Thời gian qua, thương hiệu Việt Nam xuất hiện nhiều hơn trong các siêu thị Campuchia, giữa bối cảnh xứ chùa tháp và Thái Lan căng thẳng do tranh chấp biên giới.
Một chủ cửa hàng bán lẻ ở Phnom Penh nói với Khmer Times: “Hai tuần qua, thương hiệu Việt Nam xuất hiện nhiều hơn như bánh quy, sữa, sô cô la và mì ăn liền. Mặc dù thương hiệu Malaysia cạnh tranh quyết liệt, nhưng thương hiệu Việt Nam thành công hơn trong việc lấp đầy khoảng trống.”
Ông giới thiệu những hộp sữa Dalat Milk từ Việt Nam, đã chiếm vị trí trên kệ vốn dành cho thương hiệu Thai Dutch Mill của Thái Lan.
Giải thích điều này, ông nói: “Chỉ Thái Lan, Lào và Việt Nam có thương mại biên giới trên bộ với Campuchia. Khi căng thẳng bùng nổ, biên giới Campuchia – Thái Lan gần như đóng lại. Lào thì đơn giản là không có thương hiệu nào đủ mạnh. Vì vậy không khó hiểu khi hàng hóa Việt Nam xuất hiện nhiều hơn.”
Một nguồn tin nói với Khmer Times rằng, sản phẩm từ Việt Nam giúp ích cho nhiều siêu thị tại Phnom Penh duy trì hoạt động. Người chủ siêu thị này chia sẻ tiếp: “Đã có 1 cú sốc khi hàng từ Thái Lan đột ngột bị ngắt. Sản phẩm từ Thái Lan chiếm 25% chuỗi siêu thị của chúng tôi. Nhiều trong số đó được yêu thích nhất. Tuy nhiên, nguồn cung ổn định từ Việt Nam giúp chúng tôi không bị gián đoạn.”
Theo giới quan sát, thương hiệu từ Việt Nam xuất hiện mạnh nhất tại Campuchia mấy ngày qua là Vifon, Acecook và Vị Hương. Tất cả đều liên quan đến thực phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện tại Campuchia từ lâu và đã khẳng định được tên tuổi, gồm Viettel, BIDV, Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu tại viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore, đổ bộ này phản ánh mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Campuchia.
Ông nói tiếp: “Đối mặt với thuế quan Hoa Kỳ, Việt Nam và Campuchia đều điều chỉnh quan hệ đối tác kinh tế, theo hướng liên kết khu vực hơn. Đầu tư từ Việt Nam kết nối doanh nghiệp Campuchia với chuỗi cung ứng rộng hơn trong khu vực, đồng thời cung cấp nông sản thô từ Campuchia cho lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam.”
Một diễn biến khác phản ánh nhu cầu cần nhau, Phòng Thương mại Campuchia và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia sẽ ký biên bản ghi nhớ (MOU), tại hội nghị kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia tổ chức ở TP.HCM những ngày tới.
Truyền thông 2 nước đưa tin, khoảng 200 doanh nghiệp sẽ tham dự sự kiện, gồm 100 từ Việt Nam và 100 từ Campuchia. Các doanh nghiệp chủ yếu từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, máy móc và phân bón. Đây là lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu mạnh, cũng như nhu cầu nhập của Campuchia ngày càng cao.
Theo truyền thông địa phương, hội nghị được kỳ vọng góp phần tăng trưởng thương mại bền vững giữa 2 nước, hỗ trợ ổn định chuỗi cung ứng và tạo ra cơ hội hợp tác mới.
Hội nghị cũng hướng đến tăng cường hiện diện lâu dài của hàng hóa Việt Nam ở Campuchia, một thị trường gần gũi về địa lý cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng.
Tờ Khmer Times trước đó đưa tin, người tiêu dùng Campuchia đang thích nghi với sự thay đổi, khi sản phẩm từ Thái Lan dần biến mất khỏi những kệ hàng trong siêu thị.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hang-viet-nam-dang-dan-thay-the-thai-lan-o-thi-truong-campuchia)
2 tuần trước
Kinh tế Thái Lan gặp không ít khó khăn trong tháng 53 tháng trước
Dịch vụ chiếm gần 40% kinh tế Campuchia