Quản trị

Chủ doanh nghiệp Việt Nam tính chuyện bán công ty

6 giờ trước
Tác giả Minh Tâm

Nhiều chủ doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang tính chuyện phải bán công ty vì gặp vấn đề chuyển giao cho thế hệ tiếp theo khi các con không muốn kế nghiệp kinh doanh.

Share
this:

Chia sẻ với Forbes Việt Nam hôm 21.4, ông Trần Nam Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), lãnh đạo Dịch vụ EY Private, EY Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vấn đề chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Thế hệ F2 (con của các chủ doanh nghiệp) có tư duy, suy nghĩ khác, không muốn tham gia kinh doanh cùng bố mẹ mà muốn tự khởi nghiệp hoặc không về nước sau khi du học nước ngoài.

“EY có những khách hàng lớn, doanh thu cả chục ngàn tỷ đồng nhưng muốn bán công ty rồi cho con tài sản để khai thác về sau. Con cái của họ đi du học và không về nước tham gia công việc kinh doanh của gia đình,” ông Dũng nói.

Nhóm khác, có con cái kế nghiệp kinh doanh nhưng việc chuyển giao giữa thế hệ F1 (người chủ doanh nghiệp) sang thế hệ F2 lại đang mang tính hình thức. Nghĩa là, người cha, người mẹ có thể chuyển giao một số tài sản, cổ phần, chức danh nhưng người nhận chuyển giao lại không có quyền ra chiến lược hay quyết định việc thực thi. Một phần lý do là các đồng sự của các chủ doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc thay đổi này hoặc bản thân các F2 chưa thể hiện được tầm ảnh hưởng của mình đến các nhân sự quản lý này.

Bên cạnh đó, quan điểm kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của F1 và F2 cũng rất khác. F1 chú trọng đến tăng trưởng, xây dựng mô hình quản trị trong khi F2 lại quan tâm đến sự đa dạng, ứng dụng công nghệ số, tuyển dụng nhân tài hay phát triển bền vững. Sự dung hòa giữa hai thế hệ vì thế không dễ.

Ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam
Ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam.

Ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam cho biết, không chỉ riêng ở Việt Nam, việc chuyển giao và duy trì doanh nghiệp gia đình trên toàn thế giới đều có khó khăn. Trong 500 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới năm 2025 từ báo cáo cùng tên do EY và Đại học St.Gallen (Thụy Sĩ) thực hiện, chỉ 30% doanh nghiệp tồn tại đến thế hệ thứ 2, 12% tồn tại đến thế hệ thứ 3 và 3% duy trì được qua thế hệ thứ 4.

Theo ông Cường, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam gặp thách thức hơn trong việc duy trì công ty. Câu chuyện lúc này không chỉ là khác biệt giữa các thế hệ F1, F2 về sự dấn thân hay thận trọng mà còn về tư duy, quan điểm với việc ứng dụng công nghệ số, tạo ra những mô hình kinh doanh mới…

Bài học của nhiều doanh nghiệp gia đình trên thế giới là chấp nhận thử thách, sự đa dạng, tạo ra những sản phẩm mới, mô hình mới để có được động lực tăng trưởng, khách hàng mới. “Nếu không thì không thể phát triển,” ông Cường đánh giá.

Chuyên gia từ EY cho rằng, để duy trì doanh nghiệp gia đình, các chủ doanh nghiệp có thể thay đổi góc nhìn, quan điểm về việc chuyển giao. Chuyển giao không chỉ là “cha truyền con nối”, giữ vốn 100% mà là gia đình vẫn nắm giữ trên 32% cổ phần, có quyền kiểm soát doanh nghiệp dù có thể IPO hay kêu gọi đầu tư để có nguồn vốn mới, nhân tố mới. Các chủ doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể thuê người điều hành nhưng khi đó quản trị doanh nghiệp phải rõ ràng và cần phải có sự kiên trì, có thời gian dài để đánh giá.

Các doanh nghiệp gia đình cũng nên có đội tư vấn chuyên nghiệp về tài chính, pháp lý… để hỗ trợ việc chuyển giao, quản lý gia sản, như cách nhiều nước đã làm.

“Ở các nước, các doanh nghiệp gia đình thường có hiến pháp gia đình (family constitution) với những quy tắc về việc bảo tồn gia sản mà  các thành viên phải tuân theo. Ở Việt Nam chưa có khái niệm đó. Hành lang pháp lý cũng chưa hỗ trợ mà bản thân các gia đình kinh doanh cũng chưa có tư duy này. Những người chủ lo phát triển doanh nghiệp, đạt quy mô nào đó mới nghĩ chuyện truyền cho con nhưng khi đó hơi trễ,” ông Trần Nam Dũng nói

Trong tương lai, theo ông Dũng, điều trên có thể thay đổi khi tư duy về doanh nghiệp tư nhân thay đổi, sẽ có những giải pháp để phát triển doanh nghiệp gia đình.

Báo cáo 500 doanh nghiệp gia đình lớn nhất năm 2025 do EY và Đại học St.Gallen thực hiện chỉ ra 500 doanh nghiệp này tạo ra 8,8 ngàn tỷ USD, tăng 10% so với năm 2024 và tuyển dụng 25,1 triệu việc làm.

Nếu tính trên GDP thì doanh thu của 500 doanh nghiệp gia đình này lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. 84% trong số này có lịch sử hoạt động trên 50% và 1/3 trong số này trên 100 năm. Doanh nghiệp gia đình lâu đời nhất là Takenada Corporation (Nhật Bản), thành lập năm 1610, hiện đang được dẫn dắt bởi thế hệ thứ 17.

Ông Desmond Teo, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình EY khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Điểm chung để các doanh nghiệp gia đình này duy trì được là tìm được giá trị cốt lõi, vốn đủ mạnh, kiểm soát được chỉ số nợ bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn vay và chuyển giao được cho thế hệ tiếp theo.

Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, báo cáo ghi nhận có 89 doanh nghiệp gia đình lọt vào top 500 với tổng doanh thu 1,62 ngàn tỷ USD. Riêng khu vực ASEAN có 17 doanh nghiệp, trong đó lớn nhất là Tập đoàn CP ALL PLc của Thái Lan với doanh thu hơn 25,7 tỷ USD.

Việt Nam chưa có doanh nghiệp gia đình nào trong danh sách dù quy mô “tương đối lớn” vì các tiêu chí về các thế hệ F2, F3 tham gia điều hành chưa rõ ràng, theo ông Desmond Teo, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình EY khu vực châu Á – Thái Bình Dương; lãnh đạo Dịch vụ Thuế tư nhân, EY khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực ASEAN.  

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ke-thua-doanh-nghiep-gia-dinh)