Thị Trường

Đông Nam Á và Việt Nam có thể hưởng lợi từ thuế quan của ông Trump?

1 tháng trước
Tác giả: Văn Phong

Thời gian gần đây, các công ty cung ứng linh kiện điện tử cho những gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ, đang rục rịch chuyển bớt sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó những tập đoàn lớn cũng nỗ lực tích lũy linh kiện, trước thời điểm ông Trump nhậm chức cuối tháng 1.2025.

Share
this:

Xu hướng trên được dự đoán sẽ tăng tốc hơn, khi chính quyền mới nhậm chức. Khả năng không nhỏ các công ty sản xuất linh kiện sẽ chuyển bớt sang Ấn Độ hoặc ASEAN trong đó có Việt Nam. 

Để hiểu thêm về bức tranh, cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình, Forbes Việt Nam phỏng vấn ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế CIB về viễn cảnh Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời ông Trump 2.0.

Doanh nhân Mã Thanh Danh – Ảnh: Đại học Hồng Bàng

Thưa ông, ngày 25.11 vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp 25% thuế với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, cũng như cộng thêm 10% thuế với hàng Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, đây là chính sách rất cứng rắn của ông Trump. Nhưng ý kiến khác lại nhận định, đây chỉ là đòn nắn gân để dễ đàm phán. Ý kiến của ông thế nào ạ?

Trả lời: Theo tôi đây là chiến thuật quen thuộc của ông Trump: Khiến đối thủ hoảng sợ trước khi đàm phán. Lời đe dọa trên bước đầu thành công, khi Tổng thống Mexico đã điện đàm và cam kết tăng cường an ninh biên giới. Thủ tướng Canada thì bay tới tận Florida để gặp riêng ông Trump.

Sau những tương tác này, ông Trump sẽ tùy tình hình để đi bước tiếp theo. Tôi nghĩ với Canada và Mexico, có vẻ vấn đề dễ giải quyết hơn. Họ là 2 láng giềng và đồng minh của Hoa Kỳ. Các đường dây liên lạc luôn sẵn sàng. Nhưng với Trung Quốc, có thể khó khăn hơn một chút. Không loại trừ viễn cảnh thuế sẽ tăng với hàng của đất nước tỷ dân. Với hàng từ Mexico và Canada, thuế có thể không tăng hoặc tăng ít hơn.

Nếu ông Trump tăng thuế với hàng Trung Quốc, khả năng cao nhiều nhà cung ứng linh kiện điện tử sẽ chuyển sản xuất ra ngoài cường quốc châu Á để né thuế. Ông nghĩ Việt Nam có thể là điểm đến tiềm năng không? Vì sao?

Trả lời: Những năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, nhất là khi họ muốn chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

Dù có nhiều cải cách thời gian qua, nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta vẫn đi sau một số nước Đông Nam Á trong việc chào mời các “đại bàng” này. Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, quyết đoán. Ví dụ giảm thủ tục visa, tăng thời gian lưu trú, tăng số quốc gia miễn visa, mở rộng đường xá xung quanh các khu công nghiệp trọng điểm hoặc ưu đãi thuế.

Việt Nam có điểm lợi vì đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Không khí trao đổi giữa 2 nước hiện rất cởi mở, cả chính trị lẫn kinh tế. Ngoài ra, người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, đội ngũ lao động đông đảo, nên có tiềm năng đón đầu làn sóng trên. Hiện ở Việt Nam có khoảng 35 công ty phụ trợ cung cấp linh kiện cho Apple. Đây là lợi thế lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh. Tập đoàn chip Nvidia lớn nhất thế giới mới mua lại đơn vị AI của VinGroup, mở trung tâm nghiên cứu và công ty con tại Việt Nam, được xem là bước ngoặt trong việc chinh phục lĩnh vực tương lai của nhân loại này.

Với sự có mặt của Nvidia, tôi tin ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam sẽ cất cánh. Dù còn một khoảng cách xa với Malaysia hay Singapore, nhưng chúng ta đã sở hữu nền tảng đầu tiên rất quan trọng.

Malaysia đang thu hút nhiều tập đoàn đến mở trung tâm dữ liệu (data center) – Ảnh: The Exchange Asia

Ông có đề cập tới Malaysia, nếu nhìn qua đó, thời gian gần đây họ làm rất tốt việc thu hút đầu tư công nghệ cao. Việt Nam cần hành động như thế nào, để cạnh tranh và kéo tập đoàn công nghệ lớn tới đầu tư thưa ông?

Trả lời: Tiếp tục những việc chúng ta đã làm thời gian qua, nhưng mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Ví dụ hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải xung quanh các khu công nghiệp; khắc phục tình trạng kẹt xe tại những điểm nóng ở 2 thành phố lớn; giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường và xử lý rác thải; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường chống tham nhũng, lãng phí và tình trạng làm khó doanh nghiệp; ưu đãi về thuế, thuê đất và cuối cùng là làm trong sạch hệ thống ngân hàng.

Nếu Mỹ tăng thêm 10% thuế với mọi hàng hóa Trung Quốc như cựu Tổng thống Trump đề xuất, theo ông đất nước tỷ dân trả đũa thế nào?

Trả lời: Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa. Ví dụ tăng thuế với hàng Mỹ xuất vào Trung Quốc, nhưng quy mô nhỏ hơn để tránh tình trạng ăn miếng trả miếng; trừng phạt – điều tra một số doanh nghiệp Mỹ đang sản xuất, làm ăn và kiếm lợi nhuận cao ở thị trường Trung Quốc; hoặc có thể bán trái phiếu của Chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ. 

Theo ông Việt Nam cần làm gì, để tránh trở thành mục tiêu tăng thuế của chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo?

Trả lời: Chúng ta cần chủ động từ cơ quan nhà nước, Chính phủ đến những hiệp hội ngành nghề. 

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, rồi đến Tổng thống Joe Biden, quan hệ Việt – Mỹ tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế. Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao cây tre, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, đóng góp vào sự cởi mở toàn cầu cũng như giải quyết vấn đề quốc tế thông qua thương lượng.

Giới doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có lẽ cần mua hàng từ Hoa Kỳ nhiều hơn, để giảm thặng dư thương mại với nước bạn. Bên cạnh đó tiếp tục trải thảm mời doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao như chip, chất bán dẫn và linh kiện điện tử. Khi đó sản phẩm của Việt Nam xuất sang Mỹ, thực chất là của doanh nghiệp Mỹ. 

Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp nên cân nhắc đa dạng hóa thị trường. Để làm được điều này, cần tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Ví dụ giảm dần xuất khẩu nguyên liệu hay sản phẩm thô, chuyển qua sản phẩm đã qua chế biến. Bên cạnh đó cần tập trung vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn lao động, làm sao theo chuẩn toàn cầu, để nâng cao uy tín doanh nghiệp lẫn thương hiệu quốc gia.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung lên cao, vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng, để đảm bảo Việt Nam không trở thành nơi các doanh nghiệp nước ngoài né thuế quan của Hoa Kỳ.

Xin cảm ơn ông!

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dong-nam-a-va-viet-nam-co-the-huong-loi-tu-thue-quan-cua-ong-trump)