Trong hơn hai năm diễn ra đại dịch, nước Mỹ ghi nhận “dấu mốc buồn”: 1 triệu người ra đi do COVID-19.
Theo ước tính chính thức từ trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đại học Johns Hopkins và các tổ chức khác thu thập dữ liệu về sức khỏe công cộng, Mỹ đang chạm đến “dấu mốc buồn” 1 triệu ca tử vong do COVID-19.
Kể từ tháng 2.2020, COVID-19 được xem như nguyên nhân cơ bản gây ra cái chết của ít nhất 90% trường hợp tử vong có xác nhận, theo CDC. Điều này đồng nghĩa căn bệnh “khởi đầu cho một chuỗi sự kiện chết chóc”. Với 10% còn lại, COVID-19 là nguyên nhân gián tiếp gây tử vong.
Hiện nay, COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba nước Mỹ
Trong hai năm qua, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của người Mỹ nhiều hơn gần như bất kỳ lý do nào khác. Trong năm 2021, khoảng 462.000 người Mỹ qua đời do COVID-19 và 386.000 người vào năm 2020, lần lượt chiếm 13,3% và 10,4% trong tổng số ca tử vong, theo CDC.
Từ đầu năm 2022, hơn 150.000 người qua đời vì COVID-19
Chỉ có bệnh tim và ung thư – nổi trội nhiều loại bệnh khác – khiến nhiều người chết hơn. Từ đầu năm 2022, hơn 150.000 người qua đời vì COVID-19, thống kê dễ dàng đưa căn bệnh này vào nhóm 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nước Mỹ.
COVID-19 nguy hiểm hơn cảm cúm, HIV hay hai cuộc chiến tranh thế giới
Tuy liên tục so sánh với bệnh cúm để hạ thấp mối đe dọa của đại dịch, bao gồm cả nhiều nhận định từ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, song COVID-19 chỉ hơn 2 năm đã khiến cho số người tử vong nhiều gấp ba lần bệnh cúm trong một thập kỷ qua.
Theo CDC, bệnh cúm mùa từ năm 2010-2020 khiến khoảng 360.000 người Mỹ tử vong. Số người qua đời vì COVID-19 nhiều hơn HIV trong bốn thập kỷ qua và gần như gấp đôi cả hai cuộc chiến tranh thế giới cộng lại.
Số người ở Mỹ tử vong vì COVID-19 gần bằng mọi cuộc chiến tranh của xứ sở cờ hoa từ năm 1775-1991, với gần 1,2 triệu người thiệt mạng, theo dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Nhiều người Mỹ mất vì COVID-19 hơn tổng dân số của 6 tiểu bang khác nhau
Số người đã khuất do COVID-19 gần như gấp đôi dân số vào khoảng 577.000 người tại Wyoming, cũng như nhiều hơn dân số của Washington, D.C. và 5 tiểu bang khác là Vermont, Alaska, North Dakota, South Dakota và Delaware, theo dữ liệu dân cư mới nhất.
Dân số Hoa Kỳ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng gần 16% số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu
Số ca tử vong tại Mỹ vượt xa thống kê chính thức của bất kỳ quốc gia nào. Các quốc gia xếp sau là Brazil, Ấn Độ và Nga với lần lượt khoảng 664.000, 524.000 và 369.000 trường hợp tử vong, theo dữ liệu được đại học Johns Hopkins đối chiếu.
Thiếu năng lực xét nghiệm, động cơ chính trị trong việc kiểm đếm sót và ghi nhận yếu kém để giữ thống kê chính thức của một số quốc gia thấp hơn số ca tử vong COVID-19 thực sự. Ví dụ như, các chuyên gia tin rằng thống kê chính thức của Ấn Độ và Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca tử vong do COVID-19.
Tỷ lệ tử vong của Mỹ cao hơn nhiều quốc gia giàu có khác
Xét về quy mô dân số, Mỹ đứng thứ 18 thế giới sau Peru, Ba Lan, Hungary và Brazil, theo dữ liệu của đại học Johns Hopkins. Số liệu chỉ ra, cứ mỗi 100.000 người Mỹ có 302 trường hợp tử vong do COVID-19, cao hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào khác.
Tại Anh và Pháp, hai quốc gia giàu có chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus corona, thống kê số ca tử vong lần lượt khoảng 259 và 226 người/100.000 dân. Trong khi đó, Úc có dưới 29 người trên 100.000 dân. Nhật Bản và New Zealand còn thấp hơn với lần lượt 23 và 15 người/100.000 dân.
1 triệu người qua đời thấp hơn số ca tử vong thực sự từ COVID-19
Số ca tử vong COVID-19 thực sự ở Mỹ cao hơn nhiều so với thống kê chính thức. Một số trường hợp tử vong do COVID-19 không được tính, do họ có thể qua đời sau khi nhiễm bệnh được vài tháng. Số khác được ghi nhận tử vong trong tình trạng có các triệu chứng tương tự và còn lại từ hiệu ứng dây chuyền của đại dịch COVID-19, như không có khả năng tiếp cận với việc đầu trị cho tình trạng khác.
Hệ thống Y tế của Mỹ mong manh, tiêu chuẩn báo cáo riêng biệt theo quyền hạn khác nhau và cơ sở bệnh viện quá tải khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Trong thời điểm đại dịch COVID-19, khoảng 1,1 triệu ca tử vong vượt mức dự báo, thước đo ghi nhận sự khác nhau giữa bao nhiêu trường hợp tử vong được quan sát và theo dự đoán.
NƠI CHỊU ẢNH HƯỞNG TỪ COVID-19
Đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng một cách đồng đều, với làn sóng các ca tử vong phân chia theo đảng phái. Nguy cơ lây nhiễm cũng không chia đều, với phần lớn người chết nằm trong nhóm người cao tuổi, người da màu, người bản địa và người gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong cao hơn người da trắng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát từ giữa tháng 4.2022, trên toàn nước Mỹ có 229 ca tử vong trên 100.000 dân, theo dữ liệu của đại học Johns Hopkins.
Mississippi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất nước Mỹ
Mississippi và Arizona, hai tiểu bang duy nhất vượt ngưỡng 400 ca tử vong trên 100.000 dân, với lần lượt 418 và 411 người chết. Hawaii và Vermont bằng 1/3 tỷ lệ tử vong trung bình cao trên toàn quốc, với lần lượt 100 và 102 người/100.000 dân.
COVID-19 khiến nhiều người qua đời hơn tại các tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa.
8 trong 10 tiểu bang có tỷ lệ tử vong/người cao nhất từ đảng Cộng Hòa, theo dữ liệu được đại học John Hopkins đối chiếu và cung cấp cho Forbes. Trong khi đó, 7 trên 10 tiểu bang có tỷ lệ tử vong/người thấp nhất của đảng Dân Chủ.
Phần lớn số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ là nhóm người cao tuổi
Khoảng 3/4 bệnh nhân tử vong do COVID-19 được ghi nhận là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Khoảng 1/5 trong số đó từ 45-64 tuổi. Chỉ hơn 4% trường hợp tử vong dưới 45 tuổi, với người trẻ hơn có tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều.
Đàn ông chịu ảnh hưởng nặng nề hơn phụ nữ.
Nhiều người đàn ông qua đời vì COVID-19 hơn, khoảng 55% so với phụ nữ là 45%, theo CDC. Các chuyên gia nhận định, không có lời lý giải rõ ràng nào cho khoảng cách này, đồng nghĩa tỷ lệ tử vong ở nam giới hơn 1,6 lần nữ giới.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của người da màu, bản địa và gốc Tây Ban Nha cao hơn nhiều so với người da trắng.
Theo dữ liệu từ CDC, người Mỹ bản địa hay người bản địa Alaska mất vì COVID-19 cao gấp hai lần người da trắng. Còn người da đen và người gốc Tây Ban Nha lần lượt là 1,7 lần và 1,8 lần. Người gốc Á có tỷ lệ tử vong thấp hơn các dân tộc thiểu số khác, khoảng 0,8 lần so với người da trắng, theo CDC.
Các làn sóng dịch COVID-19
Nước Mỹ đã hứng chịu nhiều làn sóng COVID-19, với những khu vực khác nhau trải qua các đợt dịch rất khác. Nhìn chung, số ca tử vong lập đỉnh trong đợt bùng phát đầu tiên vào giữa năm 2020, mùa đông năm 2020-2021, giai đoạn bùng dịch do biến thể delta vào mùa thu 2021 và mùa đông 2021-2022 khi biến chủng omicron lây lan.
Tháng 1.2021 là tháng chết chóc nhất trong đại dịch COVID-19
Trong tháng 1.2021 và tháng 12.2020 ghi nhận nhiều người tử vong hơn bất kỳ tháng nào khác của đại dịch COVID-19, với lần lượt 106.000 và 98.000 ca tử vong, theo CDC. Theo sau là tháng 1.2022 với khoảng 82.000 người tử vong, thời điểm duy nhất có hơn 80.000 trường hợp không qua khỏi.
Nước Mỹ đang ở một trong những giai đoạn ít ca tử vong nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu
Ngoài khoảng thời gian đầu đại dịch trong năm 2020, từ tháng 6-7.2021, có ít người không qua khỏi hơn bất kỳ tháng nào khác. Trong tháng 6.2021, có khoảng 8.000 ca tử vong và tháng 7 là 11.000 trường hợp. Mặc dù vậy, số ca tử vong gia tăng trở lại từ tháng 8-9.2021, hai tháng chết chóc nhiều thứ 5 và thứ 7 nước Mỹ.
Trong tháng 3.2022, số ca tử vong còn khoảng 13.000 người, giảm từ gần 48.000 trường hợp vào tháng 2.2022, một trong những tháng chết chóc nhất. Dữ liệu của tháng 4.2022 vẫn chưa hoàn thành và có thể thay đổi, song cho thấy số người chết thấp hơn đôi chút so với những tháng trước.
VACCINE ĐÃ THAY ĐỔI ĐẠI DỊCH RA SAO?
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận với vaccine phòng COVID-19 mới và sớm nhất trong việc tiến hành tiêm ngừa cho phần lớn người trưởng thành, trẻ em cũng như tiêm mũi nhắc lại.
Những mũi tiêm vaccine có công hiệu phòng ngừa lây nhiễm, bệnh trở nặng và tử vong do COVID-19, cũng như giảm nguy cơ mọi người lây truyền virus nếu có tiếp xúc.
Các cơ quan y tế trên toàn thế giới khuyến nghị phần lớn người trưởng thành nên tiêm ngừa và nghiên cứu liên tục chứng minh về cả mức độ hiệu quả cũng như tính an toàn. Song, việc tiêm ngừa ở Mỹ lại không đồng nhất, thể hiện qua thống kê số ca tử vong do COVID-19.
Gần 80% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19
Khoảng 66% người Mỹ đã hoàn thành việc tiêm ngừa vaccine và gần một nửa được tiêm mũi nhắc lại, theo dữ liệu của CDC. Tuy vậy, việc tiêm ngừa không đồng đều, khi các tiểu bang như Vermont và Maine có hơn 80% số người được tiêm ngừa đầy đủ, còn các tiểu bang khác chỉ hoàn thành hơn 50% như Alabama (51%), Wyoming (52%), Mississippi (52%) và Louisiana (53%).
Những người chưa được tiêm ngừa nhiều khả năng bị lây nhiễm và tử vong do COVID-19.
Trong tháng 2.2022, những người thuộc nhóm tuổi từ 12 trở lên có nguy cơ xét nghiệm dương tính với COVID-19 gấp ba lần những ai đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine, theo CDC. Còn nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần người đã tiêm ngừa.
Tỷ lệ tử vong giảm tại các tiểu bang tiêm ngừa cao
Trước khi vaccine phổ biến rộng rãi – thời điểm được Forbes đánh dấu từ ngày 1.6.2021 – lần lượt New Jersey, New York và Đảo Rhode có tỷ lệ tử vong cao nhất nước Mỹ.
Ba tiểu bang này đã đẩy mạnh việc tiêm chủng và trở thành một trong những nơi có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm ngừa cao nhất, với các thứ hạng lần lượt là 1,7 và 9, theo dữ liệu được New York Times đối chiếu.
Kể từ khi triển khai tiêm vaccine, New Jersey, New York và Đảo Rhode lọt vào nhóm các tiểu bang có tỷ lệ tử vong thấp nhất nước Mỹ, theo dữ liệu được đại học Johns Hopkins cung cấp và Forbes phân tích.
Các tiểu bang này lần lượt xếp thứ 9, 6 và 7 có tỷ lệ tử vong/người thấp nhất. Connecticut, tiểu bang tiêm ngừa nhiều thứ tư nước Mỹ, từng trải qua quá trình tương tự, khi là nơi có tỷ lệ tử vong cao thứ sáu trước khi triển khai tiêm vaccine.
ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI
COVID-19 sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài sau khi mọi thứ quay trở lại bình thường. Các chuyên gia đồng ý rằng, virus corona sẽ tồn tại cùng với chúng ta và có khả năng trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa. Virus corona vẫn sẽ gây tử vong, song nhiều người Mỹ vẫn sẽ vượt qua khó khăn trong hai năm vừa qua.
Tuổi thọ của người Mỹ giảm đi 2 năm trong đại dịch COVID-19
Trong năm 2020, người Mỹ giảm gần hai năm tuổi thọ, xuống 77 tuổi. Lần giảm tuổi thọ này, lớn nhất trong vòng một năm kể từ sau Thế chiến thứ 2, chủ yếu do COVID-19, CDC cho biết.
Tuổi thọ tiếp tục giảm trong năm 2021, mất thêm 0,4 năm, theo nghiên cứu sơ bộ. Trong năm 2020, tuổi thọ của các quốc gia có thu nhập cao khác giảm sâu hơn Mỹ và tăng trở lại vào năm 2021.
Cứ 4 ca tử vong tại Mỹ có một trẻ em mất đi người thân
Theo ước tính, 200.000 trẻ em tại Mỹ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do trong thời điểm đại dịch COVID-19. 50.000 đứa trẻ khác mất đi người chăm sóc thứ hai như ông bà do COVID-19. Việc mất đi người thân khi nhỏ có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và ảnh hưởng đáng kể lên sức khỏe về lâu dài.
Hàng triệu người Mỹ có thể mắc hội chứng hậu COVID kéo dài
Một số người đã mắc COVID-19 tiếp tục gặp phải các hội chứng sau nhiều tuần, tháng hay thậm chí là nhiều năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Mệt mỏi, đau cơ, sương mù não, hụt hơi là những lời phàn nàn phổ biến từ những người mắc phải hội chứng hậu COVID kéo dài.
Các triệu chứng có thể và ảnh hưởng gần như toàn bộ hệ cơ quan của cơ thể, bao gồm thận, tim, phổi và não. Vẫn chưa xác định được nguyên do và bản chất của hội chứng COVID kéo dài, và ngay cả những người mắc bệnh nhẹ hoặc không phát hiện triệu chứng có thể gặp phải.
Các chuyên gia ước tính từ 10%-30% bệnh nhân sẽ mắc phải hội chứng hậu COVID kéo dài sau khi khỏi bệnh. Đến nay, 8-24 triệu người có thể mắc hoặc đã bị hội chứng COVID kéo dài, khi hơn 80 triệu ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Mỹ.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/goc-nhin-ve-1-trieu-nguoi-ra-di-vi-covid-19-tai-my-trong-hon-2-nam-qua)
2 năm trước
FDA phê duyệt xét nghiệm COVID-19 bằng hơi thở