba mặt hàng khá quan trọng, ảnh hưởng mạnh đến lạm phát là xăng, gạo và thịt heo, trong khi Việt Nam đang kiểm soát giá và điều tiết 18 mặt hàng khác.
Về xăng dầu, với mức bán lẻ xăng RON 95 vào cuối tháng năm từ 30–32 ngàn đồng/lít, giá xăng tại Việt Nam cao hơn tại Mỹ 15% vì phải trả khoảng 44% tiền thuế (môi trường, VAT…). Nếu lạm phát tại Việt Nam có dấu hiệu nhích lên ở mức cao những tháng tới, chính phủ hoàn toàn có dư địa giảm thuế, phí kiểm soát giá nhiên liệu ở mức bình ổn, tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Ngược dòng quá khứ trong khoảng 15 năm trở lại đây, 2008 và 2011 là hai năm Việt Nam có mức lạm phát cao nhất với tỉ lệ lần lượt là 23% và 18,5%. Mổ xẻ sâu hơn các con số, năm 2008, giá gạo và thịt heo của Việt Nam tăng lần lượt 190% và 56,7%. Năm 2011, các con số này lần lượt là 37% và 100%. Năm 2022, giá gạo và thịt heo tăng không đáng kể và đây là điều may mắn cho việc thực thi chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát tại Việt Nam.
Một điểm sáng cần nhắc đến là lần đầu tiên chúng ta đối diện với một cú sốc kinh tế bắt nguồn từ nguyên nhân bên ngoài, nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở trạng thái ổn định với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. Năm 2008, cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng lần lượt 34% và 37%. Năm 2011 các con số lần lượt là 21% và 39%. Vào năm 2022 cung tiền và tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ từ 12–13%. Dự trữ ngoại hối Việt Nam năm 2008 và 2011 đạt lần lượt 20,2 tỉ đô la Mỹ và 14,1 đô la Mỹ, quy mô rất khiêm tốn nếu đặt cạnh con số 118 tỉ đô la Mỹ (ước tính) sẽ đạt được vào cuối năm 2022.
Như vậy, các căng thẳng địa chính trị sẽ gây áp lực đến cán cân thương mại Việt Nam nhưng không lớn. Giá nhiều loại nguyên liệu hàng hóa đầu vào tăng cao nhưng nhiều khả năng lạm phát vẫn được khống chế ở mức 4,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, tăng trưởng GDP bao nhiêu là câu hỏi khó về mặt số liệu, tạm dự đoán ở mức 7% hoặc thấp hơn chút cho năm nay.
Câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp nóng lên thời gian qua khi các cơ quan quản lý tăng cường biện pháp giám sát thị trường. Theo thống kê của Dragon Capital, trong năm 2020 và 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp của khoảng 300 công ty được phát hành với tổng giá trị 50 tỉ đô la Mỹ. Theo tính toán, các loại trái phiếu có thời gian đáo hạn từ nay đến cuối năm 2022 cho thấy áp lực là có nhưng sẽ không quá lớn. Đây là tin rất tốt.
Theo dự báo của Dragon Capital, tăng trưởng lợi nhuận của khối các công ty niêm yết năm nay có thể ở mức 20–22%, nếu kinh tế thế giới không có các sự kiện đột biến hay xung đột địa chính trị diễn biến leo thang thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sớm tìm điểm cân bằng.
Bài viết theo Forbes Việt Nam số 106, tháng 6.2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/kinh-te-vi-mo-viet-nam-trong-boi-canh-moi)
2 năm trước
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 lên 6,5%1 năm trước
Niềm tin là yếu tố mấu chốt cho năm 20233 năm trước
Thương mại 10 tháng lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD