Thị Trường

Doanh nghiệp Nhật – Hàn khó giảm phụ thuộc nguồn cung khoáng sản từ Trung Quốc?

1 tháng trước
Nguồn: Nikkei Asia

Khi Nhật Bản quyết định đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chip và chất bán dẫn, công ty Sojitz đã nhìn thấy cơ hội.

Share
this:

Công ty có trụ sở tại Tokyo này lên kế hoạch xây dựng một nhà máy ở đảo Kyushu, cùng khu vực mà gã khổng lồ TSMC đang xây dựng nhà máy chip đầu tiên tại xứ sở hoa anh đào. Sojitz muốn chế biến fluorspar thành hydro flouride. Mục tiêu đáp ứng 40% nhu cầu hàng năm của Nhật Bản đối với loại hóa chất sản xuất chip trên, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hydro flouride là nguyên liệu rất quan trọng để sản xuất chip – Ảnh: Cosmos Magazine

Ông Takashi Mizukami, giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Sojitz chia sẻ: “Chúng tôi muốn các nhà sản xuất chất bán dẫn và vật liệu pin sử dụng axit hydrofluoric, tham gia và xây dựng chuỗi cung ứng cùng.”

Dự án của Sojitz liên doanh với Mexichem Fluor của Mexico, là ví dụ điển hình về nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vật liệu công nghệ quan trọng, trong bối cảnh bất ổn chính trị tiềm tàng giữa những nước lớn. Dẫu vậy, tiến độ được nhận xét là chậm chạp.

Chính phủ Nhật vừa chi 3,42 tỉ USD hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở sản xuất trong nước liên quan đến số hóa và công nghiệp xanh, bao gồm cả nhà máy của Sojitz. Ngoài ra, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng phác thảo chiến lược nhằm ổn định nguồn cung khoáng sản quan trọng, như đất hiếm, gali, germani và urani.

Trong khi đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã liệt kê 10 khoáng sản, như lithium, niken, coban, mangan hay than chì, là thiết yếu mang tầm chiến lược. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ không phụ thuộc vào quốc gia nào trên 50% nguồn cung bất kỳ loại khoáng sản nào.

Hàn Quốc đã tiếp cận Canada, Úc, Chile và nhiều nước châu Phi, nhằm đảm bảo nguồn cung lithium, niken, coban và đồng.

Một trong những động lực thúc đẩy sự giảm phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, là Đạo luật Giảm phát của Hoa Kỳ năm 2022. Đạo luật này khuyến khích các công ty đầu tư vào Hoa Kỳ, sử dụng nguồn cung tại Hoa Kỳ hoặc các nước có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.

Công ty hóa chất khổng lồ LG Chem của Hàn Quốc, sẽ không sử dụng chuỗi cung ứng khoáng sản và vật liệu từ Trung Quốc, cho nhà máy đang xây của mình tại bang Tennessee, dự kiến hoàn thành năm 2026. Công ty muốn mua hàng từ những nước có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, để được hưởng lợi về thuế.

POSCO đã xây dựng nhà máy lithium hydroxide đầu tiên của Hàn Quốc tại thành phố cảng Gwangyang năm 2023, thông qua liên doanh với Pilbara Minerals của Úc. Nhà máy có thể sản xuất 21.500 tấn lithium hydroxide mỗi năm.

Mitsui & Co của Nhật Bản thì đầu tư vào Nouveau Monde Graphite của Canada, để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu pin.

Tuy nhiên, động lực khác giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đến từ chính siêu cường này. Ngày 16.11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu những khoáng chất quan trọng, như vonfram, than chì và hợp kim nhôm.

Các công ty Nhật Bản đang tăng cường sản xuất lithium hydroxide trong nước. Toyota Tsusho xây dựng một nhà máy năm 2022. Một dự án của Sumimoto Corp thì đang lên kế hoạch. Hai nhà máy này được dự đoán đủ đáp ứng nhu cầu lithium hydroxide hiện tại của doanh nghiệp nội địa Nhật, là khoảng 40.000 tấn mỗi năm.

Theo đại diện một công ty Nhật Bản, khả năng tự cung tự cấp đóng vai trò như bảo hiểm, trong trường hợp căng thẳng địa chính trị.

Ông Ikumasa Kinoshita, giám đốc phụ trách mua hàng tại Central Glass cho biết, khách mua sản phẩm của công ty cũng quan tâm đến việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Tuy vậy, ông Mizukami từ Sojitz nói tiếp, gần như bất cứ thứ gì người khác có thể cung cấp, Trung Quốc đều có thể bán với giá rẻ hơn. Họ không chỉ có nguyên liệu thô, mà còn chế biến những nguyên liệu thô đó. Ví dụ Úc là nhà sản xuất lithium lớn, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu chế phẩm từ lithium của Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia, lợi thế về chi phí của Trung Quốc lớn đến mức, ngay cả Đạo luật Giảm phát (IRA) của Hoa Kỳ cũng không thay đổi được tình hình.

Central Glass đang chuẩn bị sản xuất nguyên liệu pin tuân thủ IRA, nhưng nhiều vật liệu từ Trung Quốc có tính cạnh tranh cao, nên không thể ngay lập tức chuyển sang nguồn cung khác. Ông Kawakami, giám đốc phụ trách bán vật liệu năng lượng của công ty nhấn mạnh, khách hàng rất khó chấp nhận chi phí cao.

Nhiều tiếng nói lo lắng, ông Trump trở lại Nhà Trắng khiến tình hình khó đoán. Vị Tổng thống đắc cử muốn loại bỏ IRA và áp thuế cao hàng Trung Quốc ngay ngày đầu nhậm chức. Các chính sách có thể tác động lớn đến chuỗi cung ứng, nhưng cụ thể thế nào, vẫn trong điểm mờ chưa rõ ràng.

Về mặt kinh tế, giá cả biến động cũng là rào cản với nhiều hãng công nghệ. Giá hợp đồng tương lai lithium hydroxide tại Chicago hiện quanh mức 10.000 USD một tấn, thấp hơn nhiều mức đỉnh năm 2012 là 80.000 USD.

Một số vật liệu như magie, hầu như chỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khoáng chất này dùng trong hợp kim để gia cố nhôm, giúp ô tô nhẹ hơn. Đây là điều đặc biệt quan trọng với xe điện, do trọng lượng lớn của pin.

Hiện nay, 99% magie cô đặc cao của Nhật Bản là mua từ Trung Quốc.

Một quan chức Nhật Bản chia sẻ về điều này: “Chúng tôi cần thay đổi, vì tỉ lệ phụ thuộc quá cao. Nhưng các công ty không thể tham gia quá trình đa dạng hóa nguồn cung, bởi những dự án sản xuất ở bên ngoài có chi phí cao, cộng thêm nhu cầu cũng không tăng.”

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-nhat-han-kho-giam-phu-thuoc-nguon-cung-khoang-san-tu-trung-quoc)